Nữ sinh Hà Nội "sốc" bỏ nhà đi vì thi trượt vào lớp 10: "Một phần do cha mẹ và thầy cô giáo"
Từ vụ nữ sinh bỏ nhà đi vì trượt lớp 10: "Thành tích của con nên là một thông tin riêng tư"
Tào Nga
Thứ hai, ngày 11/07/2022 12:46 PM (GMT+7)
Vụ nữ sinh Hà Nội bỏ nhà đi vì trượt lớp 10 gây xôn xao dư luận, chuyên gia giáo dục cho rằng, các phụ huynh nên giới hạn sự chia sẻ thành tích quá mức của con mình lên mạng xã hội, thành tích của con cũng nên được hiểu là một thông tin riêng tư.
Mới đây, một nữ sinh thi trượt lớp 10 bỏ nhà ra đi khiến dư luận xôn xao. Người mẹ đã phải lên mạng "cầu cứu" mọi người ai biết thì liên hệ với gia đình và nhắn nhủ con: "Nếu đọc được dòng tin này, xin con quay về với bố mẹ. Bố mẹ chỉ cần có con quay về, bố mẹ sẽ giúp con vượt qua mọi khó khăn".
Cụ thể, em T.T.N.M, nhà tại Hoàn Kiếm, Hà Nội đã sốc do kết quả thi không tốt nên đã bỏ ăn rồi viết thư để lại thư chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà từ 17h ngày 9/7/2022. Em không mang theo tiền, giấy tờ tuỳ thân, điện thoại liên lạc, và đã xoá toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo nên gia đình không có cách nào liên hệ.
Sự việc gây quan tâm, chú ý bởi cơn sốt điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 chưa hạ nhiệt. Nhiều gia đình đang "ngồi trên đống lửa" khi con không may mắn trượt hết các nguyện vọng. Áp lực trượt vào lớp 10 quá lớn, đè nặng lên tâm lý của phụ huynh và học sinh.
Liên quan đến vụ việc nữ sinh bỏ nhà đi vì kết quả thi không tốt, trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho hay: "Qua câu chuyện này chúng ta cũng rút ra một điều quan trọng là không nên khoe thành tích của con lên mạng. Thực tế cho thấy, sau mỗi kỳ thi, rất nhiều phụ huynh có con trúng tuyển có tâm lý khoe con lên mạng. Tuy nhiên, với đứa trẻ thành công, việc khoe thành tích con lên mạng cũng tạo áp lực cho đứa trẻ đã thành công tiếp tục phải thành công trong tương lai.
Ai dám chắc rằng con mình sẽ không bao giờ gặp thất bại? Và nếu một đứa trẻ quen thành công khi gặp thất bại... lại bị so sánh và tiếp cận với rất nhiều sự thành công của người khác trên mạng sẽ có tâm trạng như thế nào? Bố mẹ hãy nghĩ tới tình huống đó để giới hạn bớt sự chia sẻ thành tích quá mức của con mình lên mạng xã hội. Thành tích của con cũng nên được hiểu là một thông tin riêng tư".
Còn với những học sinh không vào trường mong muốn hoặc trượt hết các nguyện vọng vào lớp 10, PGS.TS Trần Thành Nam nhắn nhủ: "Sau mỗi thất bại, chúng ta thường trải qua một loạt cảm giác tiêu cực như lo lắng, thất vọng, xấu hổ tự trách và xuất hiện một số suy nghĩ tiêu cực về bản thân như mình là kẻ thất bại, mình thật vô dụng, mình chẳng thể nào khá hơn được, thế là hết… cùng với nhiều hành vi như thu mình lại, so sánh bản thân mình với những người xung quanh để rồi càng cảm thấy tiêu cực hơn.
Càng trước những kỳ thi quan trọng mang tính bước ngoặt, thất bại lại càng là một sang chấn tâm lý lớn mà nếu không được hỗ trợ đúng cách, không ứng phó một cách phù hợp, nhiều hệ quả tiêu cực có thể xảy đến với các em học sinh, làm thay đổi cả con đường tương lai, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của các em.
Phần lớn các em đều không biết một sự thật là chúng ta học được từ thất bại của bản thân nhiều hơn nhiều so với việc học từ bài học thành công của người khác. Và cách tốt nhất để đương đầu với một thất bại to lớn là hãy đón nhận cảm xúc. Chúng ta hãy sẵn sàng thảo luận với cha mẹ về những con đường, kế hoạch để tiến về phía trước. Đừng có mắc kẹt trong suy nghĩ "tôi là kẻ thất bại nữa" mà hãy tập trung vào suy nghĩ "tôi sẽ thử lại một lần nữa" và điều tôi sẽ làm tiếp theo là…
Cha mẹ hãy nói để con hiểu rằng thất bại là một phần của cuộc sống. Nó không phải là một đặc điểm hay một thuộc tính nhân cách của con. Chúng ta cần xem thất bại như một vấn đề có thể được giải quyết. Và thường thì những người thành công nhất luôn có những vấn đề khó giải quyết như thế. Vì thế, hãy nhớ, chúng ta sẽ luôn làm mọi thứ tốt hơn trong tương lai".
Đừng tạo thêm áp lực cho con
Trao đổi với PV, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nêu quan điểm: "Đối với học sinh Việt Nam, có 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi vào lớp 10 và đại học. Phần lớn phụ huynh hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng con trước và sau kỳ thi nhưng trong thực tế không ít phụ huynh tạo áp lực cho con, bắt con phải đỗ vào trường nọ trường kia".
Theo Tiến sĩ Cường, trong những vụ việc như vậy, trước tiên phải nhìn từ phía phụ huynh, liệu có khiến con không có chỗ dựa, không có nơi an ủi, khiến con không tự tin khắc phục sửa chữa? Khi một sự việc xảy ra, một học sinh bỏ nhà ra đi, sốc tâm lý, tự tử, cha mẹ và thậm chí cả thầy cô giáo cần nhìn nhận lại...
Tiến Sĩ Cường cũng cho rằng: "Thực tế không ít học sinh tự tạo áp lực cho mình chứ không phải do cha mẹ. Vì vậy, khi vụ việc xảy ra, cha mẹ nên báo ngay với cơ quan công an tích cực tìm kiếm và có những can thiệp kịp thời, tránh để các em nghĩ quẩn ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp như vậy dễ bị lạm dụng, xâm hại thân thể. Mỗi mùa thi cử đi qua, không phải phụ huynh, học sinh nào cũng đạt được kết quả như ý nguyện mong muốn. Dù là gì phụ huynh cũng nên đồng cảm. Nếu con thi trượt, cha mẹ phải là người động viên để cho con có cơ hội làm lại tốt hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.