Thấy bán tạp hóa thuê lương ba cọc ba đồng, bà Đỗ Thị Đào (xóm 6, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) quyết định về quê buôn hải sản. Buôn được vài năm thấy nguồn hàng hoàn toàn phụ thuộc vào ngư dân đi biển, bà chuyển sang nuôi ngao.
"Hồi đó (năm 1996-PV), ở đây chưa có ai nuôi ngao, bãi biển rộng mênh mông, tôi làm thủ tục thuê của xã 5ha bãi biển giá 5 triệu đồng/ha và thả 30 triệu con ngao giống. Ngay năm đầu thu hơn 300 triệu đồng" - bà Đào cho hay.
Tuy nhiên, nuôi ngao không đơn giản như bà nghĩ. Năm 2003, bà vay ngân hàng 200 triệu đồng đầu tư thả 5 triệu con giống, đang chuẩn bị thu hoạch thì nắng nóng, nước mặn ập đến, hơn 100 tấn ngao thịt bị chết trắng bãi, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Đứng nhìn bãi ngao chết trắng, bốc mùi hôi tanh mà miệng bà đắng ngắt.
Bà Đào bảo, nuôi ngao tuy đầu tư ít, không mất nhiều công chăm sóc, nhưng rủi do cao. Ngao được hay mất, phần lớn phụ thuộc vào thời tiết. Ngao nuôi trên bãi cát, nên sợ nhất là nắng nóng kéo dài và nước biển mặn tràn vào, ngao bị phơi nắng chỉ vài ngày là há miệng chết sạch.
Năm 2004, bà thuê người cải tạo lại đầm, rồi cầm cố nhà cửa, vay thêm anh em, họ hàng để tiếp tục nuôi ngao. Rút kinh nghiệm lần trước, bà chia đôi diện tích, nửa nuôi ngao thịt, nửa nuôi ngao giống. Công sức của bà bỏ ra đã được đền đáp. Vụ ngao năm 2005, bán ngao giống bà thu về hơn 1 tỷ đồng và khoảng 1,2 tỷ đồng từ ngao thịt. Cứ thế mỗi vụ bà thả thêm vài triệu ngao giống.
Năm 2006, bà trả hết nợ. Có vốn, bà thầu tiếp tục thêm 10ha để nuôi ngao. Có đầu tư, giống tốt, nên ngao của bà lớn nhanh như "nấm sau mưa". Đến nay, 15ha bãi của gia đình bà ken đặc ngao. Mỗi năm bà xuất hàng trăm tấn ngao thịt và 500 - 600 triệu ngao giống, trừ chi phí lãi 2,5 - 3 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2007, vợ chồng bà cất ngôi nhà 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi giữa "phố xã". Năm 2008, bà tậu cho chồng chiếc ôtô hạng sang làm phương tiện đi lại giao dịch với khách hàng...
Nam Tùng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.