Nước mắt ở Thiên Trường

Chủ nhật, ngày 14/08/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa bao giờ bóng đá Thành Nam sa sút đến thế. Kết thúc Giải hạng Nhất 2011, có thể họ sẽ phải xuống hạng Nhì. Một CĐV từng đồng hành với đội bóng Nam Định bao nhiêu năm qua... đã viết những dòng đầy ngậm ngùi.
Bình luận 0

Sau vòng 25 được 24 điểm, Nam Định đang đứng áp chót bảng xếp hạng, nguy cơ xuống chơi Giải hạng Nhì đã hiện ra trước mắt. Nỗi lo, nỗi hoảng sợ thực sự của người hâm mộ bóng đá Thành Nam là bóng đá Nam Định đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Thay mặt hơn 2 triệu nhân dân Nam Định và hàng chục vạn người con Nam Định đang sinh sống khắp mọi miền đất nước, người hâm mộ chúng tôi yêu cầu những người có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi này.

img
Những CĐV Nam Định sẽ không còn niềm hứng khởi như thế này...

Về với Nam Định là về với miền đất “địa linh nhân kiệt”, về với miền đất học đất văn. Người dân nơi đây hâm mộ bóng đá đến lạ lùng. Nam Định có hệ thống đào tạo bóng đá trẻ đứng đầu cả nước, đủ các lứa trẻ từ U13 đến U21. Các đội tuyển trẻ quốc gia U17, U19, U23 thì Nam Định bao giờ cũng đóng góp nhiều cầu thủ nhất.

Với một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khang trang bề thế và một sân vận động hiện đại, với hàng triệu, hàng vạn người hâm mộ cuồng nhiệt, bóng đá Nam Định hoàn toàn tự hào và ngẩng cao đầu trước những ông chủ bóng đá mới, nhiều tiền bạc nhưng bản sắc và màu cờ sắc áo quê hương chỉ là một điều xa vời, với một nhóm cổ động viên đi thuê và trả... lương hàng tháng.

Nhưng tiếc thay, buồn thay cho bóng đá Nam Định!

Với truyền thống 100 năm bóng đá, nơi đây đã sản sinh nhiều quái kiệt của bóng đá Việt Nam, ở thế hệ thứ nhất có các cụ Tân “phệ”, Nhâm “nhắng”, Thọ “cáo”, Khuê “võ sĩ”, Phòng “cháy”, Kỷ “con” đã vô địch Đông Dương trong màu áo Kotonki vào những năm 40 của thế kỷ trước.

Thế hệ thứ hai là các bác Chung “gù”, Minh “tàu”, Hỷ “con”, Hằng “tàu”, Tứ “đen”, thế hệ thứ ba là các anh Bảo “gáo”, Tạo “cò”, Mạnh “lùn”, Viêm “đen”, Thanh “phê” - từng làm khuynh đảo bóng đá miền Bắc những năm 60-80 của thế kỷ 20.

Đến thế hệ thứ tư là Dũng “Toát”, Bảo “xoăn”, Xám “tàu”, Nghĩa “còi”, Hùng “chuột”, Mẫn “lùn”, Hùng “ghẻ”, Trung “nghêu” lên ngôi ở Giải Vô địch Quốc gia 1985.

Thế hệ thứ năm là Sỹ “Toát”, Lộc “còi”, Huy “gô”, Tùng “Tứ”, Tú “sịp” - vô địch Giải U21 Báo Thanh Niên, Á quân V.League 2 năm 2001, 2004, hạng Ba 2 mùa giải 2003, 2006.

Và bây giờ là thế hệ thứ 6, thứ 7 với lứa trẻ U19, U21 đang đá Giải hạng Nhất thì Nam Định chạm ngõ xuống hạng.

Vì đâu bóng đá Nam Định đến nông nỗi này, vì đâu những cầu thủ từng là niềm tự hào của người dân Thành Nam - từng đưa bóng đá Nam Định trở thành thế lực thực sự của bóng đá Việt Nam, phải “tha phương cầu thực” trên khắp mọi miền đất nước, mưu sinh cho mình một cuộc sống đúng nghĩa của đời cầu thủ.

Câu trả lời là: Vì nghèo, vì lối suy nghĩ và làm bóng đá thời bao cấp đã kéo lùi, kìm hãm sự phát triển của bóng đá Nam Định trong mấy chục năm qua.

Chỉ còn một vòng đấu nữa thôi, thành trì cuối cùng của bóng đá bao cấp sẽ sụp đổ hoàn toàn đi kèm theo nó là bóng đá Nam Định đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Vậy ai là người viết và đọc điếu văn cho bóng đá Nam Định vào cái ngày cáo chung ấy.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn 2 câu thơ được khắc trên mộ của nhà thơ Tú Xương nằm trong Công viên Vị Xuyên ở TP.Nam Định: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai - Giật mình, tưởng ngỡ tiếng ai gọi đò...” để cho tất cả mọi người con quê hương Nam Định chúng ta cùng suy ngẫm.

Buồn thay!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem