Nữ sinh lớp 12 sáng chế thiết bị học toán thông minh cho người khiếm thị
Nữ sinh lớp 12 sáng chế thiết bị học toán thông minh cho người khiếm thị
Thứ sáu, ngày 12/11/2021 18:37 PM (GMT+7)
Với mục đích giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong quá trình lĩnh hội tri thức, Phạm Thị Thùy Trang (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chế tạo ra thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị. Dự án của Trang đã “bội thu” nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về sáng tạo và khởi nghiệp.
Trang manh nha dự án từ khi còn học lớp 10 và hoàn thiện sản phẩm trong vòng một năm, trong đó Trang mất 6 tháng để tìm hiểu về cộng đồng trẻ khiếm thị. Nói về điểm khởi phát của ý tưởng, Trang chia sẻ: “Trong một lần đi tham quan học tập ở trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. HCM), mình nhận thấy những em nhỏ khiếm thị nơi đây còn gặp khó khăn trong việc học tập, đặc biệt là môn Toán. Các em không xác định được kết quả phép tính của mình là bao nhiêu, dẫn đến việc không thể ghi vào vở. Còn đối với Toán hình, các em vẫn chưa nhận diện được các hình ảnh hình học. Từ đó, mình đã trăn trở rất nhiều và quyết định bắt tay vào thực hiện sản phẩm”.
Thiết bị của Trang bao gồm bảng chữ cái tiếng Việt lẫn tiếng Anh và bảng chữ số để phục vụ cho việc học Số học, giúp người khiếm thị tiếp xúc bằng tay với thiết bị có thể học chữ cái, học toán. Cụ thể, bàn phím được khắc chữ nổi Braille để người khiếm thị nhận dạng ký tự bằng cách sờ vào mặt nút, khi ấn xuống sẽ phát ra âm thanh của ký tự đó. Khi học toán, kết quả tính toán cuối cùng sẽ được thiết bị đọc lên, giúp học sinh khiếm thị có thể tự học.
Bên cạnh đó, mặt sau thiết bị là các hình ảnh hình học được khắc nổi. Trẻ khiếm thị có thể nhận dạng hình ảnh hình học cộng với công thức tính chu vi, diện tích của hình ảnh đó bằng cách sờ vào nút nhấn phía dưới mỗi hình để thiết bị phát ra âm thanh cung cấp thông tin.
Về tiện ích của thiết bị, Trang cho biết: “Nội dung học có thể thay đổi thông qua thẻ nhớ, nhờ đó trẻ có thể học luân phiên giữa hai bảng chữ cái khác nhau. Hình ảnh trên thiết bị được thiết kế trực quan, thay cho bảng sách chữ nổi đơn điệu để trẻ hứng thú hơn trong học tập. Ngoài ra, còn có thêm tính năng nghe nhạc và phát thời gian”. Đặc biệt, trẻ khiếm thính cũng có thể học trên thiết bị bằng cách kết nối với tai nghe trợ thính được đặt ở thiết bị. Đối với trẻ sáng mắt thì có thể học thông qua màn hình LCD.
'Những quả ngọt' đã gặt hái
Vì đang là học sinh 12 nên Trang gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Do đó, để dung nạp kiến thức, Trang đã tìm gặp cố vấn là thầy cô và đàn anh đi trước đến từ các trường: THPT Trần Văn Quan (Bà Rịa – Vũng Tàu), Cao đẳng Dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu), ĐH FPT (TP. HCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.
Kết quả, dự án đã giúp Trang thu về những thành tích ấn tượng như: Giải Nhất cuộc thi "Khoa học kỹ thuật" cấp tỉnh, giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" cấp tỉnh", giải Ba cuộc thi "Khoa học kỹ thuật" cấp quốc gia, giải Nhất cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng" cấp tỉnh, giải Khuyến khích cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc".
Đặc biệt, mới đây, dự án “Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị” của Trang đã mang về cho cô giải thưởng “Thí sinh ấn tượng nhất” trong cuộc thi dành cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ trên toàn quốc “Startup Wheel 2021”. Trang bày tỏ: “Nhờ có cuộc thi, mình đã học hỏi được rất nhiều từ Ban Tổ chức và các anh chị thông qua các buổi tập huấn. Mình luôn khát khao muốn trẻ khiếm thị sẽ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng một cách toàn vẹn, đặc biệt là đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, còn chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ. Chính giải thưởng đã tiếp thêm cho mình động lực trên con đường nghiên cứu khoa học kỹ thuật sau này”.
Hiện tại, Trang đang dồn toàn lực để ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Sau khi hoàn thành kỳ thi, Trang sẽ bắt tay vào việc hoàn thiện những tính năng của thiết bị để dự án của bản thân có thể đi xa hơn nữa trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.