Thông qua Quy chế làm việc tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII
Thông qua Quy chế làm việc tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII
Dân Việt
Thứ hai, ngày 25/12/2023 10:24 AM (GMT+7)
Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023- 2028), thay mặt Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã thông qua quy chế làm việc tại Đại hội. Dân Việt xin đăng toàn văn Quy chế này.
Điều 1: Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Nông dân Việt Nam . Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII nhiệm kỳ 2018 - 2023, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023 - 2028; quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII.
Điều 2: Quy chế này quy định những vấn đề liên quan đến đại biểu Đại hội, các cơ quan lãnh đạo, điều hành và giúp việc cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII.
Điều 3: Những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức Đại hội chưa quy định trong Quy chế này do Đoàn Chủ tịch Đại hội quyết định.
Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch thông qua Quy chế làm việc tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII. Ảnh: Viết Niệm.
CHƯƠNG II: QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4: Đại biểu đại hội
1. Đại biểu Đại hội bao gồm: đại biểu đương nhiên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII, đại biểu được bầu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và đại biểu do Ban Thường vụ Trung ương Hội khóa VII chỉ định.
2. Đại biểu Đại hội có quyền:
- Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, quyết định các nội dung của Đại hội.
- Đề nghị Đoàn Chủ tịch Đại hội và các cơ quan của Đại hội thông tin, giải đáp, làm rõ những vấn đề còn băn khoăn, chưa rõ.
3. Đại biểu Đại hội có nhiệm vụ:
- Đại diện cho lợi ích của cán bộ, hội viên nông dân tại địa phương, đơn vị công tác; có trách nhiệm phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân, những vấn đề hội viên nông dân quan tâm của địa phương, đơn vị với Đại hội.
- Tham gia đầy đủ và trách nhiệm vào các nội dung và hoạt động của Đại hội.
- Phản ánh đầy đủ kết quả Đại hội tới cán bộ, hội viên, nông dân tại địa phương, đơn vị.
- Chấp hành nghiêm túc quy chế, quy định của Đại hội, cơ quan điều hành Đại hội và trưởng đoàn đại biểu.
- Không sử dụng điện thoại di động (hoặc để chế độ im lặng), không làm việc riêng trong các phiên làm việc tại hội trường và trong các phiên thảo luận tại các trung tâm.
- Đại biểu thuộc đoàn đại biểu Trung ương Hội báo cáo kết quả Đại hội với cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan đơn vị mình.
Điều 5: Đoàn đại biểu và Trưởng đoàn đại biểu
1. Đoàn đại biểu các tỉnh, thành Hội tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ VIII gồm các đại biểu đương nhiên là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII, các đại biểu do đại hội đại biểu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố bầu ra và các đại biểu chỉ định tham gia đoàn, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân tại các địa phương.
2. Trưởng đoàn đại biểu là người được phân công phụ trách đoàn đại biểu, do Ban Thường vụ Trung ương Hội khóa VII chỉ định; Trưởng đoàn có nhiệm vụ:
- Lãnh đạo và tổ chức mọi hoạt động của đoàn đại biểu trước, trong và sau Đại hội.
- Giữ mối liên hệ với Đoàn Chủ tịch Đại hội để giải quyết khi có vấn đề phát sinh trong đoàn đại biểu của mình.
- Thay mặt đoàn đại biểu báo cáo cấp ủy Đảng trực tiếp về kết quả Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII và hoạt động của đoàn đại biểu tại Đại hội.
Các đại biểu tại Đại hội nhất trí thông qua. Ảnh: Viết Niệm.
Điều 6: Đoàn Chủ tịch Đại hội
1. Đoàn Chủ tịch Đại hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII giới thiệu, Đại hội bầu bằng hình thức sử dụng thẻ đại biểu để biểu quyết. Đoàn chủ tịch điều hành mọi công việc của Đại hội, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số.
2. Đoàn chủ tịch có nhiệm vụ
- Điều hành công việc của Đại hội theo chương trình, quy chế đã được Đại hội thông qua;
- Quyết định việc công bố và lưu hành các tài liệu, các kết luận chính thức của Đại hội;
- Bàn giao cho Ban Chấp hành khoá mới các tài liệu về Đại hội để lưu trữ theo quy định.
- Giải đáp những ý kiến của đại biểu trong quá trình diễn ra Đại hội.
Điều 7. Đoàn thư ký Đại hội:
1. Đoàn thư ký Đại hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII giới thiệu, Đại hội bầu bằng hình thức sử dụng thẻ đại biểu để biểu quyết, gồm những đại biểu chính thức của Đại hội, là cơ quan giúp việc của Đại hội.
2. Đoàn thư ký có nhiệm vụ
- Ghi biên bản, tổng hợp ý kiến thảo luận tại đại hội, dự thảo các văn bản kết luận, nghị quyết của đại hội, trình bày dự thảo nghị quyết.
- Quản lý và phát hành tài liệu, ấn phẩm của đại hội theo sự chỉ đạo của Đoàn chủ tịch. Thu nhận, bảo quản và gửi đến ban chấp hành khóa mới đầy đủ hồ sơ, tài liệu, ấn phẩm của đại hội.
- Tập hợp, phản ảnh kịp thời với đoàn chủ tịch những vấn đề phát sinh tại đại hội.
Điều 8. Ban thẩm tra tư cách đại biểu
1. Ban Thẩm tra tư cách đại biểu do Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII giới thiệu, Đại hội bầu bằng hình thức sử dụng thẻ đại biểu để biểu quyết, là những đại biểu chính thức của Đại hội.
2. Ban Thẩm tra tư cách đại biểu có nhiệm vụ:
- Căn cứ Điều lệ Hội và các quy định, quy chế, xem xét báo cáo và các tài liệu liên quan do ban chấp hành triệu tập đại hội cung cấp về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu đại biểu; những vấn đề liên quan đến tư cách đại biểu để xét tư cách đại biểu.
- Báo cáo với đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.
- Xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu; báo cáo với đoàn chủ tịch đại hội để trình đại hội xem xét quyết định.
Điều 9. Tài liệu lưu hành tại Đại hội
1. Việc phát hành tài liệu trong Đại hội do Đoàn Chủ tịch Đại hội quy định; tuyệt đối không được tự ý phát hành tài liệu riêng trong Đại hội.
2. Các ấn phẩm của các địa phương, đơn vị, tổ chức có nhu cầu phát hành tại Đại hội phải được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Đại hội và được phát hành thống nhất qua Tiểu ban Tuyên truyền, khánh tiết phục vụ Đại hội VIII.
3. Các tài liệu về nhân sự của Đại hội được bảo quản theo chế độ tài liệu mật.
Điều 10: Trung tâm báo chí của Đại hội
1. Trung tâm báo chí của Đại hội là Trung tâm thông tin chính thống và duy nhất của Đại hội. Các thông tin, tài liệu của Trung tâm báo chí do Đoàn Chủ tịch Đại hội quyết định.
2. Trung tâm báo chí có trách nhiệm:
- Cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin của Đại hội cho các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền các nội dung và kết quả của Đại hội.
- Sắp xếp, bố trí điều kiện, phương tiện để các đồng chí lãnh đạo trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình về kết quả và những vấn đề liên quan đến Đại hội.
- Đại hội giao Thường trực Trung ương Hội phân công người phát ngôn chính thức về các vấn đề liên quan đến Đại hội.
Điều 11: Phát biểu tại Đại hội
- Đại hội có hai phiên thảo luận: tại hội trường và tại các trung tâm.
- Trong các phiên họp toàn thể tại hội trường, nếu có ý kiến cần phát biểu, đại biểu phải đăng ký trước về nội dung phát biểu và chỉ được phát biểu khi Đoàn Chủ tịch Đại hội cho phép. Nội dung phát biểu phải ngắn gọn, rõ ràng, thời gian không quá 10 phút.
- Việc thảo luận tại các trung tâm theo sự điều hành của đồng chí chủ trì.
Điều 12: Biểu quyết tại Đại hội
Việc lấy biểu quyết các nội dung tại Đại hội sử dụng thẻ đại biểu để biểu quyết; thẻ đại biểu do Đoàn Chủ tịch phát hành.
Điều 13: Các trung tâm thảo luận tại Đại hội
Các trung tâm thảo luận tại Đại hội được phân bổ theo đoàn đại biểu đại hội; có nhiệm vụ thảo luận các nội dung văn kiện: Dự thảo báo cáo chính trị; dự thảo Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung); báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII.
Điều 14: Trang phục và vị trí ngồi của đại biểu
1. Trang phục của đại biểu
- Trang phục của đại biểu thực hiện theo quy định của Ban Tổ chức Đại hội và chương trình đại hội đã thông qua.
- Các đại biểu đeo phù hiệu của Đại hội trong tất cả các phiên làm việc của Đại hội. Tài liệu và phù hiệu phải giữ gìn cẩn thận, không cho mượn, nếu mất phải báo ngay với Trưởng đoàn và Ban tổ chức Đại hội. Khuyến khích đại biểu đeo các Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam (nếu có).
2. Ví trí chỗ ngồi của đại biểu
Trong các phiên làm việc của Đại hội, đại biểu và các đoàn đại biểu đại hội ngồi đúng vị trí được quy định tại hội trường, không tự ý thay đổi chỗ ngồi (trừ trường hợp điều chuyển của Ban tổ chức Đại hội).
Điều 15: Về thời gian làm việc của Đại hội
- Đại hội làm việc tại Hội trường:
+ Buổi sáng từ 8h00' đến 11h30'
+ Buổi chiều từ 14h00' đến 17h00'
Các đại biểu có mặt trước 15 phút so với giờ làm việc.
- Một số nội dung khác diễn ra trong chương trình của Đại hội có quy định thời gian cụ thể riêng.
Để đảm bảo thời gian làm việc, đại biểu Đại hội tuân thủ thời gian di chuyển, ăn nghỉ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Đại hội.
Trường hợp có thay đổi thời gian theo kế hoạch, Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ thông báo đến đại biểu qua Trưởng đoàn.
Điều 16 Về ăn, nghỉ, đi lại của đại biểu Đại hội
Thực hiện theo quy định của Ban tổ chức Đại hội.
CHƯƠNG III: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17: Đại biểu dự Đại hội có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những quy định trong Quy chế này. Những đại biểu vi phạm quy chế, tùy theo mức độ cụ thể sẽ bị xử lý và thông báo về cơ quan quản lý cán bộ ở địa phương, đơn vị và tổ chức Hội nơi đại biểu sinh hoạt. Quy chế này được phổ biến đến tất cả các đại biểu chính thức của Đại hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.