Hơn 115 tỷ đồng làm 1 km đường cao tốc Bắc - Nam
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài khoảng 654km chia làm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); sơ bộ tổng mức đầu tư là118.716 tỷ đồng.
Hơn 115 tỷ đồng làm 1 km đường cao tốc Bắc - Nam
Đến tháng 10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật, đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng (giảm 16.203 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội).
Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 11.431 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị 67.922 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và khác 7.782 tỷ đồng; chi phí dự phòng 12.358 tỷ đồng; lãi vay 3.020 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng 1 km đường được tính bình quân cho công trình xây dựng mới, phổ biến. Đối với các công trình xây dựng ở khu vực có điều kiện địa hình và điều kiện vận chuyển đặc biệt khó khăn cần có sự tính toán, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Đối với suất vốn đầu tư của Dự án cao tốc Bắc - Nam, đại diện Bộ GTVT cho biết: Tổng mức đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được lập, thẩm định và phê duyệt tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, căn cứ kết quả bước khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư.
Không có chuyện xuất hiện 60 triệu tài khoản Mobile Money sau một đêm
Ngày 24/4, NHNN đã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Theo kế hoạch, sau khi được Thủ tướng phê duyệt, doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi đề án về đầu mối quản lý, sau khi được cấp phép thì mới triển khai dịch vụ này.
NHNN cho biết, bản chất của Mobile Money là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản nên không cần lo lắng về vấn đề sim rác mở tài khoản thanh toán tràn lan.
Không có chuyện xuất hiện 60 triệu tài khoản Mobile Money sau một đêm
Sẽ không có chuyện sau một đêm thị trường xuất hiện 60 triệu tài khoản Mobile Money, do nhà mạng không được phép mở tài khoản tự động cho khách hàng.
“Khách hàng có quyền lựa chọn mở tài khoản hay không, mở tài khoản rồi sẽ được lựa chọn nộp tiền vào hay không. Kể cả khi đã nộp tiền vào cũng sẽ được lựa chọn có thực hiện thanh toán bằng Mobile Money hay không”, NHNN khẳng định.
Hà Nội đề xuất đầu tư dự án đường vành đai quy mô lớn chưa từng có
UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng đầu tư đường vành đai 4, vành đai 5 kết nối 10 tỉnh, thành phố.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách có tính đặc thù riêng trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường vành đai 4,vành đai 5 - Vùng Thủ đô đi qua.
Cùng đó, UBND TP.Hà Nội đề xuất Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu, thực hiện triển khai đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 5 kết nối 8 tỉnh, thành phố để đảm bảo tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến.
Theo thành phố này, tuyến đường vành đai 4 được xác định là một trong những công trình giao thông quan trọng, tập trung kêu gọi đầu tư của Hà Nội. Đường vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu.
Hiện nay, Hà Nội đang tiến hành xem xét hồ sơ đề xuất 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước (2 dự án BT và 1 dự án BOT) gồm: Đoạn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai – Quốc lộ 32 - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 34 km, có tổng mức đầu tư 16.277 tỷ đồng, đề xuất đầu tư theo hình thức BT.
Người dân TP.HCM sẽ không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, việc xác định đơn giá chống ngập để phục vụ công tác đấu thầu, kinh phí từ nguồn ngân sách nên người dân không phải trả tiền.
Theo ông này, hiện nay, việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn Thành phố thực hiện theo chủ trương của Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hướng xã hội hóa và giao các công ty tư nhân thực hiện.
Năm 2020, Sở Xây dựng triển khai đấu thầu công tác duy tu, nạo vét cống thoát nước. Để thực hiện việc này phải tính định mức đơn giá của việc chống ngập.
“Thành phố cần sự đồng hành của người dân nhưng Thành phố sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc này. Vì vậy, người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập”, Khiết khẳng định.
Trước đó, khi đón nhận thông tin về việc TP.HCM đang nghiên cứu đề án xã hội hóa chống ngập, trong đó có phương án thu phí chống ngập, dư luận có nhiều quan điểm trái chiều khi có thông tin cho rằng người dân ở TP.HCM phải trả tiền cho việc chống ngập.
Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo giảm 50% phí trước bạ ôtô
Bộ Tài chính đã chính thức có công văn xin ý kiến các đơn vị, tổ chức có liên quan về Dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo dự thảo, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này theo quy định hiện nay.
Mức áp dụng thu phí nói trên sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Từ 1/1/2021, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sẽ quay về tính theo mức thu tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô hiện cũng được tính theo các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.