Nước châu Âu ra quyết định khiến Ukraine thất vọng tột cùng giữa lúc 'nước sôi lửa bỏng'

Minh Nhật (theo DP) Thứ sáu, ngày 30/06/2023 09:58 AM (GMT+7)
Thụy Sĩ một lần nữa kiên quyết từ chối chuyển giao vũ khí cho Ukraine khi từ chối xuất khẩu gần 100 xe tăng Leopard 1 thuộc công ty vũ khí nhà nước RUAG giữa lúc Kiev đang "khát" vũ khí để phản công chống lại Nga.
Bình luận 0
Nước châu Âu ra quyết định khiến Ukraine thất vọng tột cùng giữa lúc 'nước sôi lửa bỏng' - Ảnh 1.

Lính Ukraine trong một cuộc tập trận. Ảnh IT

Theo The Defense Post, bất chấp áp lực từ Kiev và các đồng minh, Thụy Sĩ cho đến nay vẫn chưa cho phép các quốc gia nắm giữ vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất tái xuất khẩu sang Ukraine.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cho biết, việc xuất khẩu 96 xe tăng Leopard 1 A5 là “không thể thực hiện được theo luật hiện hành”.

"Việc mua bán như vậy sẽ trái với Đạo luật Vật tư Chiến tranh và sẽ dẫn đến việc Thụy Sĩ thay đổi chính sách trung lập”, tuyên bố của hội đồng cho biết.

Đạo luật Vật tư Chiến tranh của Thụy Sĩ cấm tất cả tái xuất vũ khí do nước này sản xuất nếu quốc gia nhận đang trong một cuộc xung đột vũ trang quốc tế.

Hội đồng Liên bang cho biết họ đã “ưu tiên các cam kết của Thụy Sĩ với tư cách là một quốc gia trung lập và đáng tin cậy trong việc áp dụng pháp quyền".

Quốc gia không giáp biển với 8,8 triệu dân này có vị thế trung lập quân sự được trang bị vũ khí tốt từ lâu.

Nhưng truyền thống này đã được tranh luận sôi nổi kể từ khi Nga-Ukraine lâm vào xung đột toàn diện năm ngoái.

Vào ngày 1/6, hạ viện của nước này đã bỏ phiếu chống lại một đề xuất cho phép chuyển giao vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất cho Ukraine.

RUAG đã mua xe tăng Leopard 1 A5 qua sử dụng và không còn hoạt động từ một cơ quan của Bộ Quốc phòng Ý vào năm 2016.

Ban đầu, công ty dự định tân trang lại những chiếc xe tăng ở Ý cho những người mua tiềm năng hoặc bán phụ tùng thay thế.

Cuộc chiến với với Nga đã khiến Ukraine có nhu cầu cấp thiết về xe tăng, đặc biệt là khi Kiev đang cố gắng phản công để giành lại lãnh thổ. RUAG được cho là đã chuẩn bị gửi xe tăng đến nhà sản xuất Đức để phục hồi nếu được phép chuyển giao cho quân đội Ukraine.

Việc Thụy Sĩ từ chối yêu cầu của Ukraine hôm thứ Tư 28/6 đã được dự đoán rộng rãi, mặc dù Quốc hội Thụy Sĩ đang xem xét các cách để nới lỏng nguyên tắc trung lập của đất nước.

Quốc hội đang đề xuất cải cách luật pháp và cho phép vũ khí được tái xuất sang một quốc gia đang có chiến tranh, với những điều kiện nhất định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem