Nữ du khách Israel và những “cú sốc” dễ thương ở Việt Nam

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 09:34 AM (GMT+7)
Dân Việt - Ở Việt Nam, có không ít điều khiến bà Rona Michelson – nữ du khách Israel, phải tròn mắt ngạc nhiên. Bà gọi đó những “cú sốc”, nhưng là “cú sốc” dễ thương, níu chân khách ở lại lâu hơn với mảnh đất Việt.
Bình luận 0

Cờ Israel trên bàn ăn đặc biệt

Đến Huế, tôi xung phong lãnh trách nhiệm “cao cả” nhất: Tìm nhà hàng và đặt bữa tối cho cả đoàn.

Trong lúc đó, chồng tôi và những người bạn tranh thủ “do thám” một vòng sông Hương và chùa Thiên Mụ.

img
Vợ chồng bà Rona thưởng thức dừa xiêm

Quả là rào cản ngôn ngữ cũng gây chút ít khó khăn cho tôi. Người quản lý và đầu bếp của nhà hàng có nói được tiếng Anh, nhưng chỉ bập bõm. Dẫu vậy, việc đặt món cũng hoàn tất đâu ra đấy.

Bà Rona Michelson hiện đang làm việc cho một công ty du lịch của Israel, và là chủ của website cá nhân Drsavta.

Thường xuyên dẫn các đoàn tour đi đó đây, bà Rona có cơ hội thăm thú nhiều quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia là ba điểm đến để lại nhiều ấn tượng trong bà hơn cả.

Nhân viên nhà hàng dẫn tôi vào một phòng ăn đặc biệt, trên mỗi bàn đều đặt lá quốc kỳ của Israel. Còn gì có thể đáng ngạc nhiên hơn thế nữa không nhỉ? Họ biết chúng tôi đến từ Israel, và không biết nói gì hơn, tôi thực sự cảm kích!

“Phở”, Phớ” hay “Phố”?

Nếu bạn nghĩ tiếng Trung rất khó, hãy thử tiếng Việt mà xem, có khi lại còn “hiểm hóc” hơn ấy chứ.

Tôi nhớ lần ghé thăm Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, tôi không làm sao phát âm nổi chữ “Phố”. Lúc thì là “Phớ”, khi là “Phở”, lúc khác có khi lại là “Phô” hay đại loại cái gì rưa rứa thế. Cô hướng dẫn viên bao giờ cũng phải hỏi lại: “Cái gì cơ?” mỗi lần tôi nhắc tới địa danh này.

Thật kỳ lạ, loại từ chỉ có một âm tiết lại khiến tôi… cà cuống như vậy. Cùng là những chữ cái ấy, trật tự sắp xếp ấy, nhưng chỉ cần đổi dấu (sắc, ngã, huyền, nặng) thì nghĩa của từ đã khác hẳn nhau.

Nhảy múa cùng già làng

Vẫn là ở Bản Phố, đoàn chúng tôi được mời tới nhà một vị trưởng thôn. Đó là một ông lão mảnh khảnh nhưng hoạt bát, da dẻ hồng hào và giọng nói sang sảng.

Ông mời chúng tôi uống rượu rồi nhảy múa quanh nhà. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được “mục sở thị” gian bếp của một gia đình dân tộc thiểu số vùng cao Việt Nam. Rất giản dị và ấm áp!

img
Ngộ nghĩnh chưa, những cô gái này đang nhắn tin đó!

Râu – “vật thể lạ” giữa chợ Bắc Hà

Giữa không khí tấp nập của chợ phiên Bắc Hà ngày Chủ nhật, bộ râu dài và rậm của ông chồng tôi xem ra cũng “độc”, cũng lạ và thu hút sự chú ý. Thậm chí, một bé gái chừng 10 tuổi còn bạo dạn… cầm lược để chải chuốt nó. Cô bé nhoẻn miệng cười rất tươi, rất thích thú. Những người đi qua, chứng kiến cảnh này cũng không thể nhịn nổi cười.

Tại chợ phiên, thật thú vị khi nhìn thấy không ít sự kết hợp giữa truyền thống hiện đại một cách… vui mắt. Bạn nghĩ sao khi những cô gái người Mông, Dao, Dáy mặc đồ truyền thống, trong khi tay cầm điện thoại di động nhắn tin?

Cô bé “nhạc gì cũng nhảy”

Xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là nơi cư trú của hai cộng đồng dân tộc thiểu số Mông Đen và Dao Đỏ. Tôi biết, ở đây, cuộc đấu tranh xóa mù chữ và vận động trẻ em đi học không hẳn là vấn đề đơn giản. Ấy thế nhưng, có ai ngờ rằng, bọn trẻ Tả Van lại nói tiếng Anh cừ tới vậy!

img
Chồng tôi được cô bé chải râu cho kìa!

Một cô bé nhỏ xíu leo lẻo hỏi chuyện tôi: “Where are you from?”. Tôi trả lời: “Israel”. Chỉ chừng ấy thôi cũng đã khiến tôi ngạc nhiên lắm rồi, vì cô bé phát âm khá chuẩn. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó, cô bé tiếp lời “Shalom, Chamuda!” (một câu chào hỏi của người Do Thái), tôi gần như ngất đi vì kinh ngạc.

Cô bé còn đi cùng tôi thêm một đoạn đường nữa. Tôi đặt ra tình huống, nếu tôi đến từ Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha thì sao? Và với mỗi giả thiết, cô bé đều chuẩn bị sẵn một câu chào hỏi theo ngôn ngữ của quốc gia đó.

Tuyệt vời! Tôi chỉ có thể nói vậy.

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem