"Nước cờ" tiếp theo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau khi lấn sân sang ví điện tử

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 27/09/2019 16:26 PM (GMT+7)
VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố thông tin về việc thành lập công ty con với vốn điều lệ đăng ký lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Vingroup góp vốn trên 51%.
Bình luận 0

Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố thông tin về việc thành lập công ty con.

Theo đó, Vingroup thành lập CTCP One Mount Group hoạt động chính trong lĩnh vực Đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa. Loại khoản: tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản.

img

One Mount Group có vốn điều lệ đăng ký xấp xỉ 3.047 tỷ đồng sẽ do Vingroup sở hữu 51,22% và có địa chỉ tại Vĩnh Tuy, Hai Bà Trung, Hà Nội.

Người đại diện pháp luật của One Mount Group là bà Nguyễn Mai Hoa (sinh năm 1969), một trong những lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Vingroup.

Việc thành lập công ty con của Vingroup diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 89/GP-NHNN về việc cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty cổ phần VINID PAY (công ty con của VinGroup).

Theo giấy phép này, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép là dịch vụ ví điện tử. Nội dung giấy phép quy định rõ Công ty cổ phần VINID PAY chỉ được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại giấy phép này.

Cũng liên quan đến những chuyển động diễn ra tại Vingroup, vào khoảng thời gian giữa tháng 8/2019, Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không còn sở hữu trực tiếp cổ phần trong Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce – đơn vị vận hành hệ thống Vinmart và Vinmart+, mà sở hữu gián tiếp thông qua công ty con là Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (Công ty VCM).

Những động thái nêu trên chỉ là một phần trong số nhiều hoạt động tái cơ cấu quản lý tại các công ty con, công ty liên kết với Tập đoàn Vingroup.

Bởi nếu tính toán theo mốc thời gian, hoạt động này đã diễn ra từ đầu năm 2019 khi Vingroup đã chuyển nhượng 100% phần vốn tại hai công ty bất động sản vào thời điểm cuối quý I/2019 và mang về khoản lãi 2.736 tỷ đồng, và được ghi nhận vào kết quả kinh doanh giữa niên độ.

Ở chiều ngược lại, Vingroup cũng đã mua lại hơn 34% cổ phần tại Công ty Mundo Reader, một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghệ (bao gồm cả điện thoại thông minh) có trụ sở tại Tây Ban Nha. Vingroup sau đó nâng sở hữu tại Công ty này lên 51%.

Cũng trong quý I/2019, Vingroup cũng đã chuyển nhượng 81,51% cổ phần tại Công ty CP Vinpearl cho Công ty VinCommerce, giá chuyển nhượng khi đó là 15.400 tỉ đồng.

img

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tâp đoàn Vingroup

Bước sang quý II/2019, Vingroup đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty CP Kinh doanh và Thương mại Dịch vụ VinPro cho công ty con nhằm mục đích "tái cơ cấu sở hữu nội bộ".

Ngoài ra, Vingroup cũng nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix trị trị 1.000 tỷ đồng từ Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast.

Đồng thời, Vingroup nhận chuyển nhượng 94% vốn góp tại VinEco, tăng tỷ lệ sở hữu trực tiếp lên 99%; Vinpearl ngược lại chỉ còn sở hữu 1%. Vốn điều lệ của VinEco ở mức hơn 2.000 tỷ đồng.

Những động thái này thể hiện sự trùng khớp với định hướng đưa Vingroup trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ được ông Võ Quang Huệ chia sẻ cách đây hơn 1 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem