Nóng tuần qua: Loại cá đặc sản bỗng bán giá “bèo”, dân mua về làm thức ăn chăn nuôi

Anh Thư (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 04/07/2021 16:06 PM (GMT+7)
Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.
Bình luận 0

Ngư dân Quảng Bình lao đao vì cá đặc sản xuất khẩu ùn ứ

Cá hố là loại cá đặc sản mang về hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân xã biển Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình). Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu cá hố bị ngưng trệ khiến phần lớn cá bị hư hỏng. Các tiểu thương đành chở cá về ngược lại Quảng Bình, hầu hết cá được chở về từ cửa khẩu đã trong tình trạng thối rữa, bốc mùi.

Để vớt vát vốn liếng, các tiểu thương đành chịu lỗ lớn để bán cá với giá phế phẩm cho người dân làm thức ăn chăn nuôi.

Khi việc xuất bán thủy, hải sản sang Trung Quốc còn thuận lơi, cá hố thường có giá dao động trên dưới 120.000đ/kg. Nhưng hiện nay, đặc sản này chỉ được bán với mức giá 5.000đ/kg.

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: "Thời gian gần đây, ngư dân đánh bắt cá khó khăn kèm theo việc cá không được xuất khẩu gây nên tình trạng tồn đọng cá. Số cá không xuất khẩu bị hư hỏng nặng, nhiều người dân đành phải mua lại đặc sản của địa phương làm thứ ăn chăn nuôi khiến nhiều hộ thả neo, bỏ nghề bám biển. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương mong muốn các ban ngành quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng kho bảo quản để tháo bỏ vướng mắc".

img

Việc xuất khẩu cá hố qua Trung Quốc bị ngưng trệ khiến các tiểu thương phải chở cá về ngược lại Quảng Bình bán với giá cực thấp.

Giá giảm sâu, “thủ phủ heo” lâm cảnh ế ẩm

Dịch Covid-19 đã khuến chợ Hóc Môn tạm dừng hoạt động trong 7 ngày kể từ 0h ngày 28/6. Vì chợ này tiêu thụ tới 60% lượng heo của toàn Đồng Nai nên khi đóng cửa sẽ làm đình trệ chuỗi cung ứng thịt heo tại tỉnh.

Theo Cục Chăn nuôi, giá heo hơi cuối tháng 6 dao động ở mức 62.000 – 68.000 đồng/kg, giảm khoảng 32.000 – 38.000 đồng/kg so với thời kỳ khi giá heo lên đỉnh 100.000 đồng vào tháng 5/2020.

Còn ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, thực tế, giá lợn hơi tại Đồng Nai đã giảm xuống mức dưới 60.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng chóng mặt trong nhiều tháng qua, khiến không ít nông dân thua lỗ, phải bỏ chuồng.

Dịch Covid-19 khiến sức mua thực phẩm tươi sống tại chợ giảm

Sức mua tại các chợ truyền thống giảm từ 40%-60% so với thời điểm chưa tái bùng dịch. So với thời điểm nửa đầu tháng 6, lượng nông sản thực phẩm các nơi đưa về tiêu thụ tại các chợ đầu mối TP HCM đã giảm đáng kể.

Theo ban quản lý các chợ đầu mối, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm cung ứng cho kênh mua sắm truyền thống tại TP HCM giảm mạnh chủ yếu là do cầu thị trường giảm. Các chợ tạm bị giải tỏa, một số chợ đầu mối bị phong tỏa vì liên quan ca F0, nhà hàng, quán ăn cũng ngưng hoạt động… khiến lượng khách đến mua sắm, giao dịch tại chợ đầu mối giảm mạnh so với trước, chợ bán chậm, hầu hết mặt hàng ổn định giá, chỉ một số mặt hàng rau củ nhiệt đới như bầu, bí, đậu cove, khổ qua… tăng 1.000 đồng – 5.000 đồng/kg trong những ngày gần đây.

Trong khi đó, cũng do dịch bệnh ảnh hưởng đến khâu vận chuyển, mua bán và cả tâm lý, thói quen tiêu dùng, giá bán nhiều mặt hàng - đặc biệt là rau củ quả - đến tay người tiêu dùng đang chênh lệch nhiều so với giá ở chợ đầu mối.  Sức mua tại chợ truyền thống giảm đến 40%-60% so với ngày thường.

Tiểu thương bán nghìn cốc nước mía, trăm quả dừa xiêm mỗi ngày nắng nóng

Những ngày nắng nóng như thiêu đốt tại Hà Nội, nhu cầu mua nước mía, nước dừa và các loại nước giải khát tăng cao, chủ cửa hàng bận túi bụi làm hàng cho khách.

img

Mỗi ngày, cửa hàng nước mía của bà Liên bán ra cả nghìn cốc.

Tại cửa hàng nước mía của bà Nguyễn Phương Liên trên đường Khâm Thiên những ngày này, không khó để bắt gặp hàng dài người đứng chờ mua nước mía. Theo bà Liên, trời càng nắng nóng, nhu cầu mua nước mía của người dân càng tăng cao, gia đình bà phải huy động 4-5 người làm vẫn không kịp bán.

Nước mía được bà bán với giá 10.000 đồng/cốc hoặc 20.000 đồng/lít. Cả nhà dậy từ 4 giờ sáng, luôn chân luôn tay cũng không kịp làm cho khách. Đến giờ ăn cơm phải đổi ca cho nhau, người ăn người làm để phục vụ khách.

Giữa trưa, nắng như đổ lửa, cửa hàng bán dừa xiêm trên đường Xã Đàn (Hà Nội) của anh Tuấn vẫn không ngớt khách. Phía trong cửa hàng, hàng trăm quả dừa xiêm chất thành đống, tươi rói. Phía ngoài, anh Tuấn nhanh nhẹn cầm chiếc dao sắc bén chặt dừa cho khách.

Mỗi quả dừa được anh bán với giá 20-23.000 đồng/quả, mỗi ngày anh bán được từ 200-300 quả. Vừa bán dừa theo quả, anh Tuấn vừa bán nước dừa với giá 50.000 đồng/lít, cùi dừa cung cấp cho các quán chè.

Hàng loạt ô tô được công bố giá “dọn kho”

Nhằm tăng sức cạnh tranh và thu hút khách hàng, hàng loạt xe tiếp tục được các hãng áp dụng ưu đãi hấp dẫn. Trong đó có xe được giảm tới 530 triệu đồng.

Mới đây nhất, nhiều đại lý BMW công khai giảm giá sốc tới 17 mẫu xe thuộc các dòng series 3, series 7, X3, X5…. Mức giảm thấp nhất là 40 triệu và giảm cao nhất là 530 triệu đồng.

Ở phân khúc xe phổ thông, các đại lý Honda áp mức ưu đãi mạnh nhất tới 160 triệu đồng cho dòng xe Honda CR-V nhằm kích cầu doanh số. Ở phân khúc thấp hơn, nhiều dòng xe cũng giảm từ vài chục tới hơn một trăm triệu đồng mỗi xe

Như vậy, chỉ trong tháng 6, thị trường ghi nhận đến trên dưới 50 mẫu xe được các hãng, đại lý điều chỉnh giảm giá bán. Mức giảm giá phổ biến trên thị trường dao động trong khoảng 50-150 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các hãng và đại lý xe tiếp tục tung ưu đãi hấp dẫn để xả loạt xe hàng tồn, đời sâu. Thời điểm này nhu cầu mua xe của người dân đang chững lại. Hơn nữa, sự cạnh tranh của các đối thủ trong cùng phân khúc ngày càng mạnh, do đó các đại lý áp dụng giảm giá, tặng phụ kiện… để thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem