“Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh báo mất trộm tài sản tiền tỷ, đối tượng trộm cắp có thể bị xử lý ra sao?

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 31/03/2021 08:40 AM (GMT+7)
Trường hợp có căn cứ xác định "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh bị mất tiền tỷ, đối tượng trộm cắp tài sản sẽ bị xử lý về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt tù có thể lên đến 20 năm.
Bình luận 0

"Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh trình báo bị mất đồ

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 30/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Thủ Đức phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM cho biết, vừa tiếp nhận đơn trình báo của Trịnh Ngọc Trinh (hay còn gọi "Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh, SN 1989, ngụ tỉnh Trà Vinh, trú TP.HCM) về việc bị mất trộm bộ sưu tập đồng hồ hàng hiệu lên gần 10 tỷ đồng.

Trịnh Ngọc Trinh được biết đến với vai trò là người mẫu, diễn viên. Cô từng được mệnh danh là "nữ hoàng nội y". Ngọc Trinh sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Trà Vinh. Sau đó, Ngọc Trinh từng có nhiều phát ngôn gây sốc trên các trang mạng, báo chí.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, với những khu vực nhà ở cao cấp hệ thống an ninh sẽ tốt hơn các khu vực khác, sẽ có nhiều bảo vệ và nhiều camera giám sát ở trong khu vực trong khuôn viên tòa nhà và ở những khu vực công cộng.

Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ xác định làm rõ thời điểm mất trộm là thời điểm nào và tại thời điểm đó trên hiện trường vụ án những ai có mặt để khoanh vùng đối tượng. Với những thông tin từ phía người bị hại, thông tin từ những người làm chứng và những hình ảnh camera trích xuất được trong khu vực cơ quan điều tra có thể xác định được hình ảnh, đặc điểm của đối tượng gây án.

Đủ căn cứ, đối tượng trộm tiền tỷ của “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

"Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh vừa trình báo với cơ quan chức năng về việc bị trộm vào nhà lấy trộm đồ trị giá gần 10 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra sẽ phong tỏa hiện trường, lấy lời khai người làm chứng và thu thập các dấu vết trên hiện trường, tìm kiếm dấu vân tay để lại của đối tượng và những dấu vết cậy khoá, lục lọi để xác định được đặc điểm hung thủ, manh mối để tiếp tục điều tra...

Trong trường hợp nạn nhân đi vắng hoặc ban đêm đối tượng muốn trộm cắp được tài sản phải bẻ khóa, cậy khóa hoặc đột nhập từ phía tầng thượng. Trong các tình huống đó sẽ để lại dấu vết trên hiện trường.

Còn trường hợp đối tượng có chìa khóa để mở cửa vào nhà sẽ ít để lại dấu vết, trong tình huống này rất có thể đó là người quen đã có được chìa khóa bằng cách đánh thêm chìa khóa trong những lần tiếp xúc với nạn nhân...

Đặc điểm của các đối tượng trộm cắp tài sản là lén lút, lục lọi, tìm kiếm. Bởi vậy, hiện trường trong những vụ án trộm cắp tài sản thường sẽ bị xáo trộn. 

Để trộm cắp được tài sản đối tượng trộm cắp sẽ lục lọi, tìm kiếm khiến những vật dụng trong phòng sẽ không còn nguyên vẹn, không còn ở nguyên vị trí, thường sẽ để lại rất nhiều dấu vết khác nhau trên hiện trường...

Để xác định thông tin trình báo tố giác tội phạm của người tố giác có đúng sự thật hay không cơ quan điều tra sẽ xác định dấu vết trên hiện trường, xác định đặc điểm của đối tượng gây án, đồng thời sẽ xác định được đặc điểm của tài sản, giá trị tài sản bị trộm cắp.

Đối tượng trộm cắp có thể bị phạt tù

Cơ quan điều tra sẽ làm việc, lấy lời khai với người bị hại để xác định nguồn gốc và giá trị thực sự của những tài sản bị trộm cắp. Những giấy tờ tài liệu chứng minh giá trị tài sản sẽ là những giấy tờ hóa đơn mua bán, hình ảnh để xác định chủng loại, mẫu mã, nguồn gốc suất xứ, trên cơ sở đó sẽ so sánh với giá trị trên thị trường để xác định được tài sản bị mất.

Trong trường hợp thu giữ được tài sản sẽ tiến hành định giá bằng cách thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản bị trộm cắp. Trong trường hợp có căn cứ xác định tài sản bị trộm cắp nhưng không thu giữ được sẽ định giá với giá trị tài sản cùng loại trên thị trường...

Đủ căn cứ, đối tượng trộm tiền tỷ của “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Để chứng minh một vụ án hình sự trộm cắp tài sản cơ quan điều tra phải chứng minh được có tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên bị mất, đã xác định được hiện trường vụ án, xác định được thời điểm xảy ra vụ việc và có những thông tin nghi ngờ về đối tượng gây án...

Trường hợp có căn cứ xác định đối tượng lấy tài sản của Ngọc Trinh sẽ bị xử lý về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự 2015. Với tội danh này, nhóm đối tượng gây ra vụ việc sẽ bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm tù.

Theo luật sư Cường, trường hợp Ngọc Trinh không xuất trình được tài liệu chứng cứ nào chứng minh là bị mất tài sản, không thu thập được dấu vết gì trên hiện trường, không có căn cứ cho thấy có người đột nhập cơ quan điều tra cũng sẽ kết luận là không có việc mất tài sản.

Trong trường hợp người nào vì muốn nổi tiếng hoặc vì động cơ cá nhân mà đưa tin sai sự thật về việc mất trộm khiến cơ quan chức năng phải mất thời gian xác minh tìm hiểu người đó sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi đưa tin sai sự thật.

Theo điểm b, khoản 2 Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, an toàn xã hội, hành vi "Báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền" sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng 1 triệu đồng. Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định người đưa thông tin mất trộm là tin giả người này sẽ bị phạt đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Điều 5, Nghi định số 167 nêu trên.

Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội trộm cắp tài sản cụ thể như sau:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem