Nóng: Từ ngày 1/7, mua xe ô tô trong nước được giảm 50% phí trước bạ
Nóng: Từ ngày 1/7, mua xe ô tô trong nước được giảm 50% phí trước bạ
An Linh
Thứ tư, ngày 28/06/2023 11:49 AM (GMT+7)
Lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu chính thức được giảm 50% từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023. Đối với người mua xe trong nước đăng ký lần đầu tại Hà Nội chỉ phải đóng phí 6%, trong khi người dân các tỉnh khác là 5% thay vì phải nộp phí 12% và 10% hiện hành.
Chính thức giảm phí trước bạ 50% đối với xe ô tô trong nước
Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định Quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc, hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Từ ngày 1/1/2024, mức lệ phí trước bạ sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022. Tương ứng 10% đối xe đăng ký lần đầu trên phạm vi cả nước và 12% đối với xe đăng ký lần đầu tại Hà Nội.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, Bộ Tài chính có Tờ trình gửi Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ, theo đó Bộ Tài chính đánh giá trong giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng được đánh giá là khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nhu cầu mua xe của người dân có thể thấp hơn.
Việc tiếp tục thực hiện chính giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay thì việc tăng thu từ thuế TTĐB và thuế GTGT sẽ có thể không đủ để bù đắp cho việc giảm LPTB.
Thời điểm năm 2020 và năm 2022 là thời điểm dịch Covid-19 trong nước đã dần được kiểm soát mặc dù trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Tại thời điểm đó, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là do đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát, theo đó, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân để được hưởng ưu đãi của chính sách, dẫn đến số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh nên nguồn thu NSNN từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT đã bù đắp được phần giảm thu LPTB về mặt chính sách.
Bộ Tài chính cho biết, theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu LPTB về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương. Theo báo cáo trên thì việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng tiêu thụ và đăng ký nên số thu LPTB, thuế GTGT và thuế TTĐB có thể tăng.
Tuy nhiên, thực tế số thu thuế GTGT và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Liên quan đến các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bộ Tài chính nhấn mạnh, Việt Nam hiện là thành viên của WTO và đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Theo đó, hiện nay chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Về lý thuyết, theo Bộ Tài chính phía Việt Nam có khả năng bị tham vấn, khiếu nại trong khuôn khổ WTO, tuy nhiên trên thực tế khả năng bị khởi kiện có thể không cao do việc khởi kiện chỉ nhằm chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng, không thể nhằm vào một biện pháp đã kết thúc trong khi thời hạn áp dụng của Nghị định ngắn, các thủ tục khởi kiện, tham vấn đòi hỏi thời gian nhất định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.