Thiên Ngân
Thứ hai, ngày 16/10/2023 18:12 PM (GMT+7)
Chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới năm nay là về vai trò của nước trong cuộc sống, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước với an ninh lương thực, sức khỏe, hòa bình.
Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới (LTTG) lần thứ 43; 78 năm ngày thành lập tổ chức FAO và 45 năm hợp tác Việt Nam-FAO, với chủ đề "Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không ai bị bỏ lại phía sau".
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều dạng thiếu nước khác nhau
Tại buổi lễ diễn ra ở Trường Đại học Thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp với hàng chục triệu người sống dựa vào nguồn nước ngọt để đảm bảo sinh kế.
Tuy nhiên, nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian dẫn đến tình trạng quá thừa nước trong mùa mưa, gây ra lũ, lụt, ngập úng tại hầu hết các lưu vực sông trên cả nước và gây ra tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn về mùa khô tại nhiều vùng, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Việt Nam đã xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ hệ thống công trình kết cấu hạ tầng nguồn nước cùng với hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ như các Luật: Thủy lợi, Đê điều, Phòng, chống thiên tai, Tài nguyên nước, Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Biên giới quốc gia.... để quản lý, khai thác, tận dụng tối đa khả năng nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống lũ, lụt, và các tác hại khác do nước gây ra.
Hệ thống công trình kết cấu hạ tầng nguồn nước đảm bảo cấp nước cho 4,28 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, 686.600 ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; đảm bảo cung ứng điện khoảng 37% tổng năng lượng điện của cả nước; phòng, chống lũ, lụt và bảo vệ cho hơn 23 triệu dân cùng toàn bộ hạ tầng xây dựng, công nghiệp, giao thông, quốc phòng, an ninh văn hóa, du lịch...; kiểm soát lũ cho hơn 1,2 triệu ha cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp vùng lũ vùng ĐBSCL...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều dạng khan hiếm nước khác nhau – quá ít, quá nhiều, chất lượng kém và sử dụng quá mức. Để đáp ứng những thách thức này, tháng 6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu.
Mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Theo FAO, các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán và lũ lụt gia tăng đang đe doạ hệ sinh thái, gây ra những hậu quả lường cho an ninh lương thực toàn cầu. Nông hộ nhỏ, người nghèo, phụ nữ, thanh niên, người dân bản địa, người di cư và người tị nạn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Đồng thời, FAO và các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đang tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam vào bốn lĩnh vực chính: Khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo; cải thiện khả năng dữ liệu; tăng nguồn tài chính công và tư có mục tiêu; thiết lập các cơ chế quản trị hệ thống nông nghiệp toàn diện và giám sát đánh giá.
Theo đó, Quản lý tài nguyên nước tổng hợp bền vững là một trong các yếu tố then chốt trong hỗ trợ chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và lương thực thực phẩm, góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với "Tư duy đổi mới" và "Cùng hành động", những nỗ lực của Chính phủ, chung tay của toàn xã hội với sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế, chuyên gia, Việt Nam sẽ thực hiện được nhiệm vụ "Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và ngăn chặn suy giảm nguồn nước; tăng cường tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng", góp phần đạt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu: Tất cả chúng ta cần coi trọng nước, thực phẩm mà nước tạo ra và hành tinh mà nước nuôi dưỡng. FAO cũng đang hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác trong việc thực hiện các nội dung chính của Chương trình Nghị sự Hành động vì Nước của Liên Hợp quốc, đặc biệt là liên quan đến xây dựng các Lộ trình Nước Quốc gia, xác định quyền sử dụng nước, quản lý rủi ro hạn hán, giám sát dữ liệu về nước và số liệu bốc thoát hơi nước. Chương trình Nghị sự này là một phần của Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023 mà FAO chủ trì.
Việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến nông nghiệp cũng là một trong những trọng tâm chính trong hoạt động của FAO tại Việt Nam, được phát triển dựa trên những nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong suốt 45 năm hợp tác của FAO với Việt Nam.
"Trước tình trạng biến đổi khí hậu, chúng ta phải chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp-lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho con người, bảo vệ hành tinh, đồng thời phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu" - bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.