Trong số những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc nhất năm nay, Lê Thị Nguyệt, sinh năm 1999, quê Hà Tĩnh gây ấn tượng bởi phong cách chỉn chu, nhanh nhẹn. Lê Thị Nguyệt là thủ khoa kép của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm học tập toàn khoá đáng nể 3.91/4.0; Điểm rèn luyện toàn khóa Xuất sắc.
"Hai lần được làm thủ khoa, em vô cùng vui nhưng cũng đầy áp lực. Ở cấp 3 thì vui vỡ òa nhưng trăn trở sẽ làm thế nào tốt hơn trong môi trường đại học tự học. Còn thủ khoa tốt nghiệp, sau khi em nghe tin, em cho phép được tự hào về bản thân một chút vì mọi nỗ lực của mình trong 4 năm qua được đền đáp xứng đáng. Sau đó, em có nhiều áp lực vì làm thế nào mình xứng đáng với danh hiệu, làm thế nào để kiến thức đó cống hiến công sức cho quê hương đất nước và làm thế nào để phát huy hết được năng lực của mình", Nguyệt thổ lộ.
Trước khi đến với ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nguyệt là nữ sinh chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Ba năm cấp 3 em đều là học sinh giỏi, lớp 12 đạt Thủ khoa môn Lịch sử cấp tỉnh, Giải Nhất cấp tỉnh, Khuyến khích cấp Quốc gia các môn Khoa học Kỹ thuật, là học sinh nhỏ tuổi nhất và duy nhất đại giải thưởng Lý Tự Trọng. Khi thi đại học, Nguyệt đạt điểm số xuất sắc với 28,5 điểm, trở thành thủ khoa đầu vào của trường.
"Em luôn có mục tiêu và nỗ lực của bản thân. Trước khi vào đại học em lập kế hoạch dài hạn và ngắn hạn. Trong 4 năm phải đạt được điều gì, dù khó khăn thế nào chỉ thay đổi cho phù hợp chứ không từ bỏ mục tiêu", Nguyệt chia sẻ.
Sau 4 năm là sinh viên, Nguyệt thổ lộ có lẽ thời gian khó khăn nhất là học kỳ 1 năm thứ nhất vì chuyển đổi môi trường, chuyển cách học nên cô chưa tìm được cách học hợp lý, chưa tìm được định hướng cho bản thân. Rất may sau đó, Nguyệt đã hiểu được cách vận hành phương pháp và cách thức học.
Tuy nhiên, áp lực nhất với Nguyệt chính là ở năm thứ 2, 3 vì học đến mức suy nhược thần kinh. Lúc đó, cô vừa tham gia nghiên cứu với các thầy cô, vừa đi học ở lớp, vừa đi học thực hành. Vốn dĩ là người ham học hỏi, Nguyệt đăng ký học thêm các kiến thức, kỹ năng bên ngoài nên lịch chồng chéo. Nữ thủ khoa kép thường xuyên phải thức đêm học bài và hoàn thành nhiều deadline yêu cầu học tập.
Nguyệt đã lấy cân bằng bằng cách đi ra quán cà phê sách vừa thư giãn đầu óc vừa trau dồi thêm kiến thức. Sau 4 năm học, Nguyệt "bỏ túi" 7/7 kỳ học bổng của trường cùng một số học bổng khác với thành tích xuất sắc.
Đam mê nghiên cứu khoa học, quyết định về quê làm việc
Yêu thích ngành công tác xã hội, đam mê nghiên cứu khoa học, Nguyệt đã mang về cho mình bộ sưu tập thành tích Bằng khen của Bộ GDĐT cho sinh viên đạt Giải ba Giải thưởng sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ năm 2019; bằng khen của BCH Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho sinh viên đạt giải Ba giải thưởng "Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – Euréka" năm 2019; giấy khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC)...
"Em vô cùng vui sướng khi tìm được niềm yêu thích, sự thích thú khi nghĩ ra đề tài mới hay đề tài góp ý nghĩa cho đối tượng ngành của mình. Mặc dù khi tiến hành nghiên cứu em đều gặp thử thách, khó khăn vì đây là đối tượng yếu thế như trẻ tự kỷ, khuyết tật, nghiện ma túy. Ví dụ trẻ tự kỷ, rất khó để biết các em đang gặp vấn đề gì để hỗ trợ", Nguyệt bày tỏ.
Ngoài nghiên cứu khoa học, Nguyệt cũng là gương mặt tình nguyện viên nhiệt tình, năng nổ. Trong bảng mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của mình, Nguyệt cho biết vào đại học là môi trường tốt để trang bị các kỹ năng mềm. Cô sẽ sắp xếp thời gian trống hoặc cuối để tham gia các hoạt động vào năm 1, 2 đại học vì đây là thời gian chưa có nhiều áp lực về học chuyên ngành.
Tốt nghiệp đại học với bảng thành tích dài đáng nể, Nguyệt quyết định về quê làm việc sau khi có trải nghiệm hỗ trợ cùng thầy cô làm marketing cho một đơn vị. "Về quê với em là cơ duyên. Em muốn phát huy hết kiến thức, những điều mình học được, muốn về đóng góp cho quê hương. Tỉnh đoàn sẽ là môi trường tốt để em rèn luyện bản thân tốt nhất", nữ thủ khoa kép cho hay.
Tuy nhiên, với Nguyệt, con đường học vấn vẫn chưa dừng lại ở đây. Cô tiết lộ, hiện tại vẫn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn mảng mình phụ trách để có thể đưa ra mô hình mới, phương pháp mới phát triển phong trào đoàn và công tác thanh thiếu nhi. Sau đó cô sẽ học cao hơn để nâng cao trình độ. Nếu có thể khi học lên thạc sĩ sẽ được đi nước ngoài để tiếp thu, lĩnh hội các nền văn minh trên thế giới.
Thành tích của Lê Thị Nguyệt
- Điểm học tập toàn khoá: 3.91/4.0
- Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc
Về học tập
- Sinh viên Thủ khoa đầu vào của trường.
- 3 lần được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc cao nhất năm học 2017-2018, 2018-2019, 2019-2020.
- 2 lần được nhận Giấy chứng nhận đạt danh hiệu "Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở" năm 2019, năm 2020.
- 1 lần được nhận Bằng khen của Bộ GDĐT cho sinh viên đạt Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương năm 2019 - 2020.
- 1 lần được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cho sinh viên đạt Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương năm 2019 - 2020.
- 2 lần được nhận Bằng khen của Thành phố Hà Nội cho sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" năm 2019 và năm 2020.
- 2 lần được nhận Giấy khen của Đại học Quốc gia Hà Nội cho sinh viên đạt anh hiệu "Sinh viên 5 tốt", "Sinh viên 5 tốt tiêu biểu" cấp ĐHQGHN năm học 2018-2019, 2019-2020.
- 2 lần được nhận Giấy khen của Trường ĐHKHXH&NV cho sinh viên danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trường năm học 2018-2019, 2019-2020.
- Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cho sinh viên đạt kết quả tốt nghiệp xuất sắc khoa học 2017 - 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.