Nhắc đến anh, người ta thường gắn với biệt danh “nghệ sĩ 3 trong 1”, vừa làm thầy giáo, vừa làm quản lý và vừa là nghệ sĩ. Vậy thời điểm anh đón nhận tin mình nghỉ hưu, cảm giác của anh thế nào?
- Thực ra, tôi gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội 40 năm. Từ khi tôi còn trẻ cho đến khi tôi về hưu chỉ duy nhất một chỗ đó. Vì thế, tôi xem Nhà hát Kịch Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình. Xa “ngôi nhà” của mình thì chẳng ai vui được hết.
NSND Hoàng Dũng vẫn không tránh được cảm giác xao xuyến và hụt hẫng khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ảnh: HD.
Vấn đề, tôi nói ở đây không phải chức vụ, quyền hành hay bổng lộc mà là chuyện tình cảm. Mặc dù, sau khi nghỉ hưu tôi vẫn hợp đồng với Nhà hát. Nếu Nhà hát cần training các bạn trẻ, cần tham gia một vở kịch nào đó… tôi vẫn sẵn lòng. Nhưng nói gì thì những công việc đó vẫn được làm trên danh nghĩa là hợp đồng. Chính điều đó khiến bản thân mình không tránh khỏi được cảm giác xao xuyến, hụt hẫng và có phần luyến tiếc.
Tuy nhiên, nghỉ hưu nhưng công việc của tôi không giảm đi. Tôi vẫn đi đóng phim, vẫn giảng dạy và thực hiện các dự án khác… Có chăng là bớt đi được phần ký kết, ra quyết định và làm các loại giấy tờ. Cảm thấy có phần nào đó thảnh thơi, đỡ áp lực hơn.
Với lại, thực tế là trước đây tôi đã chứng kiến một số anh chị về hưu nên cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn cho mình. Tôi thấy đấy là quy luật bình thường nên phải chấp nhận nó một cách thoải mái.
Nhiều đồng nghiệp bảo, kể cả thời anh đi làm hay bây giờ đã nghỉ hưu thì anh cũng dành rất ít thời gian cho gia đình. Đã bao giờ anh cảm thấy có lỗi với những người thân trong gia đình?
- Đúng là nhà tôi chỉ có buổi tối mới tụ tập với nhau được thôi, ban ngày các con đi học, vợ tôi có cửa hàng sửa chữa xe máy ở Phủ Doãn nên ở đấy cả ngày. Hôm nào, tôi về muộn thì ăn bữa cơm muộn hơn một chút. Và vì thời gian đi làm, gia đình bên cạnh nhau ít hơn nên khi về hưu tôi bù đắp cho gia đình nhiều hơn. Tuy nhiên, dù ít thời gian bên nhau nhưng tình cảm vẫn thế, trách nhiệm với gia đình vẫn thế. Ngày xưa, có thời điểm tôi đi làm phim vài ba tháng trong rừng, khi về mọi chuyện vẫn bình thường. Mọi người thích ứng được với điều đó kể từ khi hình thành gia đình cơ.
Anh có nghĩ, việc xa nhau dễ dẫn đến tình cảm phai nhạt nhưng cũng bớt đi được những va chạm không đáng có trong gia đình?
- Chẳng phải đâu. Lắm hôm vợ chồng tôi nói chuyện đến 2 - 3h sáng mới đi ngủ. Cứ ngồi nói hết chuyện nọ, chuyện kia… Thỉnh thoảng tôi về muộn hoặc ngủ muộn, vợ lại bật dậy nói chuyện rôm rả cả đêm.
Với lại cửa hàng của vợ mình cũng gần cơ quan nên mỗi khi rảnh rỗi mình lại qua cửa hàng cô ấy. Cái cảm giác xa cách không rõ rệt lắm. Tôi nghĩ, khi còn trẻ yêu nhau, suốt ngày kè kè còn lắm chuyện hơn chứ đừng nói vợ chồng sống với nhau nhiều năm rồi. Mình không quan niệm tình cảm là phải sát sàn sạt.
Nhưng anh có thừa nhận rằng, bản thân sống với học trò thân cận hơn những người thân trong gia đình?
Cảnh NSND Hoàng Dũng bị bắt ở cuối phim Người phán xử. Ảnh: VFC.
- Tất nhiên là cũng có phần đúng vì dạy các bạn ấy xong cùng đi quay phim, cùng đi diễn với các bạn ấy nên tình cảm gắn bó hơn. Phần lớn học trò của tôi trong các trường về sau đều làm nhân viên của tôi. Cho nên nhiều khi có sự gắn bó đấy chứ chẳng hẳn là gặp học trò nhiều hơn gia đình đâu. Các bạn ấy cũng đã có gia đình, con cái lớn hết cả rồi; còn các bạn trẻ thì không gần được vì lứa tuổi cách xa nhau quá.
Một người sống chết nghề như anh tại sao lại không định hướng cho các con theo nghề của bố?
- Ngày xưa, thằng lớn nhà tôi đóng Thư giãn rất nhiều. Cu cậu được bác Khải Hưng rất yêu quý. Từ bé, cu cậu đã đóng rất nhiều phim mà toàn những vai chính. Ví dụ như: “Bà và cháu”, “Chú dế nhỏ tội nghiệp”… Hai bố con cũng đóng với nhau được mấy phim như: “Hồi sinh”, “Quà năm mới”… Lên cấp 3, cu cậu lại không thích đóng phim nữa. Nhưng từ năm lớp 11, cu cậu vẫn là diễn viên minh họa cho các bài giảng của tất cả các cô giáo dạy Văn trong trường.
Có nhiều lần người ta mời nhưng cu cậu không thích đóng phim nữa nên đành phải thôi. Tuy nhiên, càng lớn lên, cu cậu lại càng thấu hiểu hơn. Năm nay cu cậu lại đang chuẩn bị thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, khoa Diễn viên.
Người ta thường bảo “cha già nuôi con mọn” là rất vất vả nhưng có vẻ như anh lại ngược lại với điều đó?
- Bọn trẻ bây giờ tự lập lắm. Quan trọng là tất cả mọi chuyện đều phải có sự định hướng và sự kiểm soát. Trong gia đình, tôi cũng dành không ít thời gian cho con cái đâu, đôi khi còn bị mang tiếng là chiều con quá. Nhiều khi cũng một phần là vì mình ít thời gian dành cho con nên khi con có những đòi hỏi nho nhỏ thì đáp ứng cho con, coi như một sự bù đắp.
Trong phim “Người phán xử”, vai của anh phải thực hiện nhiều cảnh hành động với súng, dao, kiếm… Anh cảm thấy thế nào khi đóng phim với những loại vũ khí này?
- À, những loại vũ khí tôi dùng trong phim nhìn thì giống đồ thật nhưng lại không phải là vũ khí chuyên dụng của bên an ninh, quân sự… Chẳng hạn, súng thì cũng bắn bằng đạn nhựa như súng trẻ con. Thú thật là tôi cũng đã đóng nhiều phim rồi nhưng đây là đoàn làm phim có đội ngũ làm hiệu ứng khói lửa tương đối cẩn thận.
Thậm chí, trong phim có cảnh tôi gài hai quả nổ, hai băng đạn ở trong người, xong khi bị bắn thì quả nổ nổ ra, thủng áo, chảy máu… nhưng cũng không vấn đề gì. Mọi thứ đều được sắp xếp tương đối an toàn cho diễn viên. Các diễn viên được chăm sóc rất cẩn cẩn thận.
Thời điểm anh bị chảy máu dạ dày khi đang đóng phim, anh có lo lắng nhiều không?
- Thực ra tôi không biết mình bị chảy máu dạ dày. Tôi còn nhớ, đợt đó trùng vào dịp 20/11 nên lớp của Hồng Đăng có tổ chức để chúc mừng tôi. Hôm đến đó xong thấy trong người mệt mệt. Hôm sau đến bệnh viện khám thì bác sỹ bảo mình bị thiếu máu. Truyền 3 bịch máu xong tưởng sẽ lành nhưng bác sỹ vẫn bắt phải truyền tiếp. Truyền thêm 3 bịch nữa thì mới máu trong cơ thể mới lên được “một chấm tám” mà người khỏe thì phải “mười hai chấm”.
Bác sỹ bảo: “Anh không cảm thấy mệt mỏi gì à?”, tôi bảo: “Nếu mệt thì tôi đã đi khám”. Nhưng đúng là khi quay “Người phán xử”, có cái cảnh quay cuối cùng đúng là mệt thật. Hôm đó, dù đang mệt nhưng tôi vẫn phải cố đi quay cho xong. Cảnh kết là sau khi xô xát với con trai Hồng Đăng do sự hiểu lầm thì bị công an ập đến bắt. Họ mang những xe chuyên dùng để chở tù nhân, trông bên ngoài rất bình thường nhưng phải mở mấy lớp cửa mới vào được.
Những loại xe đó không lúc nào họ cũng sẵn sàng cho mình mượn bởi đó không phải là đồ chơi. Hoặc trên xe quân trang quân dụng súng thật, áo giáp thật, dò mìn thật… đó là những thứ cực kỳ khó khăn để nhờ họ giúp. Tôi hiểu được khó khăn đó nên phải cố gắng để quay cho xong cảnh cuối. Mọi người bảo tôi liều nhưng tôi cũng phải vì việc chung nữa chứ.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.