"Nữ hoàng điền kinh" Nguyễn Thị Oanh từng sống trong sợ hãi vì điều gì?

Đức Minh - Yến Linh (TH) Thứ tư, ngày 10/05/2023 21:46 PM (GMT+7)
Nguyễn Thị Oanh - cô gái vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 cho biết, cô từng sống trong cảm giác hụt hẫng, suy sụp khi mắc bệnh.
Bình luận 0

Nguyễn Thị Oanh từng mất tinh thần vì bệnh tật

"Cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh đã lập cú "hat-trick" tại SEA Games 32 với tấm HCV ở 3 nội dung, trong đó đặc biệt hơn cả là hai tấm HCV chỉ trong vỏn vẹn 30 phút ở 2 nội dung chạy 3.000m nữ vượt chướng ngại vật và 1.500m nữ. Tuy còn một nội dung thi đấu nữa vào ngày 11/5 là 10.000m, kỳ tích của Nguyễn Thị Oanh đã trở thành niềm tự hào và cảm hứng của hàng triệu người Việt Nam.

Nguyễn Thị Oanh và căn bệnh lạ từng khiến bác sĩ tuyên bố "không thể tiếp tục theo đuổi điền kinh" - Ảnh 1.

VĐV Nguyễn Thị Oanh. (Ảnh: FBNV)

Ít ai biết, Nguyễn Thị Oanh là con thứ 7 trong gia đình 8 anh em ở Bắc Giang. Gia đình đông anh chị em nên từ nhỏ, cô gái sinh năm 1995 đã chăm chỉ phụ giúp bố mẹ công việc gia đình, đồng áng. Thân hình nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, linh hoạt, Nguyễn Thị Oanh tích cực tham gia các giải thể thao phong trào trong trường học. Đến năm lớp 10, cô được tuyển lên đội năng khiếu TDTT Bắc Giang.

Chia sẻ với PV Dân Việt về những ngày tháng đầu tiên đến với điền kinh, Nguyễn Thị Oanh từng cho biết: "Lúc đó, nhiều người lo ngại do tôi có thể hình hạn chế, nặng chưa tới 40 kg và chỉ cao khoảng mét rưỡi. Nhưng nhờ cố gắng rèn luyện, tôi đã lấy được lòng tin của Ban Huấn luyện và từ đó được gọi vào đội tuyển quốc gia".

Năm 2013, ở tuổi 18, Nguyễn Thị Oanh giành cô giành được một tấm huy chương bạc tại SEA Games 27. Cô về đích sau nhà vô địch của kỳ SEA Games trước là vận động viên Rini Budiarti của Indonesia.

Biến cố lớn tạo nên kỳ tích

Cuối năm 2014, Nguyễn Thị Oanh gặp biến cố lớn. Cô kể lại với PV Dân Việt: "Kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc 2014 ở Nam Định trở về tôi bất ngờ bị phù, tăng cân đột ngột. Đi khám, bác sĩ bảo bị viêm cầu thận, có hội chứng thận hư. Bác sĩ cũng lưu ý tôi là thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng tới xương khớp, làm loãng xương, teo cơ, không thể vận động mạnh chứ đừng nói đến chuyện tiếp tục theo đuổi niềm đam mê điền kinh.

Hãy thử tưởng tượng thời điểm đó tôi mới 19 tuổi, bắt đầu giành được những thành tích đầu tiên trên đấu trường quốc tế (HCB 3000m vượt chướng ngại vật SEA Games 2013 – PV), đang chạy nhảy suốt ngày như vậy… mà bất ngờ phải nằm im trong viện, đi lại cũng phải hạn chế".

Nguyễn Thị Oanh và căn bệnh lạ từng khiến bác sĩ tuyên bố "không thể tiếp tục theo đuổi điền kinh" - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Oanh từng phải nghỉ tập do điều trị căn bệnh viêm cầu thận. (Ảnh: FBNV)

Nguyễn Thị Oanh cho biết, cô sống trong cảm giác hụt hẫng, suy sụp, rơi từ đỉnh cao niềm tin, khát khao khẳng định mình xuống vực sâu thất vọng: "Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ mình vô duyên với điền kinh thật rồi. Thể hình của tôi nhỏ bé, đến với điền kinh muộn khi đã 15 tuổi và chỉ biết nỗ lực tập luyện miệt mài với hy vọng ngày nào đó có thể bước lên bục cao nhất như các chị. Vậy mà cuối cùng tôi đã phải sớm dừng lại!".

6 tháng điều trị tại nhà, Nguyễn Thị Oanh vô cùng mất phương hướng. Sức khỏe yếu, sử dụng thuốc nhiều, ngoại hình của cô cũng bị ảnh hưởng. Gương mặt cô phù nề, mụn nổi khắp mặt, cổ, vai.

Nguyễn Thị Oanh và hành trình vượt qua giới hạn bản thân

Những tháng ngày nghỉ tập cũng khiến Nguyễn Thị Oanh nhận ra tình yêu cô dành cho điền kinh đã quá lớn. Cô tự động viên bản thân mình rằng không chỉ với VĐV thể thao mà với mọi người trong mọi ngành nghề, lĩnh vực của xã hội cũng đều gặp phải những khó khăn, thử thách. Nếu không thể vượt qua những "khúc cua" thì cũng không xứng đáng nhận được thành công.

Nguyễn Thị Oanh và căn bệnh lạ từng khiến bác sĩ tuyên bố "không thể tiếp tục theo đuổi điền kinh" - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Oanh giành chiến thắng vinh quang tại Campuchia. (Ảnh: Cao Oanh)

"Một thời gian sau khi điều trị, cơ thể tôi hồi phục dần, được các bác sĩ cho phép tập lại. Ban đầu tôi chỉ chạy vài vòng sân đã rất mệt. Những lúc ấy, nếu không có các đồng đội thì có lẽ tôi đã không vượt qua nổi giới hạn của bản thân. Các bạn tập xong thường nán lại tập cùng tôi, động viên, cổ vũ tôi, "kéo" tôi chạy. Với VĐV điền kinh khi đang yếu như vậy nếu tập một mình sẽ rất chán, không tập được nhiều" - Nguyễn Thị Oanh tâm sự.

Những ngày đầu tiên thi đấu trở lại ở giải điền kinh TP.HCM mở rộng tháng 7/2015, Nguyễn Thị Oanh chỉ tham gia nội dung tiếp sức 800m nữ cho Bắc Giang. Cô thấy đuối sức khi đặt chân lên đường chạy, bao nhiêu sức lực tích lũy trong thời gian tập luyện trước đó gần như tiêu tan hết. Lúc đó, Nguyễn Thị Oanh vô cùng tuyệt vọng, cô không tin mình có thể quay lại với thể thao chuyên nghiệp.

Với sự động viên, an ủi từ HLV Trần Văn Sỹ, Nguyễn Thị Oanh đã kiên trì tiếp tục tập luyện và thi đấu. Cô vượt qua nhiều thất bại, rồi trở lại đỉnh cao ở SEA Games 29 năm 2017 (giành 2 HCV 1500m, 5000m) và SEA Games 30 năm 2019 (3 HCV 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật).

Những thành tích tại SEA Games 32 một lần nữa khẳng định Nguyễn Thị Oanh là "báu vật" của điền kinh Việt Nam. Không chỉ tỏa sáng bởi tài năng, cô gái sinh năm 1995 còn là biểu tượng của sự quyết tâm, nỗ lực, của khao khát chiến thắng những nghịch cảnh trong cuộc đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem