NÓNG: Ukraine dùng 'chiến tranh thủy lực' chặn bước tiến của quân Nga

Phương Đăng (theo Washington Post) Thứ năm, ngày 10/03/2022 13:56 PM (GMT+7)
Hình ảnh vệ tinh cho thấy lũ lụt ở phía bắc Kiev có thể là dấu hiệu của "chiến tranh thủy lực" - một chiến thuật cổ xưa từng được con người sử dụng để ngăn chặn hoặc nhấn chìm kẻ thù trong biển nước, The Washington Post cho biết.
Bình luận 0

Theo báo Mỹ, trong những ngày đầu bị Nga tấn công, quân đội và người dân Ukraine đã ra sức tập hợp các lực lượng phòng thủ, tìm cách ngăn cản bước tiến của các lực lượng Nga.

Người Ukraine đã cho nổ tung các cây cầu, sử dụng xe buýt làm rào chắn tạm thời và làm những hàng rào gai nhọn tự chế để chống xe tăng Nga. 


Mới đây, theo một số ảnh vệ tinh mới, người Ukraine cũng có thể đã sử dụng một trong những phương pháp phòng thủ lâu đời nhất thế giới: Đó là nước.


Các bức ảnh từ Planet Labs PBC - một công ty của Mỹ và các nhà nghiên cứu khác dường như cho thấy một vùng đất ngập nước rộng lớn ở phía bắc Kiev - thủ đô Ukraine. 


Ukraine dùng 'chiến tranh thủy lực' chặn bước tiến của quân Nga - Ảnh 1.

Hình ảnh cho thấy Ukraine có thể đang sử dụng chiến lược phòng thủ được gọi là "chiến tranh thủ lực" - vũ khí hóa lũ lụt để ngăn chặn bước tiến của quân Nga. Ảnh Washingtonpost

Theo Washington Post, hiện không thể xác nhận tình trạng lũ lụt là cố ý hay tự nhiên, nhưng Planet Labs PBC cho biết, họ đã tham khảo ý kiến của các nhà phân tích và họ tin rằng đó là cố ý. Nếu vậy, đây sẽ là ví dụ mới nhất về cách phòng thủ đã có từ nhiều thế kỷ trước đang được quân đội Ukraine áp dụng để ngăn chặn bước tiến của các lực lượng Nga.


Marta Kepe, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp cho biết: “Khi bạn đang phòng thủ, bạn cố gắng sử dụng mọi thứ mình có. Trong suốt lịch sử, chúng ta có nhiều ví dụ về việc các quốc gia hoặc các lực lượng quân sự đã xây dựng các tuyến công sự lớn để chống lại kẻ thù: Những bức tường, chiến hào, pháo đài và boongke. Nhưng chúng ta thường quên mất vai trò của các con sông, đầm lầy và các tuyến phòng thủ trên mặt nước cũng có thể được sử dụng".

Ukraine dùng 'chiến tranh thủy lực' chặn bước tiến của quân Nga - Ảnh 2.

Một khu vực rộng lớn ở phía Bắc Kiev ngập trong nước. Ảnh Washingtonpost/Twitter

Bà Kepe nói thêm rằng, nếu lũ lụt ở phía Bắc Kiev là cố ý, thì "đó có thể là cách phòng thủ người Ukraine đang cố gắng áp dụng - sử dụng nước để ngăn các lực lượng Nga đến gần Kiev".


Khu vực ngập lụt nằm ở phía bắc Kiev trên bờ sông Dnepr, gầm nơi một đoàn xe dài 65km của quân đội Nga "nằm đắm chiếu" không hoạt động trong nhiều ngày. Các quan chức Mỹ cho rằng sự đình trệ này của các lực lượng Nga một phần là do những nỗ lực của Ukraine nhằm làm chậm bước tiến của họ.


Bà Kepe cho biết, việc gây ra ngập lụt có chủ ý trong một cuộc chiến - để phá hủy một khu vực hoặc tạo ra một "rào" chắn trước mũi tiến công của quân địch - được gọi là “chiến tranh thủy lực”. Phương pháp này được sử dụng để bổ sung cho chiến lược phòng thủ, nhằm chống lại quân địch mạnh hơn.

,

“Ukraine đang tiến hành một chiến dịch phòng thủ trên lãnh thổ của họ. Cân nhắc tới điều đó, tôi cho rằng họ sẽ có thể sử dụng kiến thức siêu việt về địa hình để tạo ra lợi thế cho mình. Các hoạt động thủy lực sẽ đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về địa hình", bà Kepe bình luận.


Theo Washington Post, Hà Lan được cho là đất nước từng sử dụng phương pháp "chiến tranh thủy lực" nhiều nhất. Họ đã biết vũ khí hóa các trận lũ lụt. Một tài liệu nghiên cứu năm 2015 về các trận lũ lụt ở Hà Lan từ những năm 1500 đến 2000 cho thấy, khoảng một phần ba số trận lũ lụt ở phía tây nam đất nước là do con người cố ý gây ra trong thời chiến. 


Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, chiến thuật này lại thường không hiệu quả và gây ra những hậu quả sâu rộng đối với đất đai và người dân địa phương.

Ukraine dùng 'chiến tranh thủy lực' chặn bước tiến của quân Nga - Ảnh 3.

"Chiến tranh thủy lực" được cho là chỉ nên sử dụng như một phương sách cuối cùng để phòng thủ. Ảnh Washingtonpost/Twitters.


Nước cũng đã được sử dụng ở những nơi khác ở Châu Âu như một tuyến phòng thủ tự nhiên trong Thế chiến thứ hai, bao gồm cả ở Phần Lan và Liên Xô. 


Ví dụ nổi tiếng nhất về việc vũ khí hóa lũ lụt xảy ra vào năm 1938, khi quân đội Trung Quốc phá vỡ đê sông Hoàng Hà để làm chậm bước tiến của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai. Trận lụt đã tàn phá khu vực này nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.


Bà Kepe nói rằng, chiến thuật "chiến tranh thủy lực" có thể được “tích hợp vào kế hoạch phòng thủ quốc gia nhưng nó chỉ nên được sử dụng như một phương sách cuối cùng khi bạn phải cố gắng sử dụng bất kỳ phương tiện nào bạn có để phòng thủ”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem