NSND Thu Hà: “Nhiều lúc nhìn Vân Dung diễn mà tôi chảy nước mắt”
NSND Thu Hà: “Nhiều lúc nhìn Vân Dung diễn mà tôi chảy nước mắt”
Hà Tùng Long
Thứ ba, ngày 27/04/2021 16:25 PM (GMT+7)
“Nhiều lúc nhìn Vân Dung diễn mà tôi chảy nước mắt vì diễn hay và thật quá”, NSND Thu Hà bộc bạch khi nói về diễn xuất của Vân Dung trong “Hướng dương ngược nắng”.
Những tập gần đây của phim “Hướng dương ngược nắng” nhận được rất nhiều cảm tình của khán giả. Tuy nhiên, vai Bạch Cúc của NSND Thu Hà vẫn làm xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Những người xung quanh chị phản ứng như thế nào về vai này?
Phản ứng của bạn bè lúc đầu là sao phim này già thế, nhân vật ghê gớm thế… nhưng xem đến phần hai thì ai cũng khen vai diễn quá hay. Mọi người nói thế, tôi cũng phải giải thích, nghệ sĩ người ta cần hiệu quả nhân vật là chính.
Vai diễn hay hay không mới là quan trọng, còn chuyện già trẻ không phải là vấn đề. Ngay từ khi mới bước chân lên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, lúc đó tôi mới 25 tuổi, tôi đã đóng nhân vật cỡ như Bạch Cúc rồi. Bản thân nghệ sĩ cần hiệu quả nhân vật hơn hình thức bên ngoài. Miễn sao bộ phim thành công, nhân vật của mình được đón nhận là tốt rồi.
Thực ra, những tập đầu, bên sản xuất họ bảo tạo hình nhân vật Bạch Cúc của tôi vẫn hơi hiền, thế là họ ghé tai nhân viên hóa trang bảo phải kẻ đậm mắt lên để lột tả được hết sự sắc sảo, mạnh mẽ và quyền lực của nhân vật này. Nhưng kẻ đậm lên cũng chỉ hơn được một chút chứ không hơn được nữa. Chắc mọi người lo quá nên mới tính toán thế.
Khi chưa lên hình, xem qua phần quay thì cũng có phần lo lắng. Họ muốn nhân vật Bạch Cúc này ghê gớm và rắn hơn một chút nữa. Nhưng ngay những ngày đầu bước vào quay, tôi thấy như thế cũng đủ sắc sảo rồi đấy chứ.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa là một đạo diễn không chỉ rất có tâm – tài mà còn rất kỹ tính. Tôi nỗ lực để diễn xuất cho ra nhân vật là một chuyện nhưng Khoa luôn bên cạnh nhắc tôi để tôi giữ được thần thái ổn định. Nếu để cho tôi tự diễn xuất thì nhiều khi tôi cũng buông bởi ngoài đời tôi không phải người như bạch Cúc.
Thỉnh thoảng, khi thấy tôi buông, Khoa lại nhắc "Ôi, lại về Thu Hà kia kìa", thế là tôi lại lên gân, lại ngồi thẳng, lại nghiêm nghị… Bây giờ tôi đang lo, không biết sau phim này, có đạo diễn nào dám mời tôi vào vai hiền lành như trước nữa không (cười).
Nhưng họ có bảo là Bạch Cúc quá ghê gớm, sắc sảo… so với Thu Hà ngoài đời?
Cảm xúc chung khi so sánh nhân vật Bạch Cúc với Thu Hà ngoài đời của mọi người là “choáng”. Từ người già cho đến trẻ con khi gặp tôi đều nhìn không chớp mắt. Có những người nhìn tôi “đứng hình” mất mấy giây rồi mới phát biểu hoặc không phát biểu mà cười phá lên.
Có mấy bác, ở gần Nhà hát Kịch Hà Nội nơi tôi công tác cứ nhìn thấy tôi là cười phá lên, lúc đầu tôi không hiểu chuyện gì, xong sực nhớ là mình đóng phim. Các bác ấy bảo nhìn em với trên phim cứ một trời một vực nên cảm thấy buồn cười.
Riêng người thân trong gia đình, nhất là các con thì phát biểu sao về vai diễn của chị trong “Hướng dương ngược nắng”?
Mấy bé nhà tôi thì cũng quen rồi vì tôi từng thể hiện trên sân khấu Kịch Hà Nội rất nhiều dạng vai khác nhau. Các bạn ấy có thể cho rằng, đó là một trong những vai hay của mẹ thôi. Có lần, tôi để nguyên hóa trang chạy về nhà vì có việc. Con trai nhìn thấy giật mình vì chưa khi nào thấy mẹ sắc và già như thế.
Cậu út bảo: “Mẹ ơi, phim của mẹ “hot” tức là mẹ cũng “hot” đấy. Con đọc báo thấy báo nào cũng nói về phim của mẹ thôi”, rồi cậu mủm mỉm cười. Chắc là cu cậu cũng thích vai diễn và bộ phim. Bạn này ít thổ lộ suy nghĩ của bằng lời nói nhưng thường thể hiện qua hành động. Việc bạn ấy quan tâm đọc báo, nhất là những bài báo nói về phim và về vai diễn của mẹ chứng tỏ bạn ấy cũng thích vai diễn này.
Mỗi lần thấy mẹ nhận vai, đóng phim là bạn ấy thích lắm. Ngày xưa, khi nhận vai trong phim “Khúc hát mặt trời”, tôi nhận được sự động viên mẹ rất nhiều từ phía bạn ấy. Biết đạo diễn Đỗ Thanh Hải gọi điện mời tham gia phim đó là trên đường đón bạn ấy đi học về, bạn ấy thuyết phục mẹ nhận vai cho bằng được. Lúc nào cậu cũng sốt sắng hỏi “Thế họ đã gọi điện lại cho mẹ chưa, mẹ có nhận lời họ chưa?”.
Nói chung, cậu này “kinh khủng” lắm. Năm lớp 4, cô giáo ra đề “viết bài văn tả về một nghệ sĩ mà bạn yêu mến”, bạn ấy không chọn các ca sĩ đang “hot” để viết mà viết về bác Y Moan. Bài văn cu cậu viết rất xúc động và thú vị.
Rồi khi viết về một vở kịch hoặc một bộ phim yêu mến thì bạn ấy lại viết về vở kịch “Đảo thần vệ nữ” là một vở kịch của Hy Lạp do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng. Có thể bạn ấy chưa hiểu hết về vở kịch nhưng đã viết một cách rất có góc nhìn riêng.
Tôi thầm nghĩ, thế là cu cậu cũng quan tâm mẹ ra phết. Rõ ràng, những gì cậu thể hiện chứng tỏ cậu có sự đồng hành và quan sát những việc mẹ làm. Bây giờ lớn hơn thì cậu có cách bộc lộ dè dặt hơn, không hết mình như hồi bé.
Bộ phim “Hướng dương ngược nắng” đang đi đến hồi kết. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có người liên tưởng hoặc so sánh lối diễn của chị với nghệ sĩ Vân Dung. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ, cả tôi với Dung đều đã làm hết trách nhiệm với vai diễn của mình. Người ta nói, phim đề cao cái nhân vật người thứ ba, đề cao con ngoài giá thú là không đúng vì mỗi mảng nhân vật đều có cách thể hiện khác nhau. Có nhiều người rất đón nhận nhân vật của Vân Dung nhưng cũng có người cho rằng sự xuất hiện quá nhiều của nhân vật này đã đề cao “tiểu tam”.
Rõ ràng, đạo diễn có làm đẹp cho nhân vật ấy đâu. Thậm chí, mỗi lần xuất hiện là một sự nhố nhăng. Vì bà mẹ ấy đáng chê trách như thế nên các con của bà ấy rất đáng thương. Minh là một cô gái rất nghị lực, hiếu thảo và bản lĩnh. Trí là một cậu bé cũng rất ngoan ngoãn, trong trẻo và thật thà. Nhìn hai bạn diễn viên trẻ thể hiện nhân vật mà tôi cảm thấy rất thương.
Tôi cho rằng, Vân Dung càng diễn ra chất của Diễm Loan bao nhiêu thì người ta lại càng thương Minh và Trí bấy nhiêu. Nhưng cũng phải nói thêm là Vân Dung diễn rất đạt, rất duyên dáng, rất sáng tạo…
Kiểu diễn của Vân Dung bao năm vẫn tưng tửng mà lại mang đến cho người ta quá nhiều cảm xúc. Không phải nghệ sĩ tài năng rất khó diễn ra chất đó lắm. Có cho tôi diễn tôi cũng chịu. Nếu tôi mà làm được vai đó tự nhận là đỉnh cao. Nhiều khi nhìn Vân Dung diễn mà tôi rơi nước mắt vì diễn hay và thật quá.
Tất nhiên, không thể so sánh giữa Bạch Cúc với Diễm Loan được vì hai bà mẹ là hai cá tính, hai chiến tuyến khác nhau, hai vị trí xã hội.
Tôi thấy bộ phim là sự hoà quyện của rất nhiều yếu tố, cả đạo diễn, biên kịch lẫn diễn viên. Tôi thấy lời thoại của phim cũng rất hay và đời. Nhiều đoạn thoại rất dài, dài tới mức không có thời gian để xen hành động vào nhưng khán giả vẫn không cảm thấy chán.
Tình cảm của chị với các diễn viên trẻ ở sau hậu trường có giống như mẹ con trên phim?
Các bạn diễn viên trẻ dễ thương vô cùng. Quỳnh Kool tính rất hồn nhiên nên cứ đến trường quay lại trêu hết người này, chọc hết người kia. Cô bé lôi ông Đức Trung (vai ông Cao Phan) ra chụp ảnh rồi doạ nhổ nốt mấy sợi tóc đen của ông. Rồi những lúc rảnh, mấy mẹ con lại lôi điện thoại ra chơi Tik Tok.
Nói chung, khi đi quay với nhau, mấy mẹ con ai cũng vui vẻ như trong một gia đình. Tính tôi cũng vui vẻ, nhẹ nhàng… nên rảnh lúc nào lại vui lúc đấy. Nhưng vì tiến độ làm phim rất gấp gáp nên cũng bận bịu lắm, rất ít thời gian rảnh. Rảnh được chút nào lại lao vào học thoại cho thuộc để còn kịp quay.
Sau mỗi ngày quay trở về, có bao giờ chị có cảm giác bị đuối tới mức muốn bỏ cuộc?
Mỗi ngày quay trở về, nhiều lúc mệt không thở nổi. Vì mỗi bối cảnh như công ty hoặc nhà riêng là mình đóng vai trò chính nên phải quay triền miên. Cứ đến đoàn phim cái là “tháo ra, tra vào”, tức là vừa đến nơi thì đội hoá trang xông ra, người thì thay phục trang, người thì trang điểm, người thì làm tóc, người thì trao đổi kịch bản… Lúc đó, toàn thân tôi đều hoạt động hết công suất giống như một con rô-bốt.
Rồi vừa hết cảnh cái lại thay đổi phục trang, lại trang điểm mới… cộng với lâu ngày không làm phim nên có nhiều lúc mệt không muốn nói chuyện với ai. Mà không chỉ có tôi đâu, các bạn trẻ cũng nhiều lúc mệt, đuối…
Lương Thu Trang khi diễn cảnh cùng bà Bạch Cúc qua nhà ông Lâm (NSƯT Trần Đức) – người nắm giữ cổ phần cao nhất trong tập đoàn để thuyết phục ông ấy ủng hộ cũng bị vã hết mồ hôi, chân tay tê buốt. Quỳnh Kool thì tâm sự là sau mỗi cảnh khóc, khi về nhà toàn bị đau đầu. Nói chung là khi đã vào phim ai cũng tập trung cao độ và sự đánh đổi trong phim ảnh thể hiện rất rõ qua sức khoẻ của nghệ sĩ sau mỗi cảnh quay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.