Nữ điều dưỡng và những đêm trắng vì bệnh nhân Covid-19

Diệu Linh Thứ ba, ngày 08/03/2022 15:12 PM (GMT+7)
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy (phòng Điều dưỡng, Bệnh viện K Trung ương) và đồng nghiệp đã phải trải qua những ngày tháng chống dịch Covid-19 cam go với rất nhiều đêm trắng...
Bình luận 0

Người phụ nữ bé nhỏ kiên cường chống dịch Covid-19

Với hơn 20 năm gắn bó với công việc điều dưỡng, ở "mặt trận" nào khốc liệt, vất vả nhất lại có mặt chị Nguyễn Thị Thùy. 

Chị đã "lăn lộn" qua nhiều khoa "nóng" như Phẫu thuật gây mê hồi sức rồi Khoa Ngoại bụng I, Khoa Hồi sức cấp cứu. Chị đã quen với hình ảnh người bệnh ung thư diễn biến nặng, luôn cần chăm sóc đặc biệt; nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp giành giật sự sống mong manh cho người bệnh trong từng giây từng phút …

Nữ điều dưỡng và những đêm trắng vì bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 1.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy và những ngày chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng trong TP.HCM. Ảnh BVCC

Vào tháng 5/2021, khi Bệnh viện K trở thành điểm nóng của dịch Covid-19, cả 3 cơ sở đều bị phong tỏa, chị Thùy cũng không ngần ngại "khăn gói" vào bệnh viện để trực chiến cùng đồng nghiệp và hơn 3.000 người bệnh. 

Mọi người đều thấy chị như "siêu nhân" khi gồng gánh trên đôi vai bé nhỏ, vóc dáng nhỏ nhắn một lượng công việc khổng lồ, lại vất vả, cực nhọc. 

Hàng ngày, chị phải mặc trang phục bảo hộ từ sáng sớm đến 17h chiều hàng ngày, di chuyển giữa các khoa để vận chuyển đồ nhu yếu phẩm cho người bệnh và đồng nghiệp. 30 ngày xung phong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm lên các đơn vị là 30 ngày chị không vắng mặt. 

Mồ hôi ướt sũng bộ quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn mờ đi nhưng mọi người chưa lúc nào thấy nụ cười tắt trên môi chị. Lúc nào chị cũng tươi tắn động viên các bệnh nhân: "các bác cùng cố gắng nhé, sẽ sớm được trở về nhà thôi".

Ngoài thời gian đó, vận chuyển nhu yếu phẩm, chị còn trực tiếp đến từng khoa lâm sàng để tham gia hướng dẫn, hỗ trợ công tác chăm sóc người bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là các khoa có ca bệnh yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19.
Nữ điều dưỡng và những đêm trắng vì bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 2.

Vất vả, căng thẳng, nguy hiểm không đánh bại được người phụ nữ nhỏ bé này. Ảnh BVCC

 

Ngày mà bệnh viện chiến thắng, "bão dịch" đã tan, chị Thùy cũng không dám trở về nhà. Chị chia sẻ, hồi đó con gái lớn của chị chuẩn bị thi, về nhà lại lo lắng lây bệnh cho con hoặc nhớ con lại bị cách ly rồi phải thi phòng riêng sẽ vất vả... 

Chị cũng lo lắng các phụ huynh khác biết chị là nhân viên y tế từ tâm dịch về, lại có tư tưởng kỳ thị thì sẽ căng thẳng cho con... Do đó, chị chỉ có thể động viên con từ xa, đợi con thi xong rồi mới về. 

Sau hơn 40 ngày chị mới trở về đoàn tụ cùng gia đình, mấy mẹ con đều mừng mừng, tủi tủi, nghẹn ngào trong nước mắt. 

Không rời bệnh nhân Covid-19 dù được luân phiên trở về

Chị Thùy vừa trở về nhà được ít bữa thì TP.HCM và các tỉnh phía Nam lại căng thẳng vì dịch. Chị Thùy lại là 1 trong những cánh tay đầu tiên giơ lên xung phong vào Nam "xẻ lửa" cùng đồng nghiệp. 

Chị và các đồng nghiệp Bệnh viện K Trung ương được phân công chi viện cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM. 

Không thể kể hết nỗi vất vả, lo lắng, căng thẳng mà các chị đã phải gánh chịu trong những ngày tháng khốc liệt, hàng ngày phải đối mặt với rất nhiều bệnh nhân tử vong. 

"Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh, tôi và đồng nghiệp phải chứng kiến nhiều người bệnh không thể qua khỏi. Tất cả bác sĩ thật sự đau lòng, nghẹn đắng. 

Nữ điều dưỡng và những đêm trắng vì bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 3.

Không chỉ chăm sóc, cứu sống bệnh nhân, chị Thùy còn không ngần ngại cho đi giọt máu của chính mình để tiếp tục cứu bệnh nhân. Ảnh BVCC

Nhưng tất cả những nỗi niềm ấy đều phải gác lại, nước mắt phải nuốt vào trong để tập trung cao độ cứu sống thêm nhiều bệnh nhân", chị Thùy tâm sự. 

Sau hai tháng chi viện miền Nam, Bệnh viện K đã cử thêm cán bộ y tế vào để "đảo quân". Chị Thùy nằm trong danh sách cán bộ được trở về Hà Nội nhưng chị lại xung phong ở lại. 

Chị chia sẻ: “Khi đó, tôi đã quen với công việc và đặc biệt hiểu rõ hơn về công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19 phải cấp cứu hồi sức nên tôi muốn ở lại để phần nào trợ giúp cho đồng nghiệp mới vào và cứu được thêm bệnh nhân". 

Không chỉ phục vụ cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng, khi có các ca mổ cấp cứu bệnh nhân Covid-19, chị Thùy cũng tận lực tham gia. Mỗi bệnh nhân được cứu thoát khỏi tay Tử thần là mỗi lần chị được tiếp thêm sức mạnh. 

Sức lực gần như bị vắt kiệt nhưng lúc bệnh nhân cần máu, chị lại chìa cánh tay bé nhỏ của mình ra để "xin" được hiến máu. Khi hỏi về số lần chị hiến máu, chị Thùy cười cho biết, chị chẳng nhớ nữa, có thể là mười mấy lần... Sau 3 tháng chống dịch ở miền Nam, khi dịch được đẩy lùi, các đồng nghiệp miền Nam đã tự lo được, chị Thùy và đồng nghiệp mới trở về nhà. 

Gần 100 ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân với tử thần Covid-19, chị Thùy không thể nào quên. 

Chị Thùy là "chiến sĩ áo trắng" luôn ở những tuyến đầu khốc liệt chống lại "giặc" Covid-19, còn chồng chị là chiến sĩ đang công tác tại Nhà máy A45, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân. Vào thời điểm chị xung phong vào chống dịch Covid-19 ở miền Nam, chồng chị cũng thực hiện nhiệm vụ công tác tại Đồng Nai.

Hai vợ chồng cách nhau rất gần nhưng lại chẳng có được giây phút nào giáp mặt, ngay cả thời gian gọi điện, chia sẻ cũng không có nhiều. Những cuộc điện thoại, video call ngắn ngủi là liều "thần dược" giúp vợ chồng chị và các con nuôi dưỡng tình yêu gia đình. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem