Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Công ty cổ phần Thủy sản Diễn Châu (tiền thân là Trạm hải sản Diễn Châu thành lập năm 1947) được xây dựng, kế thừa quy trình làm nước mắm cổ truyền của Kẻ Vạn xưa. Sau nhiều năm gây dựng, công ty được biết đến là đơn vị chế biến thủy sản chủ lực của tỉnh Nghệ An, phục hồi thành công công nghệ chế biến nước mắm theo phương thức cổ truyền.
Ông Võ Văn Đại giới thiệu với khách tham quan quy trình chế biến nước mắm Vạn Phần truyền thống. Ảnh: NMVP
Theo ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty, muốn nước mắm ngon, khâu đầu tiên là nguyên liệu cá phải tươi, chủ yếu là sử dụng cá cơm đen, cơm than. Chỉ ủ cá bằng thùng gỗ mít thì nước mắm thành phẩm sau này mới thơm ngon lại có màu sắc đẹp mắt. Công ty có hơn 50 thùng gỗ cỡ lớn với công suất chứa trên 1.000 tấn cá nguyên liệu. Quy trình chế biến nước mắm của công ty hoàn toàn theo cách truyền thống, ủ chượp - gài nén, cho “chín” tự nhiên, không tác động phụ gia, hóa chất. Cá được trộn đều với muối theo tỷ lệ xấp xỉ 3:1 rồi cho vào thùng gỗ lớn (cứ 1 lớp cá bên trên 1 lớp muối), sau đó rải muối gài nẹp đè đá nặng bên trên để nén. Trong tháng đầu, ngày nào cũng phải đảo náo, sau đó một tuần đảo náo một lần cho nước trong. Thời gian ngâm ủ kéo dài từ 9 - 12 tháng. Loại đặc biệt để lâu có ngâm vừng vàng. Loại này, theo ông Đại còn dùng chống rét cho người đi biển mùa đông, tăng sức khỏe cho người thợ lặn, làm thuốc chữa đau bụng gió rất tốt.
“Công ty đã đăng ký bản quyền thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Vạn Phần và đã xuất được hàng trăm nghìn lít sang các thị trường Malaysia, Hàn Quốc…” - ông Đại cho hay.
Cũng theo ông Đại, công ty còn làm thêm sản phẩm đặc biệt là nước mắm “hạ thổ”. Trải qua quy trình ủ chượp truyền thống, nước mắm được chiết xuất vào trong các chum đậy kín và đem chôn trong lòng đất. Thời gian hạ thổ thường kéo dài từ 2 - 2,5 năm trở lên, sau đó được chiết vào các chai nhỏ và bán ra thị trường. Nước mắm “hạ thổ” là loại thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe người dùng.
Chế biến nước mắm truyền thống tại Công ty CP Thủy sản Vạn Phần. Ảnh: NMVP
Đặc biệt, nước mắm “hạ thổ” rất thích hợp cho người dùng là trẻ nhỏ, người suy dinh dưỡng, người cao tuổi, người có thể trạng yếu, do trong quá trình hạ thổ, các chất đạm trong nước mắm đã chuyển hóa thành các hợp chất hữu cơ có ích cho cơ thể. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty cho ra các loại sản phẩm đa dạng, như nước mắm từ 10 đến 32 độ đạm.
Đến nay, nước mắm Vạn Phần đã chiếm lĩnh được thị trường rộng khắp toàn tỉnh Nghệ An và vươn xa đến các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Hà Nội… Nước mắm Vạn Phần còn “xuất ngoại” tới hàng chục nghìn lít sang Lào, Angola, Malaysia, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động với mức lương ổn định.
Tới thời điểm hiện tại, nước mắm Vạn Phần là một trong hai mặt hàng nông sản trên địa bàn Nghệ An được dán tem truy xuất nguồn gốc.
“Thời gian qua, sản phẩm của nước mắm Vạn Phần được phân phối qua Trung tâm Nông sản, thực phẩm an toàn (489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) được khách hàng tin dùng và đánh giá cao. Nước mắm Vạn Phần là sản phẩm khó thể thiếu trong từng bữa ăn cũng như những ngày lễ, tết truyền thống của mỗi gia đình” - ông Đào Ngọc Nam - Tổng Giám đốc Trung tâm Phân phối nông sản, thực phẩm an toàn chia sẻ.
Nước mắm Vạn Phần đoạt Cúp Vàng thủy sản Việt Nam lần thứ nhất 2009, lần thứ hai 2011 và là 1 trong 2 sản phẩm của Nghệ An được Bộ Công Thương cấp chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Nghệ An và khu vực miền Bắc. Sản phẩm được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tặng giải Cầu Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, Top 300 sản phẩm hàng đầu Việt Nam 2014 do người tiêu dùng bình chọn; đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2015; sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.