Ở một xã của Hà Nội, dân trồng rau "5 không" kiểu gì mà vặt ăn ngay tại ruộng, siêu thị mua hết?
Ở một xã của Hà Nội, dân trồng rau "5 không" kiểu gì mà vặt ăn ngay tại ruộng, siêu thị mua hết?
Ngân Trang
Thứ hai, ngày 16/10/2023 13:36 PM (GMT+7)
8 năm về trước, 14 nông dân ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bàn bạc, thành lập HTX; chung vốn, góp đất để trồng rau hữu cơ. Những năm đầu bắt tay vào canh tác hữu cơ, hiệu quả mang lại còn khá thấp.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức tọa đàm Sản xuất xanh - Tiêu dùng xanh nhằm tuyên truyền và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, giúp gia tăng sản phẩm nông nghiệp sạch, truy xuất được nguồn gốc, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời hướng đến một nền nông nghiệp xanh bền vững gắn với tiêu dùng xanh.
Sản xuất xanh, thu trái ngọt
8 năm về trước, 14 nông dân ở xã Thanh Xuân bàn bạc, thành lập HTX; chung vốn, góp đất để canh tác rau, củ, quả theo phương thức hữu cơ. Những năm đầu bắt tay vào canh tác hữu cơ, hiệu quả mang lại còn khá thấp. Nguyên nhân là thị hiếu của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu nhìn chung còn khá mơ hồ nên việc tiêu thụ khó khăn. Thêm nữa, canh tác hữu cơ đòi hỏi nhiều công sức, trong khi sản lượng lại không bằng sản xuất kiểu truyền thống như trước.
"Để "xanh hóa sản xuất", ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung sản xuất các mô hình VietGAP, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn… Đây là một trong nhiều khâu của xanh hóa sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích kinh tế cho người sản xuất cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng".
Bà Vũ Thị Hương
Bà Cao Thị Liên, thành viên HTX cho biết, làm rau hữu cơ tốn công sức, vì phải tuân thủ nguyên tắc "5 không": Không phân hóa học; không giống biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng; không thuốc diệt cỏ và không thuốc trừ sâu hóa học.
Nông dân tự ủ phân hữu cơ từ các loại phân gia súc, gia cầm, phế phụ phẩm nông nghiệp trong ít nhất 3 tháng cho sạch hết ký sinh trùng, rồi mới bón cho rau.
Nông dân cũng tự chế thuốc trừ sâu từ các loại thảo mộc, gia vị như tỏi, ớt, gừng giã nhỏ, ngâm rượu, rồi phun hoặc dùng phương pháp bắt thủ công hay bẫy dính. Ngay cả nước tưới, đất canh tác cũng phải được xét nghiệm định kỳ để bảo đảm không bị nhiễm hóa chất độc, kim loại nặng…
Theo ông Chu Xuân Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, vùng rau Thanh Xuân lúc đầu chỉ có vài người tham gia sản xuất với diện tích 1,5ha. Đến nay đã có 150 hội viên, thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/hội viên/tháng; diện tích sản xuất tăng lên 31ha. Nhờ trồng rau hữu cơ, bà con không chỉ tăng thu nhập mà còn mang lại sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng; góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Tân, ngoài việc sản xuất tốt thì còn cần quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm, đặc thù của rau hữu cơ là mẫu mã không bắt mắt, không được non xanh như những loại rau khác. Hơn nữa thời gian đầu khái niệm rau hữu cơ còn rất lạ lẫm với mọi người, do đó làm thế nào để cuốn hút khách hàng là một vấn đề nhưng rất may mắn, rau Thanh Xuân đã được một tổ chức của Đan Mạch và các doanh nghiệp trong nước như Bác Tôm, Tâm Đạt quan tâm, hỗ trợ.
Để kiểm soát chất lượng, HTX rau Thanh Xuân đã thành lập ban điều hành, thanh tra giám sát sản xuất của các hội viên, kiểm tra định kỳ, đột xuất, nếu có một nhóm vi phạm thì sẽ đình chỉ luôn nhóm đó, khi nào khắc phục được mới cho tham gia lại hệ thống sản xuất.
Tại buổi Tọa đàm, một số hộ sản xuất đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia, nhà quản lý về cách thức sản xuất nông nghiệp xanh cho hiệu quả và tiết giảm chi phí; hay cách kết nối tiêu thụ và mở rộng thị trường ngày càng phát triển…
Theo đó, để hỗ trợ người sản xuất cũng như các hộ kinh doanh, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý, để sản xuất xanh- tiêu dùng xanh đạt hiệu quả, cần tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư cho các vùng sản xuất như các vấn đề về: Điện, nước sạch. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm, hỗ trợ tuyên truyền xúc tiến thương mại.
Các nhà khoa học cần nghiên cứu, sản xuất ra nhiều hơn nữa các sản phẩm, chế phẩm sinh học để bà con có nhiều hơn các sản phẩm sinh học để áp dụng vào sản xuất.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại. Điều đó khiến các nhà sản xuất cũng phải chuyển mình để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu mới.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tại Hà Nội, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, HTX đang lựa chọn phương thức sản xuất xanh để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng – xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.
Những năm qua ngành nông nghiệp Thủ đô đã chú trọng đến phát triển theo hướng đô thị xanh, trong đó có nhiều đơn vị, địa phương làm rất tốt về sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, góp phần đưa người tiêu dùng sống gần hơn với tiêu dùng xanh, đơn cử như HTX Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn đã trở thành mô hình tiêu biểu cho lối sản xuất này.
Để đảm bảo nông nghiệp xanh, theo bà Hương, các đơn vị trong ngành đã tập trung vào các giải pháp để sản xuất và tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, tập trung vào về vấn đề sử dụng bao bì tự phân hủy, đóng gói sử dụng được nhiều lần dành cho sản phẩm nông sản. Đối với những vùng sản xuất chuyên canh, khuyến cáo sử dụng năng lượng tiết kiệm, như vùng trồng hoa cúc sử dụng bóng đèn hiệu suất cao để chiếu sáng, thúc đẩy sinh trưởng và tiết kiệm hơn so với các hình thức khác.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sinh thái tuần hoàn, du lịch trải nghiệm; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.