Nộp bao nhiêu tiền khắc phục sẽ được giảm nhẹ hình phạt, giảm án?

Quang Trung Thứ ba, ngày 14/02/2023 18:04 PM (GMT+7)
Bạn đọc đặt câu hỏi, trong vụ án hình sự, nộp bao nhiêu tiền khắc phục hậu quả sẽ được giảm nhẹ hình phạt, giảm án?
Bình luận 0

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Giảm nhẹ hình phạt, giảm án là một trong những chính sách thể hiện sư sự khoan hồng của pháp luật, của Nhà nước đối với người phạm tội. Tuy nhiên, để được giảm án, người phạm tội phải đủ những điều kiện nhất định.

Nộp bao nhiêu tiền khắc phục sẽ được giảm nhẹ hình phạt, giảm án? - Ảnh 1.

Luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Về giảm nhẹ hình phạt, theo luật sư Khuyên, sau khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi bị đưa ra xét xử tại tòa, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi của mình và có ý thức khắc phục hậu quả, việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nhưng trường hợp này, người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ.

Còn nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc người phạm tội phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả sẽ không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng.

Đặc biệt, việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào, cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.

Theo vị luật sư, hiện tại, pháp luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu, người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả phải tương xứng với thiệt hại gây ra cho bị hại.

Nếu vụ án có đồng phạm sẽ được phân hóa trách nhiệm hình sự, từ đó mức bồi thường, khắc phục hậu quả cũng tương xứng với vai trò trong vụ án, thì người thực hiện hành vi mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Về điều kiện để giảm án, nữ luật sư cho biết, duy nhất tại điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về loại hình phạt "tử hình", quy định rất rõ điều kiện mà người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ không bị thi hành hình phạt tử hình là phải chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Ngoài ra, việc giảm án được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1, Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015, quy định đối với những phạm nhân đã được tuyên án nhưng vì một số lý do mà được giảm mức hình phạt đã tuyên; người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Từ phân tích, luật sư Khuyên nhấn mạnh, để có thể được giảm án, giảm thời gian chấp hành án phạt tù, người chấp hành hình phạt phải thuộc các trường hợp như đã nêu ở trên.

Có nghĩa là, để được giảm nhẹ hình phạt hoặc giảm án phải cần nhiều yếu tố, điều kiện chứ không chỉ có mỗi việc nộp tiền bồi thường, khắc phục hậu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem