Nóng trong tuần: Gia đình ông Phạm Nhật Vượng "bỏ túi" cả tỷ đô

Phương Linh Chủ nhật, ngày 06/01/2019 15:55 PM (GMT+7)
Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản trị giá 6,7 tỷ USD, tương đương gần 153.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Đại gia giàu nhất Việt Nam chốt năm với 6,7 tỷ đô trong tay

Theo danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes (Mỹ), tới ngày 28/12/2018, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản trị giá 6,7 tỷ USD, tương đương gần 153.000 tỷ đồng.

Theo Forbes, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở vị trí thứ 499 trong danh sách người giàu toàn cầu và xếp hạng số 1 tại Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt cũng trải qua một phiên giao dịch cuối cùng của năm đáng nhớ khi xuống dưới mốc 900 điểm, giảm hơn 9% so với đầu năm. 

Đáng chú ý là trong ít phút cuối phiên, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup bất ngờ bị xả hàng mạnh. Cổ phiếu này quay đầu giảm sàn 6,9%, tương đương 7.100 đồng/cổ phiếu. VIC đã đóng cửa giao dịch năm 2018 tại mốc 95.300 đồng/cổ phiếu. Đà giảm này khiến riêng ông Vượng mất hơn 6.000 tỷ.

Tuy nhiên, nếu so với đầu năm, khối tài sản của gia đình vị tỷ phú này vẫn tăng hơn 35.000 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VIC đã tăng gần 50% trong năm qua.

img

 Ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản trị giá 6,7 tỷ USD.

Lập hội đồng xử lý vụ Grab mua lại Uber

Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh tuần qua đã ký quyết định thành lập hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Ngoài Grab và Uber, còn có 6 doanh nghiệp khác cũng được đưa vào diện xem xét điều tra vì có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ việc.

Trước đó, hồi tháng 12/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber ở thị trường Đông Nam Á, trong đó có tại Việt Nam.

Cơ quan này đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm. Hai dấu hiệu vi phạm được chỉ ra là “hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh” và “hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”.

Ngược lại, phía Grab cho rằng mình không vi phạm luật. Nguyên nhân Grab đưa ra là do cách hiểu, giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và Grab khác nhau về thị trường liên quan.

Giằng co vụ cưỡng chế thuế với Sabeco nghìn tỷ

img

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco.

Tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc, truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới cưỡng chế thuế của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). 

Nội dung văn bản nêu rõ: Trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc chậm nộp thuế và tiền phạt vi phạm hành chính thuế của Sabeco, giao Bộ Tài chính, UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỉ đồng.

Theo Cục thuế TP.HCM, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của công ty này, trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007- 2015 là hơn 2.645 tỉ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỉ đồng.

Trong khi ấy, phía Sabeco thì khẳng định không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Công ty này bày tỏ không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TP.HCM.

Giá xăng giảm từ 0 giờ ngày đầu tiên của năm 2019

Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong ngày đầu tiên của năm mới 2019. 

Theo đó, từ 1/1/2019, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 515 đồng, xăng RON 95 là 538 đồng. Các mặt hàng dầu giảm sâu hơn, 733-1.092 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng E5 RON 92 tối đa 16.272 đồng một lít; xăng RON 95 là 17.603 đồng; dầu hoả 14.185 đồng, dầu diesel 14.909 đồng và dầu madut là 13.275 đồng một kg.

Lần điều chỉnh này sớm hơn 4 ngày so với lịch điều chỉnh dự kiến. Theo quy định tại Nghị định 83, kỳ điều hành giá xăng dầu năm 2019 sẽ vào ngày 5/1. Tuy nhiên, từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng, tức là sớm hơn 4 ngày so với kỳ điều chỉnh giá xăng. Do đó, cơ quan quản lý quyết định dời ngày điều chỉnh giá xăng dầu vào 0 giờ ngày 1/1/2019.

Trước đó, phía Petrolimex cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính có nêu đề xuất đẩy sớm kỳ điều chỉnh giá. Nguyên nhân bởi nếu điều chỉnh theo đúng kỳ, doanh nghiệp phải chịu số thuế bảo vệ môi trường nộp tăng thêm khoảng 18,5 tỷ đồng/ngày. 5 ngày đầu năm 2019, Petrolimex dự kiến bị giảm nguồn thu khoảng 90 tỷ đồng nếu giá bán hàng không thay đổi.

img

Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong ngày đầu tiên của năm mới 2019.

Thực hư vụ khách tố bị bốc hơi 170 tỷ đồng tiết kiệm tại VietABank

Khách hàng của Ngân hàng TMCP Việt Á đã gửi đơn tố cáo tới báo chí về việc khoản tiền 170  tỷ không cánh mà bay.

Theo đơn tố cáo, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (tổ 6, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết có gửi 6 món tiền với tổng số 170 tỷ đồng có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Á, Phòng giao dịch Đông Đô (18 T1, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Các sổ này có thời hạn gửi tiền từ khoảng tháng 9, 10/2018, với thời hạn gửi 3 tháng, lãi suất 5,5%/năm. 

Đến ngày 8/12/2018, khi bà Trinh lên Phòng giao dịch Đông Đô VietABank để rút tiền nhưng không rút được. “Thông qua cán bộ VietABank có tên là Nguyễn Thanh Tùng, tôi được biết số tiền của tôi đã bị giả mạo chữ ký để chiếm đoạt hết”, nội dung đơn tố cáo bà Trinh nêu rõ.

Trả lời trên báo chí, phía đại diện Ngân hàng TMCP Việt Á cho biết, giữa năm 2018, nhóm khách hàng trong đó có bà Trinh, ông Cường bắt đầu giao dịch tại VietABank, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu.

Tuy nhiên, ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những người này thực hiện ngay việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ). Đến thời điểm hiện nay, các sổ tiết kiệm liên quan đến nhóm đối tượng trên đã được cầm cố cho các hợp đồng vay nêu trên tại Ngân hàng Việt Á và ngân hàng khẳng định có đầy đủ chứng từ chứng minh việc chuyển tiền qua lại lẫn nhau giữa các đối tượng này.

Nóng tuần qua: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lo sốt vó vì ông trùm đến sau?

Hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng AirAsia đã bày tỏ tham vọng thâm nhập vào thị trường Việt Nam với một loạt đường...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem