Nữ thủ khoa quyết tâm trở thành nhà trị liệu tâm lý ở tuổi 40

Thứ hai, ngày 05/09/2022 06:38 AM (GMT+7)
Ở độ tuổi 40, chị Nguyễn Thuận Ánh vẫn quyết tâm trở lại giảng đường để theo đuổi đam mê lĩnh vực Tâm lý học của mình. Chị đã xuất sắc đạt danh hiệu Thủ khoa đầu ra, trường ĐH Hoa Sen, với số điểm GPA 3.81/4.0.
Bình luận 0

“36 tuổi đi học đại học còn sớm hơn nhiều so với tuổi 63 mà”

Năm 2018, lúc 36 tuổi, chị Ánh rơi vào cơn 'khủng hoảng hiện sinh' và chị bắt đầu đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại của mình. Chị Ánh luôn tự hỏi những câu như: “Đâu là công việc sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình?”; “Đâu là con đường phát triển của bản thân mình trong giai đoạn kế tiếp?”; “Những giá trị mà bản thân muốn theo đuổi là gì?”... Những thắc mắc này đã dẫn dắt Ánh đến với ngành Tâm lý học, trường ĐH Hoa Sen. Hiện, chị Thuận Ánh đã tốt nghiệp và đang làm việc trong lĩnh vực Tâm lý.

Theo đuổi đam mê ở tuổi 40, điều chị Ánh sợ nhất có lẽ là bản thân không đủ khả năng để tiếp thu những thứ mới mẻ và sợ không vượt qua cảm giác mắc cỡ khi trải nghiệm ở môi trường hoàn toàn xa cách về thế hệ. Nhưng may mắn là bên cạnh chị luôn có gia đình, thầy cô và bạn bè đồng hành, dìu dắt.

Nữ thủ khoa quyết tâm trở thành nhà trị liệu tâm lý ở tuổi 40 - Ảnh 1.

Chị Thuận Ánh chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ tốt nghiệp.

Một nỗi sợ khác là khi ra trường sẽ không kiếm được việc làm vì tuổi tác sẽ khiến chị khó nắm bắt những cơ hội. Nhưng may mắn thay, với ngành Tâm lý học, kinh nghiệm cũng có những giá trị riêng - tất nhiên là phải đi kèm với việc được đào tạo đúng chuyên môn và thái độ phù hợp với ngành nghề.

“Mình bắt đầu lại vừa từ số 0, vừa không phải từ số 0. Vì Tâm lý học là ngành mới mẻ đối với mình. Tuy nhiên, trong quá trình trau dồi kiến thức và thực hành, mình vẫn có thể áp dụng được những kiến thức và kỹ năng học được từ ngành Báo chí ở trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). Cộng với kinh nghiệm làm việc mười mấy năm cũng sẽ hỗ trợ cho quá trình làm nghề Tâm lý của mình”, Thuận Ánh chia sẻ.

Nữ thủ khoa quyết tâm trở thành nhà trị liệu tâm lý ở tuổi 40 - Ảnh 2.

Buổi lễ tốt nghiệp mà chị Thuận Ánh được vinh danh là Thủ khoa đầu ra của trường.

Mặc dù gắn bó với nghề biên tập viên trong lĩnh vực truyền hình 14 năm, nhưng khi quyết định bắt đầu ở một lĩnh vực mới, chị Ánh chẳng nghĩ sâu xa. Chỉ biết là bản thân muốn trở thành một chuyên viên tâm lý chuyên nghiệp, muốn vậy chỉ có cách là phải được đào tạo ở môi trường đại học. Sở dĩ chọn học chính quy tập trung ở ĐH Hoa Sen mà không phải là hệ văn bằng hai của một trường nào đó, là vì chị muốn xây dựng nền móng thật vững chắc, tập trung chuyên tâm học từ những điều cơ bản và nhỏ nhất cho đến nâng cao.

“Thủ khoa” là minh chứng cho sự quyết tâm

Tâm lý học là một ngành chuyên môn đặc thù (nghĩa là học ngành Tâm lý thì mới làm được các ngành nghề liên quan tới Tâm lý) nên một phương pháp không thể áp dụng cho tất cả. Mỗi môn, chị Ánh luôn áp dụng những phương pháp phù hợp với bản thân và cả tính chất môn học.

Sau bao nhiêu nỗ lực không ngừng, chị Ánh đã xuất sắc đạt danh hiệu Thủ khoa trường ĐH Hoa Sen với số điểm GPA 3.81/4.0. Chị vô cùng tự hào và xúc động với thành quả mà mình đạt được.

Nữ thủ khoa quyết tâm trở thành nhà trị liệu tâm lý ở tuổi 40 - Ảnh 3.

Nữ thủ khoa vui vẻ khi được sống với đam mê là nhà trị liệu tâm lý.

Chia sẻ về cách học khi ở tuổi 40, chị Thuận Ánh cho biết, việc ‘nắm vững khung lý thuyết rồi mới có thể thực hành được và thực hành đúng chuyên môn lẫn đạo đức’ là vô cùng quan trọng. Do vậy, phương pháp chung của chị là đi học chăm chỉ và luôn ngồi bàn đầu; dành nhiều thời gian để học bài, đọc giáo trình; tích cực trong những buổi làm việc nhóm. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động như câu lạc bộ tâm lý, các webinar, workshop… cũng giúp mọi người hiểu rõ hơn các kiến thức đã học, các khía cạnh ngành nghề mà mình đang theo đuổi.

Với một người đã có gia đình như chị Ánh, khó khăn lớn nhất khi theo đuổi đam mê có lẽ là sự lựa chọn giữa một bên là cuộc sống đang ổn định trước mắt, sáng đi làm, tối về chơi với con, dạy con học... và một bên là dấn thân vào một con đường mới mà chị cũng không biết là sẽ dẫn mình đi về đâu.

“Động lực của mình trong chuyến hành trình dài này chính là hai đứa con sắp bước vào độ tuổi teen. Mình luôn mong con dám thực hiện những điều mà con ao ước, ấp ủ để sống một cuộc đời mà con thật sự muốn sống. Nếu vậy thì bản thân người mẹ cũng phải dám làm điều mà bà ấy muốn, dám sống thật với những nhu cầu và khát khao của mình, vì mẹ cha là hình mẫu trực tiếp của con mà”, chị Ánh tâm sự .

Kế hoạch hiện tại và sắp tới của chị Ánh là tiếp tục công việc quản lý ca lâm sàng hiện tại ở một công ty chuyên về lĩnh vực Tâm lý. Và không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để trở thành tham vấn viên. Đầu năm sau, chị sẽ đăng kí vào chương trình Cao học Tâm lý học để sau khi ra trường, theo đuổi giấc mơ trở thành giảng viên ngành Tâm lý, tiếp bước cho những người muốn cống hiến ở lĩnh vực này trong tương lai.

Sơn Trà (svvn.tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem