"Hơn 45 năm em làm vợ anh, nghĩ lại anh đã lầm lỗi với em quá nhiều. Em vẫn cam chịu, chấp nhận tha thứ. Vào thời gian anh khốn đốn nhất, em vẫn kề cận sát cánh với anh để cùng đi qua và đến hôm nay vợ chồng mình đã ổn định lại cuộc sống dù là không còn khá giả như trước kia. Cảm ơn em - người bạn đời chung thuỷ".
NS Nguyễn Chánh Tín và người bạn đời chung thủy - ca sĩ Bích Trâm.
Dù sao đó cũng là niềm an ủi đối với người bạn đời của ông, người song hành nhiều năm tháng qua cùng nam nghệ sĩ vốn được rất nhiều phụ nữ mến mộ, yêu quý và cũng là người chăm lo cho sức khỏe của ông chu đáo đến tận cuối đời.
Theo lời nhạc sĩ Kim Tuấn, tác giả “Biển cạn”, “Đã có một thời, anh là người đàn ông được không biết bao nhiêu cô gái đem lòng say mê, ngưỡng mộ, là người đàn ông khiến không biết bao người phụ nữ từng phải rơi nước mắt. Những năm 1980, khi bộ phim Ván bài lật ngửa được công chiếu trên màn ảnh rộng khắp nước, Nguyễn Chánh Tín – với vai diễn Nguyễn Thành Luân trong bộ phim đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt.
Vai diễn đó đã đưa Nguyễn Chánh Tín – từ một ca sĩ nổi tiếng khi đó vụt sáng trong vai trò diễn viên và chỉ một bước đã trở thành ngôi sao thực thụ của điện ảnh Việt, trở thành diễn viên được khán giả màn ảnh rộng cả nước yêu mến và ngưỡng mộ. Ván bài lật ngửa đến bây giờ vẫn là một bộ phim để đời trong sự nghiệp của Nguyễn Chánh Tín, cũng như một trong những bộ phim tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam một thời, đặc biệt là dòng phim tình báo chiến tranh.”
Gắn bó với nhau suốt 46 năm, có thể nói, cặp vợ chồng Chánh Tín - Bích Trâm đã cùng nhau chia bùi sẻ ngọt trong cuộc sống. Cho dù ông là người đàn ông trong mơ của nhiều người phụ nữ, bà vẫn biết cách "lạt mềm buộc chặt". Bích Trâm là tiểu thư của một gia đình tri thức, có hai bằng tú tài của Pháp.
Sau khi yêu Chánh Tín, bà đi hát cùng ông ở các tụ điểm ca nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Từng có cuộc sống sung túc nhưng sau năm 1975, kinh tế gia đình có lúc khó khăn vì ông thất nghiệp. Từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, năm 1977, khi đang bầu con đầu lòng, bà vẫn cùng chồng bán rau muống ở chợ Bình Tây để kiếm sống. Cả hai còn tham gia diễn trong đoàn hát của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng với mức thù lao chỉ đủ để ăn hai tô phở mỗi ngày. Đó là thời kỳ khủng hoảng với hai vợ chồng, nhưng họ vẫn vượt qua để chung sống hạnh phúc.
Về sau này, khi Chánh Tín bị phá sản, vỡ nợ, chính bà mau chóng đưa gia đình vượt qua cơn bĩ cực, ổn định cuộc sống và sẵn sàng đi hát cùng chồng trở lại để có thêm thu nhập cho gia đình. Có thể nói, bà là người vợ mẫu mực, chung thủy và giàu lòng khoan dung, đúng như những lời mà NS Nguyễn Chánh Tín đã hết lòng dành cho bà.
Ca sĩ Cẩm Vân cũng chia sẻ trên trang cá nhân của NS Nguyễn Chánh Tín: “Rất quý mến anh không chỉ vì những vai diễn quá xuất sắc đã làm điên đảo bao trái tim người hâm mộ, là niềm tự hào cho điện ảnh Việt Nam nói chung và dân Sài Gòn nói riêng. Riêng tôi, còn thương luôn tánh bộc bạch của anh. Người anh quý mến của Khắc Triệu, Cẩm Vân. Mọi thứ đã khép lại rồi! Cầu xin anh yên nghỉ. Hãy thanh thản ra đi”…
NS Nguyễn Chánh Tín được nhiều bạn bè quý mến.
Riêng nhà thơ, nhà biên kịch Bùi Chí Vinh nhắc lại kỷ niệm lần đầu gặp NS Nguyễn Chánh Tín. “Chúng tôi làm quen nhau ở nhà họa sĩ, kiêm diễn viên Lê Chánh trên đường Vườn Chuối đầu thập niên 80. Thuở ấy, tất cả đều nghèo, trên mâm rượu chỉ có “xị sô” Gò Đen, Cây Lý và me xoài cóc ổi. Thuở ấy, Nguyễn Chánh Tín đã là một ca sĩ phòng trà thành danh và là diễn viên điện ảnh có khuôn mặt “mỹ nam tử” hút hồn phụ nữ, còn tôi là một thi sĩ giang hồ bụi bặm. Thuở ấy, chỉ cần “ngửi” nhau qua một bài nhạc có đẳng cấp hay qua một bài thơ khẩu khí độc đáo là mọi người đã thương nhau như ruột thịt. Thuở ấy đẹp đến nỗi mãi hơn 20 năm sau này tôi mới tái ngộ Nguyễn Chánh Tín mà hai người vẫn nhớ như in những bài thơ đã đọc, những bài nhạc đã hát ngày xưa lúc anh Lê Chánh còn sống. Chính kỷ niệm gắn bó hơn 20 năm trước đã kết dính tôi và Nguyễn Chánh Tín thành “cặp bài trùng” hiện nay trong điện ảnh.
Thời gian qua chúng tôi hợp tác làm việc cùng nhau. Tôi đảm nhận việc viết kịch bản phim còn Nguyễn Chánh Tín làm đạo diễn. Chúng tôi chủ trương khôi phục dòng phim kinh dị đã mất tích từ sau giải phóng bằng hàng loạt phim nhựa ngắn 45 phút chiếu các rạp lớn trên toàn quốc và phát hành đĩa DVD tại Bắc Mỹ và Châu Au. Chúng tôi đã thực hiện liên tiếp 4 phim mang tựa Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn, Chết lúc nửa đêm, Bốn thí nghiệm trong đêm tân hôn. Đáng tiếc là công việc của tôi với Tín đến đó tạm ngưng vì nhiều lý do khác nhau.
Không chỉ làm phim, Nguyễn Chánh Tín còn kinh doanh trên địa hạt bất động sản và ở “môn phái” này anh thất bại hoàn toàn. Anh phải cầm cố nhà cho một ngân hàng và tháng 11/2014 kể như mất luôn quyền sở hữu chủ căn nhà ở đường Ba Vì, cư xá Bắc Hải. Tôi và anh thỉnh thoảng hú nhau cụng ly rồi ngậm ngùi nhớ lại một thời vàng son ngang dọc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.