NS Tiến Hợi: "Luôn tìm tòi để ra được thần thái Bác trong vai diễn"

Hà Thúy Phương Thứ hai, ngày 02/09/2019 15:00 PM (GMT+7)
Cho đến giờ, NSƯT Tiến Hợi vẫn là người thể hiện vai Bác Hồ trên màn ảnh thành công nhất, với rất nhiều sáng tạo trên một hình tượng đã in đậm dấu ấn trong lòng mọi người.
Bình luận 0

img

NSƯT Tiến Hợi chia sẻ với Dân Việt về những vai diễn Bác Hồ trong 2 phim điện ảnh, 5 vở kịch, tham gia khoảng 40 tác phẩm ở thể loại sân khấu truyền hình. Hai phim nhựa là "Hẹn gặp lại Sài Gòn" của đạo diễn Long Vân, đã được chiếu ở một số nước ngoài  như Ấn Độ, Thái Lan… cho cộng đồng người Việt và gây được xúc động mạnh; phim "Hà Nội mùa đông 1946" của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng được khán giả biết đến nhiều và tham dự LHP tại Nhật Bản.

Đã từng vào vai Bác Hồ ở những thời kỳ rất xa nhau trong 2 bộ phim điện ảnh "Hẹn gặp lại Sài Gòn" và "Hà Nội mùa đông năm 1946", anh đã có những cảm xúc như thế nào?

Hai phim này tôi có những tình cảm, cảm xúc rất riêng. Phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn", tôi đóng Bác ở giai đoạn đi tìm đường cứu nước, Bác còn là học sinh 21 tuổi, một giai đoạn rất xa xưa, bởi vậy quá trình tìm hiểu nhân vật rất khó khăn. "Hà Nội mùa đông 1946" thì lại ở thời kỳ Bác viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, giai đoạn đang nóng bỏng. Cả hai phim tôi lồng tiếng cho nhân vật của mình

img

NSƯT Tiến Hợi trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn"

Quá trình tìm kiếm tư liệu của anh đã diễn ra như thế nào với hai tác phẩm điện ảnh này?

Tôi nghiên cứu rất nhiều, tôi vào Bảo tàng Hồ Chí Minh xem tư liệu. Tư liệu về Bác không có nhiều nên tôi phải dựa vào các cụ nhiều. Tôi nghe từ bác Sơn Tùng, từ các cụ kể lại xem cách Bác đi đứng, sinh hoạt ra sao, phong tục tập quán con người hồi đó như thế nào... để áp dụng trên cơ sở đó, biến những chất liệu để tạo ra con người thời kỳ đó. Ảnh cũng không có nhiều, tôi xem một số ảnh ở Bảo tàng Huế khi Bác sang Paris để sáng tạo cách diễn và xem ảnh sinh viên thời đó để biến nó vào phong cách của Bác.

Cơ bản nhất là phong thái, thanh niên phải nhanh, linh hoạt và cách nhìn nhận tác phong đầy sự suy nghĩ, căm hận, lo toan, đối với dân mình. Để diễn ra phong cách Bác thì có nét đặc trưng là Bác bình dị, phong cách khoan thai nhưng đi rất nhanh, phong thái rất khẩn trương nhưng không vội vàng hấp tấp. Thần thái Bác bộc lộ qua ánh mắt, tư duy, suy nghĩ thể hiện qua ánh mắt có chiều sâu cuồn cuộn bên trong, tôi đã tìm tòi nghiên cứu cách Bác đi, nói chuyện để ra thần thái bên trong của vai diễn.

img

NSƯT Tiến Hợi trong "Hà Nội mùa đông năm 1946"

Còn phim "Hà Nội mùa đông 1946", tôi lại phải diễn trong khi Bác đã 56 tuổi. Dựa trên cơ sở kịch bản, tôi sáng tạo tìm tòi để cho vai diễn có hồn, toát được nét riêng biệt của Bác. Tôi đã phân tích, suy nghĩ nhiều và tìm ra những điểm nổi bật trong phong cách và tố chất con người của Bác: có sự lịch lãm, thân mật, dí dỏm hài hước, trong bối cảnh cần thiết thì Bác thể hiện sự kiên quyết, tính toán cân nhắc để làm sao ra quyết định đúng đắn nhất, Bác còn có phong thái lịch lãm và tiết kiệm.

Những điều đó được anh sáng tạo như thế nào trên màn ảnh?

Trong những hoàn cảnh cụ thể, tôi có thể sáng tạo để làm đậm nét những tố chất này của con người Bác. Trong cảnh chờ thông tin báo về từ Pháp trong "Hà Nội mùa đông 1946", Bác hướng về cửa sổ, bên trong có sự trăn trở nội tâm, tay Bác đút túi quần, đi lại trong phòng nhưng phong thái rất lịch lãm. Còn trong cảnh khác, dù trong khi tình thế đang nước sôi lửa bỏng nhưng Bác vẫn nhẹ nhàng, vui vẻ. Khi anh họa sỹ vẽ Bác, thì Bác nói: Chú ra ngoài kia vẽ các chiến sỹ ngoài mặt trận, khi nào Bác sẽ dành thời gian cho chú vẽ sau, chú thì chỉ vẽ phụ nữ là giỏi thôi. Hai bác cháu cười vui vẻ. Một cảnh khác trong phòng Bác hỏi xin thuốc lá một chiến sĩ: Chú có thuốc không cho Bác xin một điếu? Đấy là những cái nhẹ nhàng nhưng tạo sự ấm cúng, gần gũi, vui vẻ trong đời thường.

img

Trong cảnh Bác đang ngồi rà soát lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ban đêm, xa xa là tiếng dệt cửi phát ra trong đêm vắng lặng, Bác lấy ra điếu thuốc đưa lên định châm que diêm nhưng Bác ngước lên thấy ngọn đèn dầu nên lại cất que diêm đi và đi đến đèn dầu châm thuốc. Đó là chi tiết không có trong kịch bản mà tôi tự sáng tạo thêm ra, trong kịch bản chỉ nói “Bác châm thuốc hút”. Tôi trao đổi với đạo diễn thì đạo diễn bảo quá tuyệt vời. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là biết đâu, chính ngọn lửa trong que diêm mà Bác để dành lại đốt cháy ngọn lửa kháng chiến sau này.

Vai diễn của tôi ở hai phim có sự khác biệt. "Hẹn gặp lại Sài Gòn" thể hiện chất thanh niên vẫn còn trong sáng, ngây thơ, chỉ gợi lên chí khí căm hận, chí hướng mong muốn tìm đường cứu nước, tuyên truyền để giáo dục cho lớp trẻ. "Hà Nội mùa đông 1946" thì Bác đã trải qua giai đoạn gian nan vất vả ở chiến khu để xây dựng cách mạng, Đảng và Nhà nước, nhưng thực dân Pháp quay trở lại để hòng tiêu diệt nhà nước non trẻ của ta thì ở Bác phải toát lên sự đĩnh đạc, tính quyết đoán, phong cách cũng khác hoàn toàn.

img

NSƯT Tiến Hợi trên sân khấu kịch

Từng đóng Bác Hồ trong phim và cả kịch rất nhiều, anh làm thế nào để tạo được sự khác biệt giữa các vai diễn?

Ngoài điện ảnh, trong phim truyền hình và sân khấu kịch và các sự kiện lớn của các tỉnh, thành phố, tôi cũng từng đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời trẻ đến già, qua các giai đoạn lịch sử. Tôi thường nghiên cứu kịch bản xem đó là giai đoạn nào để đưa vào các chi tiết khác biệt nhau. Còn phong cách của Bác là một cái cốt như cách đi đứng nói chuyện, hút thuốc, ngồi làm việc, chỉ đạo… ngoài ra tôi sáng tạo thêm các chi tiết khác, có thể không phải ở ngoài đời Bác như thế nhưng người xem chấp nhận được. Dù rằng ít hay nhiều nhưng từng trường đoạn, phân đoạn tôi phải thêm vào chi tiết mới. Đó là cách tìm tòi sáng tạo của tôi. Quá trình đóng vai Bác đầu tiên từ 1987 trong vở kịch "Đêm trắng", 1986-1987 "Hẹn gặp lại Sài Gòn", 1989 là "Hà Nội mùa đông 1946" và sau đó rất nhiều vai diễn, mỗi lần tôi lại đúc kết thêm nhiều học hỏi kinh nghiệm mới để thể hiện tính dung dị, đạo đức, tư cách con người Bác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem