Nước lũ Quảng Bình dâng nhanh, nông dân hối hả bơm nước cứu hoa Tết

Trần Anh Chủ nhật, ngày 03/12/2023 05:46 AM (GMT+7)
Mưa lớn trong nhiều ngày cùng với lũ lên nhanh đã nhấn chìm hoa màu của bà con nông dân huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), nhiều mảnh ruộng nông dân phải dùng máy bơm nước trong ruộng ra để cứu hoa màu vụ Tết.
Bình luận 0

Nước lũ nhấn chìm hoa Tết

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra mưa vừa có nơi mưa rất to, nhiều khu vực nước lũ lên nhanh gây chia cắt, ngập úng hoa màu.

Clip: Nông dân huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) chia sẻ việc dùng máy bơm nước ra khỏi ruộng để cứu hoa Tết

Ghi nhận của PV Dân Việt, tại xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), mưa liên tục nhiều ngày cùng với nước lũ đổ về đã khiến hàng chục ha hoa Tết bị nhấn chìm, nhiều nơi nước mới đang mấp mé chân ruộng nên nông dân đã dùng máy bơm, hút nước trong ruộng ra để cứu hoa, màu.

Lũ lên nhanh, nông dân Quảng Bình hối hả bơm nước cứu hoa Tết - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Du (ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đang cứu hoa Tết ngập trong nước. Ảnh: Trần Anh

Nông dân Nguyễn Văn Du (52 tuổi, ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Nhà tôi trồng 5 sào hoa cúc cũng được tháng nay rồi. Thế nhưng, mưa to, nước lũ lên khiến ruộng ngập úng, tôi phải dùng máy bơm hút nước trong ruộng rồi nhổ hoa vào trồng trong sân nhà, hết lũ mới ra trồng lại".

"Lũ lên nhanh quá, mấy sào ruộng trồng hoa của gia đình tôi giờ ngập hết, khả năng sống thấp lắm. Vụ hoa này tôi trồng hoa cúc để bán cho dịp Tết nhưng với tình hình này thì không có hoa để bán", bà Nguyễn Thị Hương (53 tuổi, ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) sụt sùi nói.

Lũ lên nhanh, nông dân Quảng Bình hối hả bơm nước cứu hoa Tết - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hương (ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) dùng máy bơm hút nước trong ruộng ra ngoài để cứu hoa màu. Ảnh: Trần Anh

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Những ngày qua, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, nước lũ dâng cao khiến gần 50 ha hoa màu ngập nước, nhiều diện tích hoa, hành, cải... chìm hẳn dưới nước. Chính quyền địa phương đã khẩn trương thông báo, hỗ trợ người dân bơm nước ra khỏi những ruộng ngập nước ít để cứu lại số hoa màu".

Lũ lên nhanh, nông dân Quảng Bình hối hả bơm nước cứu hoa Tết - Ảnh 4.

Nông dân dùng máy bơm hút nước ra ngoài rồi nhổ hoa vào trồng trong sân nhà, hết lũ mới mang ra trồng lại. Ảnh: Trần Anh

Nhiều khu vực lũ chia cắt, sạt lở

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Xuân Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, cho hay: "Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra mưa vừa có nơi mưa rất to khiến nhiều địa phương bị ngập, chia cắt, sạt lở".

Theo ông Trần Xuân Tiến, mưa lớn làm ngập từ 1-2m ở ngầm Bùng trên Quốc lộ 15 (đoạn qua xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch). Đường giao thông liên thôn Hà Môn, xã Cự Nẫm; ngầm Bến Tróc, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch ) cũng bị ngập khiến giao thông chia cắt.

Lũ lên nhanh, nông dân Quảng Bình hối hả bơm nước cứu hoa Tết - Ảnh 5.

Hoa vụ Tết của nông dân xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ngập trong nước. Ảnh: Trần Anh

Tại huyện Quảng Ninh, đường vào các bản Ploang, Zin Zin, Dóc Mây, Trung Sơn thuộc xã Trường Sơn; đường vào thôn, bản Khe Dây, Hàng Chuồn - Nà Lâm, Trường Nam thuộc xã Trường Xuân ngập trong nước, khiến đi lại khó khăn, nhiều bản bị cô lập cục bộ.

Tại huyện Lệ Thủy, ngầm 25 đường quốc lộ 9N bị ngập sâu 25cm một số phương tiện xe máy không qua lại được. Đường vào Cụm dân cư Hang Còi, bản Còi Đá xã Ngân Thủy cũng đang bị chia cắt. 

Cũng do mưa lớn nên xảy ra sạt lở tại tại Km 34+500 trên đường 16, đoạn đi qua bản Mít Cát, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy; đường tỉnh 558C, tại Km10+600, xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa, đá từ mái ta-luy dương sụt trượt xuống mặt đường gây ách tắc giao thông.

Lũ lên nhanh, nông dân Quảng Bình hối hả bơm nước cứu hoa Tết - Ảnh 6.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nước lũ dâng cao, gây chia cắt cục bộ. Ảnh: Trần Anh

Đáng chú ý, tàu cá QNg-98024-TS/03TV do ông Nguyễn Sỹ Bảy (SN 1969, ở xã Phổ Thạnh, huyện Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi) là chủ tàu, khi đang trên đường vào Cảng La do thời tiết gió mạnh kết hợp với sương mù không quan sát được nên đã đâm vào rạn đá sau đảo La. Hậu quả tàu cá bị phá và chìm ngay sau đó.

"Để chủ động phòng chống sạt lở thì trước mùa mưa bão, chúng tôi đã tiến hành rà soát các nơi có nguy cơ xung yếu để cảnh báo cho người dân và chính quyền địa phương để phòng tránh, di dời dân để đảm bảo an toàn khi mưa bão", ông Trần Xuân Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem