"Nữ tướng đại điền" mượn ruộng của 800 người để cấy lúa, thu lãi 700-800 triệu đồng/năm

Danh Hùng Thứ bảy, ngày 13/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chẳng hiểu sao khi trò chuyện với chị Trần Thị Lanh (thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình), tôi có cảm giác đang được nói chuyện với một trong những “chị Hai 5 tấn Thái Bình” khi xưa – những người phụ n ữ trung hậu, đảm đang đã làm nên kỳ tích trong sản xuất giữa thời chiến.
Bình luận 0
"Nữ tướng đại điền" mượn ruộng của 800 người để cấy lúa, thu lãi 700-800 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Chỉ có điều kỳ tích mà “nữ tướng” Trần Thị Lanh lập nên giữa thời bình có đôi chút khác biệt, đó là sở hữu và canh tác diện tích lúa lên tới 200ha. 

Ruộng lớn – lãi nhiều

Nói “cả xã Bình Minh biết chị Lanh” cũng không ngoa chút nào, bởi số người cho chị Lanh  thuê mượn ruộng ở xã này lên tới khoảng 800 người. Người cho thuê ít thì vài sào, nhiều  cũng vài ha, mà lạ là ai cho thuê cũng đều hoan hỉ, hỏi khi nào lấy lại đều chung câu trả lời: “Bao giờ  chị Lanh chán, trả lại ruộng thì nhận, chứ giờ đang nhàn, chẳng làm mà vẫn có lúa ăn”.  

Chị Lanh trong câu chuyện này là chị Trần Thị Lanh - Giám  đốc HTX sản xuất kinh doanh  nông sản Quang Lanh, cũng là người khởi xướng lập nên CLB đại điền của huyện Kiến  Xương, là người mà mỗi năm cấy tới 400ha lúa cứ “nhẹ như  lông hồng”.

"Nữ tướng đại điền" ở quê lúa Thái Bình - Ảnh 1.

Chị Lanh kiểm tra mạ khay chuẩn bị cho vụ hè thu. Ảnh: Danh Hùng

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, chia sẻ từ năm 2015 - 2020, thông qua chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực. Đến nay, Thái Bình hiện có 1.700 hộ có diện tích đất nông nghiệp từ 2ha trở lên, trong đó có những hộ có diện tích lớn nhất gần 70ha. Đáng chú ý là đã thành lập "Hội đại điền" thu hút gần 200 thành viên tham gia, qua đó đã hình thành các HTX với diện tích sản xuất lớn.

Cũng sinh ra ở quê lúa, từ bé quen với vất vả nhọc nhằn nhưng không phải ngay từ đầu chị Lanh đã nhận ra những giá  trị kinh tế của việc sản xuất lúa.  Từng thoát ly khỏi đồng ruộng, mở xưởng nung gạch rồi buôn bán hàng dân dụng, vật tư nông nghiệp đủ loại…, chị Lanh chẳng nghĩ có ngày quay về cấy lúa, mà lại cấy với diện tích hoành tráng  như bây giờ.

“Chẳng qua mỗi lúc mùa vụ công việc ở xưởng lại thiếu nhân công vì bà con mải mê cấy hái, song ai cũng vất vả tất bật mà năng suất chẳng đáng bao nhiêu, lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản mua cái máy cấy về rồi đi làm dịch vụ cho bà con đỡ vất vả mà mình cũng có thêm việc”  – chị Lanh nhớ lại. 

Thế nhưng mua máy rồi mới “phát sinh” thực tế là nhiều ô, thửa ruộng nhỏ không thể đưa máy xuống cấy, có đưa xuống được chạy chưa nóng máy đã cấy xong, tính ra tiền xăng dầu lại thành lỗ chứ chẳng thấy lãi đâu. 

Từ những hạn chế đó, chị Lanh bắt đầu thuê lại ruộng của những hộ xung quanh cho liền vùng, liền thửa, nhằm duy trì được hết công suất máy. Có máy cấy kịp thời vụ rồi đến lúc gặt lại mất tiền thuê nhân công, tính ra vẫn chưa thể cơ giới hóa  toàn bộ, “làm nhiều mà chẳng  thấy lãi vì chi phí ban đầu lớn quá, trả lúa cho các hộ thuê đất rồi thì đúng nghĩa là đi làm thuê  chứ không thể làm giàu nổi”  – chị Lanh phân tích. 

“Nên đã  đâm lao phải theo lao, tôi đầu tư thêm máy gặt đập, rồi dần dần là máy bón phân, máy gieo mạ, máy làm đất, rồi cả dây chuyền sấy thóc, đóng bao… đủ cả”.

Tỷ lệ thuận với quy trình cơ giới hóa hiện đại là diện tích đất ngày một lớn hơn. Từ vài ha ban  đầu, đến nay sau gần 8 năm chị Lanh đã có 100ha (60ha mượn, 40ha thuê, chị trả 30kg thóc/ sào/năm), chưa kể 100ha chị nhận làm dịch vụ cho các hộ dân và các HTX lân cận. 

Theo tính toán của chị Lanh, sau khi trừ chi phí chỉ lãi 100.000- 200.000 đồng/sào. Nếu các hộ  làm manh mún nhỏ lẻ thì mức lãi đó là quá thấp, nhưng nếu làm với diện tích lớn thì “tích tiểu  thành đại”, con số đó sẽ nhân lên gấp nhiều lần. 

Dẫn chứng từ chính bản thân mình, chị Lanh  cho hay: “Năm nào ít thì tôi lãi 700-800 triệu đồng, có năm lãi cả tỷ nhưng với điều kiện phải đưa máy móc vào và làm trên diện tích lớn”. 

Cấy lúa cũng phải chuyên nghiệp

"Nữ tướng đại điền" ở quê lúa Thái Bình - Ảnh 3.

Chị Lanh bên hệ thống kho sấy, đóng gói gạo được đầu tư tiền tỷ. Ảnh: Nguyễn Chương

Tháng 5/2022, chị Trần Thị Lanh thành lập HTX sản xuất  kinh doanh nông sản Quang Lanh, ghép tên vợ chồng chị. HTX có 7 thành viên chủ chốt và 20 thành viên đăng ký ban đầu, tổng số vốn khoảng 1,4 tỷ đồng, canh tác 200ha với hệ thống máy móc tương đối đầy đủ. Cách trụ sở HTX chừng 100m là hệ thống kho sấy và bảo quản lúa mà chị cũng mới đầu tư tiền tỷ để khép kín quy trình “cấy lúa chuyên nghiệp” mà chị vẫn ước ao, hướng đến lâu nay.

“Thực ra vẫn còn 1 quy trình nữa mới được gọi là khép kín, đó là xây dựng thương hiệu gạo hữu  cơ của HTX và đưa vào chương  trình OCOP quốc gia, nhưng đó  là việc tương lai gần” – chị Lanh  tiết lộ. 

Tôi biết chị vẫn khá khiêm  tốn, bởi ngay từ lúc này chị đã  âm thầm chuẩn bị những bước  đi đầu tiên của quy trình này: Đó là đưa cơ giới hóa toàn bộ vào đồng ruộng; là cấy chung 1 trà  lúa; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chỉ bón phân 1 lần lúc làm đất; là nhận bao tiêu toàn bộ  lúa cho bà con… Thậm chí với xu hướng sản xuất lúa hữu cơ như hiện nay, chị Lanh còn mơ  về thương hiệu gạo… đỉa, cạnh tranh với gạo ruộng cáy, gạo ruộng rươi hiện có. 

Trả lời câu hỏi “chị có sợ thất  bại khi nhận làm diện tích siêu khổng lồ mỗi năm không?”, chị  Lanh cười lớn: “Tôi chỉ sợ không có sức mà làm thôi nhé. Việc dồn điền đổi thửa đang được Đảng và Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ diện tích lớn, nông dân chỉ sợ không có sức, không có tiềm lực mà làm thôi. Nếu có thêm vốn, tôi vẫn muốn mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa, đấy cũng chính là mục tiêu, là lý do mà chúng tôi xây dựng và duy trì CLB đại điền đấy”. 

Hóa ra, phía sau câu chuyện làm giàu của nữ tướng Trần Thị Lanh còn là cả khát vọng đại điền lan tỏa sâu rộng trong một  bộ phận không nhỏ nông dân ở Kiến Xương. 

Chị Lanh cũng chính là người khởi xướng và là Hội trưởng Hội đại điền huyện Kiến Xương – nơi “hội tụ” của những anh tài sở hữu ít nhất 5ha đất trở lên. Với 20 thành viên khi mới thành lập (năm 2022), hiện CLB đã có 50 thành viên.

Trưởng thôn uy tín

Bản lĩnh và quyết đoán trong sản xuất kinh doanh nhưng hết  mùa vụ “nữ tướng đại điền” trở  về với hình ảnh người phụ nữ  đúng nghĩa: Điệu đà và sôi nổi  trong mọi hoạt động đoàn thể.  Giữ chức trưởng thôn từ năm  2013 đến nay, có lẽ chị cũng là  nữ trưởng thôn duy nhất được  bà con giáo dân tin yêu, được  bầu là đại biểu HĐND xã, Ủy viên  Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã.  

Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài nghĩa vụ đóng góp gia đình chị Lanh cũng luôn đi đầu ủng hộ hàng chục triệu đồng để làm đường. Ngoài ra chị còn tranh thủ các chức sắc tôn giáo có uy tín để phối hợp tuyên truyền người dân đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Do đó, nhiều công trình nông thôn mới được  hình thành, đời sống người dân không ngừng cải thiện, không có tệ nạn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm còn 0,3%. 

Nhận lời hứa về thăm khi vụ mùa kết thúc, tôi lặng lẽ ngắm nhìn người phụ nữ đầy nghị lực  với dép cao gót đính đá, móng tay móng chân được chăm sóc và sơn sửa cầu kỳ, lòng dâng lên niềm vui khó tả. Hóa ra, người nông dân hiện đại không nhất thiết phải chân lấm tay bùn, phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa; mà chỉ cần làm chủ được máy móc, ruộng đồng; thêm khát vọng và tự tin dám làm thì chắc chắn sẽ chạm tới thành công.

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem