Nhìn người phụ nữ không may mắc bệnh ung thư ngượng ngùng về cái đầu trọc, những nữ sinh ấy không ngại ngần cắt đi mái tóc mượt mà của mình, gửi vào Thư viện ngực giả, tóc giả của “Mạng lưới ung thư vú Việt Nam” đã góp phần “làm đẹp” cho những bệnh nhân bất hạnh.
Trong giây phút nhìn từng cọng tóc nuôi nấng suốt mấy năm trời rơi xuống, họ không tiếc nuối, chỉ cảm thấy vui vì mình đang làm việc có ích cho đời.
“Tóc ngắn thì có thể dài ra”
Trương Lý Thảo Như (sinh viên năm thứ 2 - Đại học Tài chính – Maketing TP.HCM) từng là một cô gái rất thích nuôi tóc dài nhưng đây là lần đầu tiên cô cảm thấy tự tin với mái tóc ngang vai. Cô hồ hởi chia sẻ: “Trước đó mình chỉ để tóc dài, ngắn nhất cũng đến ngang lưng. Giờ bỗng dưng để tóc ngang vai thấy lạ. Đôi khi nhìn mình trong gương cũng thấy không quen mắt cho lắm".
Thảo Như tự tin với mái tóc mới
Như cắt tóc không phải vì muốn thay đổi phong cách, mà cắt vì muốn “làm đẹp” cho bệnh nhân ung thư. Khi làm tình nguyện cho chiến dịch “Mạnh hơn sợ hãi”, Như được biết về “Thư viện ngực giả, tóc giả” của Dự án “Mạng lưới ung thư vú Việt Nam” với mục đích giúp các nữ bệnh nhân ung thư có được mái tóc như người bình thường.
Cô bạn đã không ngần ngại cắt đi mái tóc dài ngang lưng được nuôi gần hai năm qua, chỉ để giúp những người phụ nữ bất hạnh xóa đi mặc cảm về cái “đầu trọc”.
Thảo Như tâm sự: “Tóc em ngắn thì có thể dài ra. Còn tóc của những bệnh nhân ung thư khi rụng đi rồi thì chẳng bao giờ mọc lại được nữa. Em là con gái nên biết, mái tóc quan trọng thế nào. Không còn tóc nữa, họ sẽ rất mặc cảm, chứ chưa nói đến chuyện hàng ngày phải chiến đấu với sự đau đớn của bệnh tật”.
Trước đó, tóc Thảo Như rất dài
Cũng giống Thảo Như, Trần Kim Ngân (sinh viên năm thứ hai, ngành Ngân hàng, trường Đại học Tài chính – Maketing) đã cắt đi mái tóc dài nuôi suốt 4 năm và chuyển đến thư viện đặc biệt trên.
Ngân chia sẻ, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy những nữ bệnh nhân ung thư ngượng ngùng về cái đầu trọc, bạn đã muốn làm điều gì đó giúp họ. Nhưng cho đến gần đây, khi biết về thư viện tóc giả, cô bạn mới có cơ hội làm việc đó.
Kim Ngân tâm sự: “Mình từng thấy nhiều cô không may mắc bệnh ung thư rụng hết tóc cứ phải đội mũ len, vấn khăn để che đầu trọc. Nếu thay vào đó là những mái tóc (dù là giả) thì đẹp hơn biết bao nhiêu. Bởi vậy, khi biết đến chương trình này, mình đã không ngần ngại xuống tóc để ủng hộ những người kém may mắn".
Nhìn mái tóc mới, Ngân cười đùa: “Mình để tóc ngắn cũng hợp đấy chứ! Nếu không có chiến dịch này, chắc còn lâu mình mới đủ can đảm cắt tóc”.
Kim Ngân không ngần ngại "hiến" mái tóc dài cho bệnh nhân ung thư
Thấy hành động nhân văn của các bạn, Nguyễn Thị Phượng (sinh viên năm 2, ngành Thương mại quốc tế, ĐH Tài chính – Maketing) đang chờ tóc “lớn” từng ngày để đượchiến tặng. Phượng cho biết, cô có thể hiến tóc bây giờ nhưng muốn nuôi nó dài hơn một chút thì làm tóc giả sẽ đẹp hơn.
- Dự án Mạng lưới ung thư vú Việt Nam là dự án phi lợi nhuận của Doanh nghiệp Xã hội NAVI DECOM được xây dựng để cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về bệnh Ung thư vú cho cộng đồng, đồng thời hỗ trợ về thể chất, tinh thần cho bệnh nhân ung thư.
- Thư viện tóc giả được thành lập từ tháng 8/2013 nhằm giúp cải thiện chất lượng sống của phụ nữ mắc bệnh ung thư vú trong quá trình điều trị hóa chất.
|
Cô nữ sinh này dự định, đến Tết nguyên đán 2015 sẽ “xuống tóc” để gửi vào thư viện tóc giả.
Không chỉ hiến tóc, Thảo Như và nhóm của mình còn vận động các bạn nữ khác tham gia chiến dịch. Bằng cách kêu gọi trực tiếp và thông qua facebook, Như đã tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của hành động này.
Cô bạn chia sẻ, mái tóc với bạn nữ nào cũng quý nhưng với những người phụ nữ không may mắn mắc bệnh ung thư, nó còn đáng giá gấp bội lần.
Niềm vui khi được làm đẹp
Được đội những mái tóc giả miễn phí, thay bằng đội mũ, vấn khăn, những nữ bệnh nhân không may mắc bệnh ung thư cảm thấy tự tin hơn khi đối diện với mọi người.
Đón nhận mái tóc mượt mà từ Thư viện tóc giả, chị Thùy (27 tuổi, Hà Nội) không khỏi nghẹn ngào. Chị cho biết, mẹ chị đã chiến đấu với căn bệnh ung thư vú suốt 6 năm qua, đồng nghĩa với việc suốt 6 năm ròng rã, mẹ chị sống trong sự mặc cảm với mái đầu trọc.
“Những đợt xạ trị khiến tóc mẹ mình rụng dần. Lần đầu tiên nhìn cái đầu trọc trong gương, mẹ mình khóc nức nở. Về sau đến soi gương mẹ cũng không dám...” – chị Thùy chia sẻ.
5 tháng trở lại đây, khi mượn được mái tóc giả từ “thư viện đặc biệt”, mẹ chị Thùy đã tự tin hơn nhiều. Chị cho biết thêm, mẹ chị đã vui vẻ hơn khi gặp mọi người, vui vẻ bước ra đường - điều mà trước đây mẹ chị luôn lảng tránh. Đội mái tóc xoăn ngang vai lên đầu khiến mẹ chị rất thích thú.
Chị Thùy và mẹ càng xúc động hơn khi biết mái tóc ấy có được từ hành động “hiến tóc” của các bạn trẻ. Chị không ngờ, các bạn lại có suy nghĩ chín chắn và hành động nhân văn đến thế. “Có lẽ, chỉ có những nữ bệnh nhân ung thư mới cảm nhận hết được ý nghĩa của hành động này, khi họ có tóc trên đầu và tự tin bước ra đường mà không còn mặc cảm” – chị Thùy xúc động.
Chị Thủy Tiên (bên phải) - điều phối mạng lưới ung thư vú Việt Nam
Bạn Lê Phương Thảo (học sinh trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh) – hiện đang làm việc trong Thư viện ngực giả, tóc giả (Hà Nội) cho biết: “Chiến dịch mới đi vào hoạt động nhưng thư viện đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ từ các bạn trẻ. Những mái tóc gửi về đây, chúng mình sẽ đem bán, rồi lấy tiền đó mua tóc giả và gửi đến các bệnh nhân ung thư. Chúng mình rất mong muốn, sau này có thể tự làm ra những bộ tóc giả từ những bộ tóc thật các bạn trẻ gửi đến”.
Chị Thủy Tiên (điều phối Mạng lưới ung thư vú Việt Nam) chia sẻ: “Trong suốt quá trình làm dự án, tôi đã chứng kiến nhiều người phụ nữ bất hạnh không có tiền mua tóc giả hoặc chấp nhận sự nghiệt ngã của căn bệnh mà chỉ đội khăn len, mũ len… Chính vì vậy tôi muốn cùng các bạn trẻ phát triển thư viện ngực giả, tóc giả nhằm hỗ trợ là đẹp cho những bệnh nhân ung thư”.
Có những bát cơm tình nguyện, những cuốn sách tình nguyện… và giờ đây còn có cả những “mái tóc” tình nguyện khiến không ít bệnh nhân cảm thấy ấm lòng hơn khi phải chống chọi với bệnh tật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.