Nóng tuần qua: Ông Trịnh Văn Quyết chốt ngày cho “cuộc chơi điên rồ”

Phương Linh Chủ nhật, ngày 18/11/2018 12:57 PM (GMT+7)
Sau khi Bamboo Airways chính thức có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, ông Trịnh Văn Quyết đã lần đầu lên tiếng về kế hoạch chi tiết sắp tới.
Bình luận 0

Việt Nam chính thức có hãng hàng không thứ 5    

img

Bamboo Airways dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 29/12. 

Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways.

Trước đó, tại cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thẩm định và cấp phép bay cho hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết.

Trong một sự kiện sau đó, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Bamboo Airways sẽ giữ đúng kế hoạch cất cánh trong quý IV năm nay, dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 29/12. 

Trước đó, ông Quyết từng gây chú ý khi ký thỏa thuận mua 20 máy bay thân rộng Dreamliner của Airbus với giá trị lên tới 5,6 tỷ USD. Thương vụ này gây chú ý với cả giới truyền thông quốc tế. 

Có ý kiến trên tờ báo nước ngoài sau đó đã đánh giá: Việc đổ tiền mua số lượng lớn máy bay khi chưa thử sức với những chuyến đầu tiên là điều không một hãng nào dám làm. Thậm chí, có ý kiến còn nêu lên, việc bỏ số tiền trên chẳng khác nào bỏ tất cả trứng vào chung một giỏ, và có thể khiến hãng phơi thân trong nợ nần.

Ông lớn nối đuôi nhau về siêu ủy ban

Một loạt tập đoàn, tổng công ty đã được các bộ chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong tuần.

Mở đầu là Bộ Công Thương với 6 tập đoàn, tổng công ty về Siêu ủy ban gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). 6 DN này có số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng, tức là khoảng một nửa vốn Nhà nước mà siêu Uỷ ban sẽ nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Hai cái tên đáng chú ý nữa là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Hai doanh nghiệp Nhà nước này có tổng tài sản hơn 128.000 tỷ đồng, với tổng vốn chủ sở hữu hơn 87.200 tỷ. 

Bộ Tài chính cũng chính thức bàn giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về siêu ủy ban.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2 năm nay. Cuối tháng 9, siêu Uỷ ban đã chính thức hoạt động, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về từ các bộ, ngành.

Rộ tin đồn Agribank phá sản

img

Agribank đã đứng ra khẳng định tin đồn ngân hàng bị phá sản là không có thật và Agribank vẫn hoạt động bình thường.

Tuần qua, vụ việc gây chú ý là tại một số địa phương, công nhân xin nghỉ việc đến ngân hàng rút tiền vì tin đồn Agribank phá sản. 

Ngay sau thông tin này, phía Agribank đã đứng ra khẳng định đây là tin đồn thất thiệt và sự việc có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, gây tâm lý bất an với khách hàng Agribank và xã hội.

Tin đồn bắt đầu xuất hiện sau thông tin Công ty cho thuê Tài chính II (ALC II) (công ty con của Agribank) phá sản. Tuy nhiên, lên tiếng sau đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định, ALC II là đơn vị độc lập với Agribank nên sự việc trên không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng này. Cơ quan chức năng cho biết, phòng giao dịch của Agribank vẫn hoạt động bình thường, tiền gửi của khách vẫn tăng.

Ngân hàng Nhà nước đã phải đưa ra khuyến cáo các tổ chức và cá nhân có tiền gửi tại Agribank nên thận trọng trước các tin đồn không có căn cứ để tránh những tổn thất không đáng có.

Đã có kịch bản tăng giá điện

Kịch bản giá điện bán lẻ năm 2019 đã được Bộ Công Thương xây dựng trên cơ sở đảm bảo EVN có lãi.

Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An bày tỏ, chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than, dầu tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác... mà giá điện không được điều chỉnh đã gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện hiện nay và năm 2019.

Ngoài ra, dự báo hiện tượng El Nino vào năm 2019 gây hạn hán, ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thuỷ điện. 

Để bảo đảm EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, theo ông, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019.

img

Kịch bản giá điện bán lẻ năm 2019 đã được Bộ Công Thương xây dựng trên cơ sở đảm bảo EVN có lãi.

Chính thức thông qua hiệp định lịch sử

Tuần qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. 

Với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường biểu quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Việt Nam là nước thứ 7/11 phê chuẩn hiệp định.

Hiệp định CPTPP có tiền thân là TPP được trong đội tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi quyền lực ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hiệp định trên. Sự ra đi của Mỹ buộc 11 nước còn lại phải tái đàm phán để cho ra đời hiệp định phiên bản mới mang tên CPTPP.

11 nước tham gia CPTPP có tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu.

Nóng tuần qua: Rúng động vì “scandal” của trùm phân phối điện thoại Việt

Cả phía Thế giới di động và ngành ngân hàng vẫn đang chưa hiểu nguyên nhân của sự việc thông tin khách hàng bị lộ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem