Nước mắt lương hưu

Thứ ba, ngày 31/10/2017 15:02 PM (GMT+7)
Câu chuyện giảm lương hưu của lao động nữ những ngày qua được đẩy lên cao trào với vụ việc cô giáo Trương Thị Lan nhận lương hưu hàng tháng 1,3 triệu đồng sau 37 năm cống hiến.
Bình luận 0

Cô giáo về hưu mếu máo nói về mức lương không đủ sống Cô Trương Thị Lan kể cô không ngủ mấy hôm nay, cứ nhắm mắt là khóc thầm.

Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nhìn hình ảnh cô giáo gầy gò với vẻ mặt thất thần vừa gượng dậy sau cơn "địa chấn" có tên lương hưu.

Trong việc tính lương hưu cho người lao động (NLĐ), cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) không có gì sai, ngành giáo dục cũng không sai. Cô giáo Lan và hàng nghìn giáo viên mầm non hay các lao động nữ đóng BHXH trên nền lương do người sử dụng lao động quyết định cũng không sai. Chỉ có chính sách lương hưu là quá lạnh lùng!

Theo cách tính của Luật BHXH năm 2014, NLĐ có thời gian đóng BHXH trên nền lương không thuần nhất, nghĩa là vừa có thời gian đóng BHXH trên nền lương do người sử dụng lao động quyết định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quyết định, lương hưu là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian.

img

Cô Lan khóc nghẹn khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/ tháng. Ảnh: Phạm Trường.

Kết quả là mức lương hưu của NLĐ thấp tới mức thê thảm vì tiền lương đóng BHXH khi làm việc ở khu vực ngoài nhà nước rất thấp. Điều này có nguyên nhân do NLĐ không hiểu biết, hoặc có biết cũng không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để đòi được đóng BHXH với mức lương cao hơn.

Riêng cô Lan và hàng chục ngàn giáo viên mầm non dân lập khác, khi thiết kế chính sách BHXH, họ đã bị "lọt sổ", để rồi khi phát hiện ra, người ta ban hành các quy định chắp vá kiểu như "chiếu cố" cho họ được đóng và truy đóng BHXH nhưng trên mức lương tối thiểu chung (giờ là lương cơ sở) rất thấp. Mức lương như vậy làm sao có lương hưu cao, đủ sống?

Đáng nói đây không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều NLĐ ở khu vực ngoài nhà nước đóng BHXH trên nền lương do doanh nghiệp quyết định, chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng chút ít. Với mức lương đóng BHXH thấp như thế, họ đã thấy trước tương lai không mấy sáng khi hưởng lương hưu.

Chưa kể, cách tính lương hưu theo Luật BHXH năm 2014 còn có sự không công bằng giữa khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Nhiều chủ doanh nghiệp lợi dụng điều này để trốn đóng BHXH cho NLĐ hoặc "dụ dỗ" họ nghỉ việc "lãnh một cục" để khỏi phải tăng lương theo thâm niên và đóng BHXH với mức lương cao hơn.

Cách đây nhiều năm, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã có một báo cáo về tình trạng NLĐ nghỉ hưu với lương hưu quá thấp, không bảo đảm cuộc sống. Báo cáo nhằm góp ý cho quá trình soạn thảo, thông qua Luật BHXH năm 2014 để tránh tình trạng NLĐ bị "nghèo hóa" khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, cảnh báo đó không được lưu ý, tiếp thu.

Từ chuyện cô giáo Trương Thị Lan cho thấy chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ lương hưu, vẫn còn quá nhiều bất hợp lý, không bảo đảm mục đích an sinh cho NLĐ. Có nghịch lý không khi khuyến khích NLĐ tham gia một chính sách để rồi khi hết tuổi lao động phải trở về sống dưới mức nghèo khó? 

Hồng Vân (Người Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem