Nữ đại biểu Gen Z dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII
Nữ đại biểu Gen Z dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII
Gia Khiêm - Đình Việt
Thứ hai, ngày 25/12/2023 11:11 AM (GMT+7)
Sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có dân số ít nhất tỉnh Cao Bằng, Chu Thị Cải (22 tuổi) là đại biểu tiêu biểu, trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Sáng nay, 1.000 đại biểu chính thức, đại diện hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước đã về Trung tâm Hội nghị Quốc gia dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Hoà vào đoàn đại biểu đứng bên ngoài chờ vào tham dự Đại hội, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với em Chu Thị Cải (22 tuổi, người dân tộc Lô Lô) đến từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Lô Lô là dân tộc thiểu số ít người nhất tỉnh Cao Bằng. Cai là hội viên trẻ tuổi nhất tỉnh Cao Bằng và là đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần này.
Dáng người nhỏ nhắn, khoác trên mình bộ trang phục dân tộc, Chu Thị Cải dáng vẻ có đôi chút ngại ngần. Thế nhưng ở cô có ánh mắt sắc sảo, nhanh nhẹn của người con nơi vùng biên ải. Ở tuổi ngoài đôi mươi, cô đã trở thành Hội viên Hội Nông dân tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.
Xã Đức Hạnh là xã vùng sâu, vùng xa biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm. Đến đây, người dân hay truyền miệng "Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh...". Địa hình xã là dãy núi trập trùng bao quanh, đồng bào các dân tộc: Mông, Lô Lô, Nùng, Tày sinh sống trong khó khăn, khô khát, khí hậu khắc nghiệt. Thế nhưng, ở đó có những người mang theo sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo như Chu Thị Cải khi tuổi còn rất trẻ là điều vô cùng hiếm.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, Cải kể, đây là lần đầu tiên cô bước từ núi rừng, qua các bản làng để về Thủ đô Hà Nội. Ở Đại hội lần này, cô ấn tượng bởi các đại biểu đều rất niềm nở, vui vẻ. Đây cũng là cơ hội để cô được học hỏi kinh nghiệm, những mô hình nông nghiệp, hợp tác xã hay để có thể về quê hương tiếp tục xây dựng phát triển.
Theo Cải, xã Đức Hạnh có địa hình núi cao hiểm trở, dù nằm ở đầu nguồn sông Nho Quế nhưng Đức Hạnh vẫn thiếu nước sinh hoạt, không có nước sản xuất. Con sông uốn lượn, vắt qua những chân núi, không thể nào đưa nước ngược lên núi.
"Đa số các hộ dân đều chỉ dựa vào nguồn nước mưa hoặc từ các khe nước hiếm hoi để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Do thiếu nước sinh hoạt, việc trồng ngô, lúa trên nương rẫy chỉ trồng chờ "ăn may" từ nước trời… Tuy nhiên, hiện nay người dân cũng tích cực trồng rừng với các loại cây hồi, cây quế, vạt thông, nương sắn cao sản… để mang lại thu nhập, giúp người dân chúng tôi thoát nghèo", Cải chia sẻ.
Ở tuổi 22, Chu Thị Cải đã trở thành hội viên tiêu biểu, tham gia nhiệt tình công tác Hội, gia đình phát triển kinh tế nhờ trồng trọt, chăn nuôi, xây được nhà khang trang.
"Tham dự Đại hội lần này em mong muốn nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp những ý kiến, sáng kiến kinh nghiệm, góp phần cho thành công của Đại hội đưa Nghị quyết Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới có nhiều đổi mới, sáng tạo, phục vụ cho nông dân cùng phát triển", Chu Thị Cải gửi gắm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.