Còn đúng một năm nữa, nhà báo Nguyễn Thị Phương Liễu (Báo Đồng Nai) sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng khi trò chuyện với chị, tôi vẫn không nghĩ chị đã ở cái tuổi 55, đã 31 năm gắn bó với nghề báo và đoạt ngót trăm giải thưởng.
Tháng 6, khi những người làm báo đang náo nức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm nghề, tôi chợt nghĩ phải viết về chị - một đồng nghiệp mà tôi rất đỗi trân quý. Dù chị ở cách xa cả nghìn cây số, nhưng trong mắt tôi, chị là một nhà báo thân thiện và luôn hừng hực "lửa" nghề.
Trong cuộc phỏng vấn sâu nhưng thực chất là cuộc trò chuyện không đầu không cuối với chị, nhà báo Phương Liễu đã chia sẻ với tôi những câu chuyện chưa từng kể về chặng đường hơn 30 năm làm nghề.
Chia sẻ cơ duyên "nhen nhóm" với nghề báo, chị nói cách đây 45 năm, hồi đó ba chị thường đọc báo "Công giáo Dân tộc". Trong tờ báo này có một góc dành cho thiếu nhi mà chị rất thích. Đọc nhiều rồi ngấm, ngấm rồi thích, thế là viết. "Lúc đó, tôi học lớp 4. Một ngày nọ, bất ngờ ba đưa cho tôi tờ báo, trong đó có đăng mẩu chuyện của tôi viết… Thì ra, ba đã lén lấy "bài viết" của tôi gửi cho tờ báo và khuyến khích tôi tiếp tục viết. Cầm tờ báo có "bài" của mình, có tên của mình, tôi vui lắm" – chị kể.
"Tôi thích thử sức mình qua các cuộc thi. Tìm hiểu, tiên lượng cuộc thi nào có khả năng đoạt giải thì quyết tâm tham gia. Mà đã tham gia thì phải nghiêm túc đầu tư cho tác phẩm từ thai nghén đề tài, thu thập thông tin đến cách thể hiện".
Nhà báo Phương Liễu
Chị đã "bén duyên" với nghề báo bắt đầu từ đấy. Những bài viết tiếp tục được in trên những tờ báo thiếu nhi như: Báo Khăn Quàng đỏ, Hoa Phượng đỏ… Lúc còn là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP.HCM, chị cộng tác cho một vài tờ như: Kiến thức Ngày nay, Sinh viên Ngày nay, Phụ nữ TP.HCM… Ba tháng sau khi ra trường, chị "đầu quân" cho báo Đồng Nai với việc làm "lính" nhập tin, bài.
Song, chính trong 3 năm ngồi nhập tin bài, nhà báo Phương Liễu đã học được cách viết báo qua những bài báo của các anh chị đi trước. Thời đó, báo Đồng Nai tuần ra 3 số, nên ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, chị đã tập tành đi viết, đặc biệt là phóng sự xã hội, hầu như bài báo nào của chị cũng đều được đăng và thưởng chất lượng.
Thấy chị có "tiềm năng" làm báo, cố nhà báo Nguyễn Tất Đắc, lúc đó là Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Nai đã quyết định chuyển chị sang làm phóng viên. "Được chính thức cầm bút, tôi như cá gặp nước, như chim trời được bay trên đôi cánh của mình. Kể từ ngày ấy, nghề báo đã trở thành cái nghiệp của cuộc đời" – chị bộc bạch.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề - quãng thời gian đủ dài để nhà báo Phương Liễu hiểu được mình đã nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc. Hơn 30 năm làm báo, nhà báo Phương Liễu cũng từng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như: Đe dọa, tống tiền thậm chí là đòi… kiện ra tòa.
Nghĩ lại, chị vẫn còn thấy… "ớn" là sau một bài viết về hoạt động vì cộng đồng của một nhóm đồng đẳng HIV, chị đã bị một người nhiễm HIV trở mặt tống tiền và đe dọa cho lây nhiễm HIV, dù trước đó đã đồng ý cho chị viết bài, chụp ảnh và đăng báo. Song, với bản lĩnh của một nhà báo từng trải, cách xử lý khéo léo và sự chân thành của một người đồng cảm với những số phận mang "án tử" AIDS, chị đã nhận lại được sự yêu quý của người đã từng dọa cho nhiễm HIV.
Bên cạnh những "tai nạn" nghề nghiệp thì nhà báo Phương Liễu cũng tự hào khi có những bài viết lan tỏa hiệu ứng tích cực. Một trong những dấu ấn đáng tự hào của chị, đó là loạt bài viết về đồi Bằng Lăng (ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) – nơi có một cộng đồng dân cư bị… lãng quên. Băng rừng, lội suối, chị tìm gặp những cư dân này và đưa họ ra… "ánh sáng".
Đồi Bằng Lăng thập niên 90 là thuộc Trường bắn quốc gia khu vực 3. Ở sâu trong căn cứ rừng lá có khoảng 20 hộ dân với hơn trăm nhân khẩu. Bắt đầu từ một vài hộ vào rừng khai phá đất trái phép, rồi sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng. Do sợ bị đuổi ra khỏi nơi sinh sống, những cư dân ở vùng đất "4 không" này (không đường, không trường, không trạm, không giấy tờ tùy thân) đã sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Sau khi loạt bài 3 kỳ "Đồi Bằng Lăng – vùng đất "4 không" được đăng tải trên báo Đồng Nai, chính quyền vào cuộc và những hộ dân này được cấp đất, người lớn được làm CMND, trẻ con được làm giấy khai sinh, được ra ngoài đi học; đồi Bằng Lăng rồi cũng có đường, có điện và y tế thôn bản…
Nữ nhà báo cứ thi là... ẵm giải
Có trong tay ngót trăm giải thưởng, nhà báo Phương Liễu được nhiều đồng nghiệp gọi là "Nhà báo mắn giải", "Nữ hoàng giải thưởng", "Người chuyên săn giải", "Người có duyên với giải thưởng"… Bởi thế, mỗi khi chị ra Hà Nội, đồng nghiệp quen biết lại chúc mừng. Chị cười hóm hỉnh: "Dường như mọi người đã quen với việc tôi ra Hà Nội chỉ để nhận giải thưởng".
Quả thực, nhắc đến nhà báo Phương Liễu, nhiều đồng nghiệp quen biết chị không lạ lẫm với việc chị liên tục nhận các giải thưởng báo chí từ cấp địa phương đến Trung ương và các bộ, ngành. "Đã không thi thì thôi, thi là phải đầu tư cho tác phẩm"- đó chính là quyết tâm mà chị đặt ra cho mình. Điều này cũng trả lời câu hỏi vì sao chị cứ thi là… ẵm giải.
Chị kể, hồi mới vào nghề, thấy các anh chị thế hệ trước nhận giải này, giải kia, chị thường nhủ lòng: "Người ta làm được, mình cũng phải làm được". Bởi thế, suốt 30 năm miệt mài, nghiêm túc, đi và viết, nhà báo Phương Liễu đã "gặt hái" được rất nhiều giải thưởng. "Tôi thích thử sức mình qua các cuộc thi. Tìm hiểu, tiên lượng cuộc thi nào có khả năng đoạt giải thì quyết tâm tham gia. Mà đã tham gia thì phải nghiêm túc đầu tư cho tác phẩm từ thai nghén đề tài, thu thập thông tin đến cách thể hiện" – chị nói.
Tâm sự với tôi, năm 1997, loạt bài 3 kỳ "Đường đi của rác thải nguy hại" (từng đoạt 1 giải Nhất và 1 giải A cấp Bộ và cấp tỉnh), chị đã phải đeo bám, điều tra đến 4 tháng mới thu thập đủ thông tin để "phá" được một công ty xử lý chất thải công nghiệp nguy hại ở Đồng Nai "tuồn" thẳng chất thải nguy hại công nghiệp ra môi trường thay vì phải xử lý tốn kém. Loạt bài ấy gây hiệu ứng tức thì khi ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh và ngành môi trường đã cho điều tra và xử lý mạnh tay với công ty này, đồng thời chấn chỉnh hoạt động xử lý chất thải nguy hại công nghiệp trên toàn địa bàn.
Không chỉ đoạt nhiều giải thưởng ở lĩnh vực môi trường, mà chị còn có duyên với những giải thưởng ở các lĩnh vực khác như y tế, tiết kiệm năng lượng, công nhân công đoàn, KHCN, GDĐT… Tự nhận mình là một nhà báo năng động, dễ gần, nhà báo Phương Liễu cho rằng đó cũng là một điểm cộng khi chị dễ dàng tiếp cận được với những nhân vật được cho là khó tính. Ngẫm lại gần 30 năm làm báo, chị thấy may mắn khi chọn đúng nghề mình yêu thích.
Với "kho" 99 giải thưởng (gần 90 giải báo chí, còn lại là giải văn chương) và hơn 40 bằng, giấy khen thành tích từ nghề báo, nhà báo Phương Liễu chia sẻ, không biết chừng ấy là nhiều hay ít, chỉ biết rằng chị đã có chừng ấy niềm vui và kha khá tiền thưởng để "đãi" chồng con, bạn bè, đồng nghiệp…
Trò chuyện với chị, tôi như được truyền thêm cảm hứng đam mê nghề. Chị gửi lời đến những nhà báo trẻ kinh nghiệm sâu sắc mà chị tâm đắc và đã "sống" với nó suốt hơn 30 năm qua, đó là: "Hãy đi và viết. Nhất định nghề sẽ không phụ mình!".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.