Nữ kế toán chiếm đoạt tiền tỷ bằng bút "phù thủy"

Thứ tư, ngày 27/04/2016 06:56 AM (GMT+7)
Sau khi các tổ trưởng ký vào bảng lương công nhân, các con số biến mất, Nga điền lại số mới, chiếm đoạt tiền tỷ.
Bình luận 0

Ngày 26.4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết sau bốn tháng truy nã, đã bắt giữ Nguyễn Thị Tuyết Nga (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) khi đối tượng này đang lẩn trốn tại Lâm Đồng. Nga nguyên là kế toán thanh toán kiêm thủ quỹ Công ty cổ phần Đầu tư kiến trúc và xây dựng DTC ở TP.Biên Hòa (công ty), bị điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

img

Bị can Nga. Ảnh: AS. Bút “phù thủy”.

Theo điều tra ban đầu, tháng 9.2014 Nga được giao nhiệm vụ làm kế toán thanh toán kiêm thủ quỹ, quan hệ giao dịch mua vật tư xây dựng và giữ con dấu của công ty. Trong thời gian làm việc, Nga đã móc nối với Huỳnh Thị Thanh Phượng (kế toán công nợ của công ty) thực hiện việc nâng khống các bảng lương công nhân.

Nga tìm mua một cây bút “phù thủy” - loại bút bay mực sau vài giờ - đưa cho Phượng lập bảng lương công nhân cho các tổ trưởng xây dựng ký nhận. Sau khi các tổ trưởng ký, số trên bảng lương biến mất, Phượng ghi lại các con số trên bảng lương theo yêu cầu của Nga rồi chiếm đoạt tiền chênh lệch.

Để che giấu việc chiếm đoạt tiền, Nga lại đưa cho Phượng một cây viết có khả năng tẩy xóa những con số để nâng khống tiền ghi trong sổ thủ quỹ.

Bằng thủ đoạn này, Nga và Phượng đã chỉnh sửa hàng trăm bảng lương, sổ quỹ, phiếu đề xuất… tại các công trình xây dựng trụ sở Thành ủy Biên Hòa; công trình trụ sở làm việc Chi cục Thuế huyện Nhơn Trạch chiếm đoạt tiền của công ty.

Ngoài sử dụng bút “phù thủy”, Nga và Phượng còn ký giả giấy giới thiệu đi nhận tiền của đối tác hoặc vờ chi nhầm rồi đến nhận lại tiền mà không trả cho công ty.

Bước đầu công an xác định Nga chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng. Sau khi công an có quyết định khởi tố, Nga bỏ trốn, bị Công an tỉnh Đồng Nai truy nã.

Công an đang làm rõ vai trò của từng người trong vụ lừa đảo này.

Bút “phù thủy” có mực là chất hóa học, thành phần gồm ethanol, dung dịch kiềm và chất thymolphthalein (chất chỉ thị acid bazơ). Trong môi trường kiềm, thymolphthalein có màu xanh, khi độ pH < 9,3 mực sẽ không còn màu. Sau khi viết lên giấy, mực hấp thu CO2 trong không khí làm giảm pH của mực dẫn đến mất màu sau vài giờ đến vài ngày. Muốn làm nổi lại chữ, nhúng giấy vào nước vôi trong.

Tiến Dũng (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem