NSND Thanh Ngoan: Cần lan toả và có nhiều chiếu xẩm để công chúng, thế giới biết đến

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 06/12/2019 15:47 PM (GMT+7)
Theo NSND Thanh Ngoan, các nghệ sĩ truyền thống đã không ngừng nỗ lực phục dựng xẩm để lan toả và có nhiều chiếu xẩm để công chúng, thế giới biết đến như ngày hôm nay.
Bình luận 0

Vừa qua, lần đầu tiên một liên hoan hát xẩm đã được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của 150 nghệ sỹ, nghệ nhân đến từ 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa...

img

Liên hoan hát Xẩm đã vinh danh và trao giải cho 45 nghệ sĩ, nghệ nhân xẩm, trong đó giải nhất được trao cho các nghệ nhân, nghệ sỹ: Đào Bạch Linh (Hải Phòng) với tiết mục "Theo Đảng trọn đời"; Nguyễn Văn Tiến (Quảng Ninh) - tiết mục "Dạt nước cánh bèo"; Bùi Công Sơn (Ninh Bình) - tiết mục "Thập ân"; Hoàng Hữu Hùng (Hà Nội)…

Có thể nói đây liên hoan hát xẩm lớn nhất từ trước đến nay của loại hình nghệ thuật dân gian này. Liên hoan không chỉ giới thiệu các tác phẩm được nhiều người yêu thích mà còn giới thiệu các bài mới, đặc biệt hơn, liên hoan còn tri ân tới những nghệ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật truyền thống, động viên họ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển hát xẩm. Đây cũng là điều rất nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật truyền thống trăn trở và mong muốn.

Chia sẻ về sự kiện này, NSND Thanh Ngoan cho biết: “40 năm làm nghệ thuật truyền thống nên tôi tin tưởng dù đất nước mình nghèo nhưng dòng chảy văn hoá vẫn lấp lánh và đẹp đẽ. Vì tin nên tôi luôn đau đáu với nghệ thuật dân gian. Tôi luôn cho rằng, văn hoá sẽ sống cùng với dân tộc, gọi tên bản sắc dân tộc và là niềm kiêu hãnh của chúng ta khi sánh vai với bạn bè quốc tế. Nếu chỉ vì mục đích làm giàu mà chúng ta xoá đi cốt cách, trái tim Việt Nam là văn hoá, vốn quý cha ông để lại thì thực sự là mất mát lớn và rất đáng báo động”.

img

img

Theo NSND Thanh Ngoan, nghệ thuật dân gian mộc mạc và quá hay. Khi nhà hát tổ chức chiếu chèo truyền thống, Nhà hát chèo Việt Nam giới thiệu thêm cả những loại hình diễn xướng dân gian khác như hát văn, hát xẩm, hát cửa đình trong ca trù. 

“Tôi cho rằng việc giữ sân khấu truyền thống như vậy phải được xem như là một nhiệm vụ quan trọng. Ngày nay, chúng ta phải ngồi với nhau để cùng nhau phát triển nét độc đáo và là linh hồn người Việt đó. Tôi cũng cho rằng, phải có kiến thức chuyên môn thì mới giữ được vốn quý di sản không bị biến dạng. 

Như Nhà hát Chèo Việt Nam, ngoài những vở diễn đương đại, phát triển thể loại làn điệu với những thể nghiệm, chúng tôi vẫn gìn giữ chèo cổ, làn điệu và vở diễn kinh điển. Chúng tôi không chạy theo thị hiếu khán giả để bóp méo, để chèo thành “chéo”. Hiểu đơn giản, ví dụ như UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, không thể phá nó đi để xây dựng cái mới thêm vào di sản. Với xẩm hay các di sản nghệ thuật dân gian cũng như vậy. 

Có người đã phát biểu, phải chấp nhận sự biến dạng thì nghệ thuật dân gian mới có thể tồn tại và được công chúng đương đại đón nhận. Đó là một sai lầm quá đáng và cần phải điều chỉnh ngay.

Nếu như chúng tôi không mang hát văn sang Pháp từ 1993, thì làm sao có một hát văn đã thành di sản thế giới và có đời sống sôi động như hiện nay. Nếu chúng tôi không nỗ lực phục dựng xẩm từ năm 2005, lan toả và có nhiều chiếu xẩm thì làm sao xẩm có một liên hoan như bây giờ. Các nghệ sỹ đương đại như Quốc Trung, Trần Mạnh Hùng, Hồ Hoài Anh cũng không thể thấy cái hay và cái đẹp trong văn hoá dân gian để sáng tạo ra những dự án được công chúng yêu mến như đã thấy”, NSND Thanh Ngoan tâm sự.

img

NSND Thanh Ngoan

Nói về Liên hoan hát Xẩm 2019 vừa được tổ chức tại Ninh Bình, NSND Thanh Ngoan cho hay chị rất mừng, Cục Văn hoá cơ sở và Ninh Bình đã tổ chức rất tốt: “Tôi tiếc là mình không thể tham gia được trong liên hoan lần này. Nhưng thông qua những nhạc sỹ Thao Giang và những người khác, tôi sẽ thu gom lại những thông tin để hiểu rõ hơn, nắm bắt sát hơn về thực tế di sản như thế nào. 

Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam là mạch nguồn đầu tiên để xẩm nở rộ, thu gom các chiếu xẩm để công chúng biết đến, nhưng cũng cần có một liên hoan chuyên nghiệp để chúng ta có cái nhìn và đánh giá đúng nhất về hiện trạng di sản. Có thể nhiều điều còn chưa được nhưng phải khuyến khích. 

Tôi hy vọng, liên hoan lần này thành công sẽ là tiền đề cho nhiều liên hoan tiếp theo. Đây là một trong những cách truyền thông xẩm một cách hiệu quả đến với công chúng. Với những người đã yêu và hát xẩm, nếu chưa có cơ hội tham gia liên hoan, sẽ từ thành công của kỳ này mà tìm cơ hội để tham gia những lần tới”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem