NSND Nguyễn Hữu Phần: Đạo diễn phim đề tài nông thôn tài năng và nhân hậu

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 23/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
NSND Nguyễn Hữu Phần - đạo diễn phim "Ma làng" qua đời sáng 22/5 vì bệnh ung thư, hưởng thọ 77 tuổi. NSƯT Phi Tiến Sơn, NSƯT Kim Oanh đã chia sẻ với Dân Việt những kỷ niệm về vị đạo diễn nhân hậu và tài năng này.
Bình luận 0

Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn: "Chúng tôi cùng làm với nhau bộ phim đầu tay của cả hai"

Tôi và anh Nguyễn Hữu Phần rất gắn bó với nhau cả trong công việc và cuộc sống. Chúng tôi đã có thời gian cùng nhau làm phim cho Văn nghệ chủ nhật. Thời đó làm phim rất gấp vì năng lực sản xuất truyền hình chưa cao. Một trong những phim như thế là Mảnh đời của Huệ. Thậm chí, chúng tôi chỉ trao đổi với anh Khải Hưng (phụ trách Văn nghệ chủ nhật – PV) về ý tưởng kịch bản. Sau đó, chúng tôi xây dựng kết cấu của phim, dàn diễn viên và lên đường đi quay ngay. 

Chúng tôi lên đường đi Quảng Ninh, chưa có kịch bản đã đi làm phim rồi. Chúng tôi vừa quay vừa viết kịch bản. Hôm tôi ở hiện trường thì anh Phần viết. Hôm sau anh Phần ra hiện trường quay đoạn anh viết thì tôi lại ở nhà viết tiếp. Cuối cùng cũng ra được phim. Điều đó cũng cho thấy sự gắn bó, tâm đầu ý hợp giữa chúng tôi.

NSND Nguyễn Hữu Phần: Đạo diễn phim đề tài nông thôn tài năng và nhân hậu- Ảnh 1.

Em còn nhớ hay em đã quên do đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện. Ảnh: Lao động

Bộ phim nhiều kỷ niệm là nhất là Em còn nhớ hay em đã quên. Phim đó chúng tôi cùng nhau lên một xe 16 chỗ trong đó có tất cả đoàn làm phim, cả Lê Công Tuấn Anh, Trương Ngọc Ánh. Kịch ảnh do anh Phần vừa đi vừa viết, vừa bàn, trao đổi, tính toán chỉnh sửa. Đó là lần đầu tiên chúng tôi làm phim ca nhạc. Phim loại này có đặc trưng riêng nên cũng có rất nhiều thứ thuộc về không gian, bối cảnh cụ thể không thể tính trước được. Cuối cùng, xe của chúng tôi đi dọc từ Bắc vào Nam: Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội. Đó là một chặng đường vài tháng trời và chúng tôi là một đoàn du ca cùng nhiều kỷ niệm gắn bó với nhau.

Những năm sau này anh Phần thành công ở mảng phim truyền hình về nông thôn. Thực ra, chúng ta ai cũng có chất nông dân ở bên trong, dù không phải ta được ông bà, bố mẹ sinh ra từ làng quê. Anh Phần cũng gắn bó với vùng quê của anh ở Hưng Yên. Thậm chí, anh từng giới thiệu cho tôi món ăn vùng quê một cách rất hào hứng. Chúng tôi còn cùng nhau làm một bộ phim cho tỉnh Hưng Yên. 

NSND Nguyễn Hữu Phần: Đạo diễn phim đề tài nông thôn tài năng và nhân hậu- Ảnh 2.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ảnh: TL

Đặc biệt, anh là giáo viên dạy văn. Trong đào tạo văn học Việt Nam cũng có rất nhiều tác phẩm về nông thôn. Bên cạnh đó, anh cũng thân thiết với một người bạn rất thích thú với đề tài nông thôn - biên kịch Phạm Ngọc Tiến. Hai anh cùng đi với nhau thành một cặp rất hay. Đó là những yếu tố khiến anh Phần đi sâu vào đề tài này.

Nguyễn Hữu Phần cũng rất gắn kết với diễn viên. Anh thường trao đổi, bàn bạc với diễn viên rất kỹ khi làm việc. Ta thấy là nhiều diễn viên sau đóng phim của anh Phần xong thì họ thay đổi, thành công hơn.

Tôi quay cũng cho anh Phần bộ phim đầu tiên. Ngày đó, thập kỷ 80-90 để thành đạo diễn chính là điều cực khó. Rất nhiều đạo diễn học trong trường ra phải làm trợ lý, phó rồi mới có thể trở thành đạo diễn được. Anh Phần cũng làm phó cho rất nhiều đạo diễn. Lúc đó, tôi mới học quay phim về, 2 anh em cũng gần nhà nhau nên hay cà phê, chuyện trò. 

Có một ngày anh Phần bảo: "Thôi chờ mãi phim ở Hãng không có. Bây giờ có một phim video thì ông đi quay cho tôi". Lúc đó, tôi rất vui vì cũng mới chỉ là phó quay phim nên hai anh em đều rất phấn khởi và bắt tay vào bộ phim Ông không phải là bố tôi. Đó là bộ phim rất nhiều kỷ niệm, cũng là lần đầu chúng tôi hợp tác. Hồi đó phim video còn được chiếu rạp gọi là phim "mì ăn liền". Phương tiện là phim video nhưng cách làm như phim nhựa.

Khi làm việc nhiều với nhau, chắc chắn có sự ảnh hưởng của nhau. Anh Phần tư duy rất tốt, nhanh, tổng hợp được câu chuyện, thông điệp, những yếu tố sâu sắc của một đề tài trong bộ phim. Đó là điểm mạnh của anh. Tôi xuất thân từ quay phim, mạnh về tạo hình, chi tiết. Làm việc với anh Phần tôi học hỏi được cách nhìn vấn đề một cách tổng thể, sâu rộng hơn.

Những năm gần đây, hai anh em chúng tôi làm hai mảng khác nhau. Anh Phần làm mảng truyền hình, tôi gắn bó với phim điện ảnh. Tôi cũng ở trong Nam nhiều hơn ngoài Bắc nên thỉnh thoảng mới được gặp anh.

NSND Nguyễn Hữu Phần: Đạo diễn phim đề tài nông thôn tài năng và nhân hậu- Ảnh 3.

NSƯT Kim Oanh vai cô Ló trong phim Ma làng. Ảnh: VTV

NSƯT Kim Oanh: "Bố Phần là người rất nhân hậu"

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là người khiến cho tôi có thể thỏa sức sáng tạo với bộ phim Ma làng. Từ một vai diễn quần chúng, nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã để tôi làm nên một vai Ló mà khi đóng xong ai cũng nói Ló là nhân vật chính của Ma làng. Đó là một vai tôi rất yêu thích. Tôi hiểu sự thành công của vai diễn đó trong lòng khán giả. "Bố Phần" rất hiền, chưa bao giờ thấy "bố" cáu. "Bố" luôn là kiểu biến chuyện to thành nhỏ, nhỏ thành không có gì. "Bố" luôn nói về những khó khăn một cách hài hước, để mọi người có thể hân hoan, vui vẻ lạc quan vượt qua được những khó khăn khi làm phim.

NSND Nguyễn Hữu Phần: Đạo diễn phim đề tài nông thôn tài năng và nhân hậu- Ảnh 4.

Thông tin tang lễ đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần. Nguồn: Nguyễn Hữu Trọng

"Bố Phần" đã có những bộ phim về nông thôn thành công, cũng như truyền tải được cảm hứng đó cho diễn viên. Trước tiên vì "bố" là một giáo viên dạy văn, nền tảng văn hóa của "bố" rất tốt. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, không phải ở nông thôn, nhưng tôi được học hành bài bản, nền tảng văn hóa cũng tốt, nên khi đọc kịch bản thì sự tưởng tượng của đạo diễn và diễn viên đồng điệu với nhau. Khi làm việc với "bố", tôi có sự đồng cảm để sáng tạo được. "Bố" là một người đạo diễn để cho tôi mặc 1 bộ quần áo diễn từ tập đầu đến tập 19. "Bố" đồng ý cho tôi làm điều đó vì Ló là nhân vật nghèo và vai của tôi ngắn nên "bố" muốn tôi gây được ấn tượng cho khán giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem