Nóng tuần qua: Tranh luận nảy lửa đất đặc khu, phí vẫn hoàn phí

Nguyên Khôi Thứ bảy, ngày 09/06/2018 18:55 PM (GMT+7)
Từ trạm thu phí, bỗng một ngày, trạm BOT đổi một loạt áo mới là “trạm thu giá”, một từ mà cho tới bây giờ, nhiều chuyên gia mướt mồ hôi tìm hiểu nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, đề xuất mới nhất lại dự định quay về điểm khởi đầu là “trạm thu phí”.
Bình luận 0

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong những câu chuyện được bàn luận nhiều nhất tuần qua. Có một cụm từ thậm chí còn tràn ngập và nóng bỏng hơn thế: đặc khu.  

"Cho thuê đất 99 năm không khác gì nhượng đất"

Chưa bao giờ thông tin về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc lại nóng như vậy. Tuần qua, ngập tràn trên mặt báo và cả mạng xã hội là cụm từ đặc khu.

Vấn đề được nói nhiều nhất là đề xuất cho thuê đất lên tới 99 năm. Nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại việc cho thuê đất quá dài có thể tạo cuộc đại di dân từ nước ngoài tới Việt Nam.

img

Nhiều người lo ngại về một cuộc di dân từ nước ngoài vào Việt Nam nếu để thời gian thuê đất quá dài.

Có đại biểu Quốc hội đã lên tiếng phản biện rằng: Không có vòng đời đầu tư nào cần đến 99 năm. Thời hạn này ngang 3-4 thế hệ con người và không khác gì nhượng đất để thu hút đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã lên tiếng bên lề kỳ họp Quốc hội. Thủ tướng khẳng định phải điều chỉnh vấn đề thời gian cho thuê đất một cách hợp lý.

Bộ trưởng bị truy tới cùng vì BOT

Phiên chất vấn hồi đầu tuần của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể có lẽ nên gọi là phiên giải trình về BOT. Đơn giản vì phần lớn câu hỏi của đại biểu Quốc hội đều xoay quanh nội dung được dư luận quan tâm nhất thời gian gần đây.

Một loạt vấn đề đã được các đại biểu nêu lên như: 17 dự án đặt thu phí sai, 3 dự án trong đó dân không đi vẫn phải trả tiền. Bộ trưởng nói gì? Người dân quan tâm đến nay các trạm BOT đã thu được bao nhiêu tiền, số tiền thu được này người dân rất muốn được thể hiện trên bảng thông tin ngay tại trạm BOT. Hay kiểm toán các dự án BOT đã phát hiện số tiền chênh lệch, thời gian thu phí rất lớn, trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải ra sao,…

Một vấn đề khác cũng liên quan tới BOT là Bộ trưởng Thể trong phiên chất vấn đã hứa nghiên cứu đổi tên “trạm thu giá” vốn gây nhiều tranh cãi. Tới ngày 8/6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nêu kiến nghị đổi tên “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” thành “trạm thu phí” như trước đây.

img

Cơ quan chức năng đã kiến nghị đổi tên “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” thành “trạm thu phí” như trước đây.

Tiết lộ bảng lương tiền tỷ tại Vietnam Airlines

Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết, từ 1/6, công ty đã chính thức tăng lương cho giáo viên và phi công. Mức lương cao nhất là với nhóm phi công lái máy bay B787 và A350, cơ trưởng sẽ được nhận mức lương từ 205 - 246 triệu đồng, còn cơ phó 124 -150 triệu một tháng. Với một số loại máy bay khác, cơ trưởng có thể được nhận 159-246 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo tính toán, mức lương của phi công tại Vietnam Airlines vẫn thấp hơn khoảng 30% so với phi công tại Vietjet Air, hãng hàng không giá rẻ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc hàng loạt giai đoạn từ năm 2015 đến nay.

Đề xuất lạ: Siêu thị phải mở cửa tới 22 giờ, bán xuyên ngày lễ

Đây là nội dung trong Dự thảo về Nghị định Phát triển và quản lý phân phối vừa được Bộ Công Thương nêu lên.

Cụ thể, dự thảo quy định yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ. Ngoài ra, mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến sau đó cho rằng đây là những đề xuất lạ lùng và can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

img

Quy định buộc siêu thị mở cửa đến 22 giờ bị xem là can thiệp quá sâu vào tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Đề xuất xem xét chấp nhận Bitcoin

Ý kiến trên đã được Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu lên trong phiên chất vấn  Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tuần này. Vị này cho rằng trong xu hướng phát triển cách mạng công nghệ, đồng tiền ảo có thể được coi là phương tiện thanh toán mới. Thay vì cấm, ông cho rằng nên nghiên cứu chính sách để tạo hành lang pháp lý quản lý tiền ảo.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời: Không thể xem thường mà phải nghiên cứu. Phó Thủ tướng cũng thông tin, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới xử lý ra sao để có đối sách phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem