Đối mặt với hoàn cảnh
Thảo Vân được sinh ra trong một gia đình nghèo tại xóm 7, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An, là em gái ruột của Nguyễn Công Hùng (Hiệp sĩ công nghệ thông tin). Từ khi chào đời, Vân đã mắc căn bệnh teo cơ tuỷ sống mà đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Không giống như bao đứa trẻ khác được tập lật, bò, tập đi những bước đầu đời, Vân phải nằm một chỗ, tuổi ấu thơ mang đầy nỗi tủi.
Tuy thân thể không được lành lặn, teo tóp, ngồi lọt thỏm vào chiếc xe lăn nhỏ, 2 bàn tay chỉ cử động được mấy ngón yếu ớt, nhưng Thảo Vân rất ham học. Nhìn chúng bạn cắp sách tới trường học chơi vui vẻ, Vân đã năn nỉ xin bố mẹ cho mình đến lớp học bằng được. Thế là hằng ngày em đến trường trên lưng mẹ. Nhưng rồi việc học không diễn ra theo suy nghĩ của Vân. Học chung với những đứa trẻ bình thường, Vân thường xuyên bị chúng bạn trêu chọc trong những giờ ra chơi. "Bọn chúng nhạo báng, giễu cợt gọi mình là đồ lưng gù, đồ tàn tật và còn rất nhiều biệt danh khác mà mình cũng không nhớ và không muốn nhớ nữa", Vân kể lại. Từ đó mỗi ngày tới giờ đi học với Vân cứ như cực hình và là nỗi ám ảnh thực sự.
Có nhiều lúc Vân muốn bỏ học để tránh sự trêu chọc của lũ bạn. Nhưng Vân đã được bố an ủi động viên "Mỗi con người sinh ra đều có một hoàn cảnh khác nhau, điều quan trọng là họ đối mặt thế nào với hoàn cảnh và biết cố gắng hết sức để theo đuổi ước mơ của mình. Nếu con thích học, hãy vượt lên tất cả để theo đuổi nó", Vân nhớ lại… Từ hôm ấy, em đã quyết tâm tiếp tục đến trường với một tinh thần thép, sẵn sàng đối mặt với sự châm chọc, không sợ hãi và khóc khi bị chúng bạn cười chế giễu nữa.
Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi chị Thảo Vân.
Sau khi học xong lớp 12, Thảo Vân về làm nhân viên tư vấn tâm lý cho người khuyết tật và kiểm duyệt hồ sơ cho Trung tâm đào tạo Tin học của anh Công Hùng tại Nghệ An. Vân vốn là người thông minh, nhanh nhẹn và ham học hỏi lại rất giỏi tiếng Anh, với ý nghĩ phải thay đổi cuộc sống vượt lên số phận, "Muốn thay đổi cuộc sống, trước tiên phải thay đổi chính mình" - Thảo Vân chia sẻ. Vì thế em đã nỗ lực tự mày mò ngày đêm học tin học và thiết kế đồ hoạ.
Năm 2007, Vân đã có quyết định táo bạo, một mình ra Hà Nội để đăng ký tuyển dụng vào Công ty Thiết kế Heartlink Jsc. Dù bị cả gia đình phản đối ngăn cản nhưng em vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Sau khi được nhận vào công ty vừa học vừa làm 8 tháng nâng cao tay nghề, chuyên môn kỹ thuật. Vân tiếp tục nộp hồ sơ xin tuyển vào một công ty lớn của Đan Mạch (Esoftflow) và đã trúng tuyển với mức lương cao và ổn định. Vân đã dùng tiền lương thuê nhà sống tự lập và mướn người chăm sóc mình.
Khi đã tìm được việc làm, nơi ăn ở ổn định, Thảo Vân bắt đầu cùng anh trai thành lập Công ty cổ phần Nghị lực sống. Công ty cung cấp dịch vụ chính là thiết kế website vào tháng 10.2009 tại Hà Nội. Đến tháng 10.2010: Nghị lực sống chính thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, bao gồm Trung tâm Nghị lực sống và Công ty cổ phần Nghị lực sống chuyên đào tạo CNTT, thiết kế đồ hoạ miễn phí cho NKT. Tháng 5.2011, Thảo Vân mở thêm phòng vé máy bay Nghị lực sống (bán sỉ và lẻ vé máy bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước) tạo việc làm cho các bạn khuyết tật tại Nghệ An, Hà Nội.
Thảo Vân trong một chuyến đi thiện nguyện ở vùng cao.
Chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật
Sau khi anh trai qua đời năm 2012, Thảo Vân đứng trước nhiều khó khăn. Với cương vị là Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, kế nghiệp anh, Thảo Vân đã nỗ lực hết mình chèo lái tiếp tục phát triển đào tạo, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho các học viên là người khuyết tật (NKT), kết nối các cơ sở sản xuất tìm đầu ra cho sản phẩm của NKT với phương châm "giúp NKT tạo ra cần câu cá thay vì tặng họ con cá". Trong quá trình phát triển, Trung tâm Nghị lực sống tự vận động trở thành một cơ sở điển hình: đào tạo đầu vào và cung cấp đầu ra qua các chương trình đào tạo CNTT, mỗi năm trung tâm đã đào tạo 2 khoá học CNTT cho các bạn khuyết tật (với gần 100 người), kết thúc khoá học các học viên được hỗ trợ xin việc làm phù hợp và mức lương ổn định.
Không những thế, để có thể hỗ trợ cho người khuyết tật nhiều hơn, Thảo Vân đã cố gắng xây dựng giáo trình trực tuyến đào tạo CNTT dành cho NKT và đang dần hoàn thiện ở giai đoạn cuối cùng. Thảo Vân hi vọng dự án này sẽ có ích cho những người khuyết tật không đủ điều kiện đi học. Họ có thể học trực tuyến tại nhà một cách dễ dàng. Đồng thời Thảo Vân đang tìm nguồn tài trợ và kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng qua chương trình "Viên gạch của bạn, ngôi nhà cho Nghị lực sống".
Qua chương trình này, trung tâm mong muốn đón nhận khoản tiền 900 triệu đồng từ sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm để mua một căn hộ làm nơi học tập, sinh hoạt ổn định và cư trú miễn phí cho các học viên khuyết tật đến học nghề tại trung tâm. Vân hi vọng trong thời gian tới Nghị lực sống sẽ có nhà mới mà không phải đi thuê 3 căn hộ như hiện tại. Ngoài ra, Vân đã tìm được đối tác nước ngoài ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo cho học viên và đồng ý nhận học viên của Nghị lực sống vào làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy Trung tâm Nghị lực Sống đã trở thành điểm đến, và là nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều bạn khuyết tật khắp nơi.
Bên cạnh những công việc bận rộn của một giám đốc, Thảo Vân còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng. Vân cùng các bạn trong nhóm thành lập Trung tâm Nghị lực sống - đào tạo tin học cho người khuyết tật, cùng Công ty Nam Trường Sơn tặng 10.000 bản quyền của phần mềm diệt virus Kaspersky cho cộng đồng người khuyết tật sử dụng máy tính (tương đương 1 tỷ đồng). Tham gia khoá tập huấn kỹ năng làm việc với người khuyết tật tại thành phố Pattaya - Thái Lan. Tham gia ngày "Hội hoạ kết nối" hoạt động xã hội, phát triển sự gắn kết trong giới trẻ Việt Nam. Tham gia chương trình Hành trình "niềm tin & hy vọng" 220 người khuyết tật thực hiện hành trình 7 ngày qua các tỉnh miền Trung.
Lớp tin học của trung tâm Nghị lực sống.
Năm 2011, Vân tiếp tục Cùng với Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng CTD tổ chức khóa học về Kỹ năng sống dành cho NKT. Kêu gọi ủng hộ bánh kẹo, đồ ấm và quà cho 40 em bé dân tộc tại Sa Pa. Tổ chức trung thu cho khoảng 500 em bé dân tộc Thái ở 2 điểm là xã Phúc Sơn và xã Hồng Ca thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Tổ chức cho người khuyết tật đi bộ và tự lăn xe với mục đích tự tin hòa nhập toàn diện với cuộc sống cũng như xóa bỏ ý nghĩ "không thể". Năm 2013 Thảo Vân còn tham gia nhiều chương trình hội thảo, đại diện nhóm người khuyết tật tham gia chương trình Ngày hội gia đình.
Với nghị lực phi thường, có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho cộng đồng NKT, và trẻ em nghèo khắp nơi vượt qua khó khăn, vươn lên sống có ích cho gia đình, xã hội từ năm 2005 đến nay, Vân đã nhận được nhiều giải thưởng. Cô gái nhỏ tật nguyền, vinh dự được Đài Truyền hình Việt Nam mời làm "Người đương thời năm 2005". Năm 2007, Vân được Đài Truyền hình Việt Nam mời giao lưu gặp gỡ "Người xây tổ ấm", nhận giải thưởng "Nhân tài đất Việt năm 2008", nhận giải thưởng 20 cá nhân xuất sắc "Cuộc thi Chim én năm 2009", nhận giải thưởng "Giải Băng Xanh năm 2011" do Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), và Ủy ban Điều phối các Hoạt động về Người khuyết tật (NCCD) trao tặng. Nhận giải thưởng "Tầm nhìn phụ nữ năm 2012" do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế tại Hà Nội trao tặng. Nhận giải thưởng 20 cá nhân xuất sắc. Cuộc thi Chim én 2013.
Có thể nói, Thảo Vân là một tấm gương điển hình về nghị lực phi thường, luôn miệt mài cống hiến công sức cho cộng đồng xã hội thật khiến mỗi chúng ta phải ngưỡng mộ khâm phục.
Được gặp, trò chuyện với cô, tôi rất cảm phục trước ý chí nghị lực, sự yêu đời, hóm hỉnh, hoạt bát và tràn đầy niềm tin khát vọng sống, cống hiến của cô. Với Vân: "Cuộc sống còn cho mình hơi thở là mình còn cố gắng để sống sao cho thật ý nghĩa", Vân chia sẻ. Là một người đồng cảnh, tôi thật vinh dự và hạnh phúc khi có một người bạn tài ba như Vân. Vân là một bông hoa tươi thắm toả ngát hương cho vườn hoa cuộc đời thêm tươi đẹp...
(Theo CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.