Nước Mỹ vẫn chưa có nữ tổng thống

Phúc Lai Thứ năm, ngày 10/11/2016 06:30 AM (GMT+7)
Chưa bao giờ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lại thu hút được sự chú ý của dư luận thế giới như lần này, vì nó quy tụ được quá nhiều yếu tố đặc biệt...
Bình luận 0

img

Tỷ phú Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc đua tới chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ trước đối thủ là bà Hillary Clinton.

Lúc tôi viết bài này là 13h20 ngày 9.11, cuộc bầu cử ở nước Mỹ đã đi vào phút 89, và chắc chắn bà Hillary Clinton không có cơ hội để lật ngược thế cờ. Có lẽ đây là cuộc bầu cử không bình thường nhất của nước Mỹ, và cũng có lẽ nó cho thấy, nước Mỹ đang ở trong một giai đoạn bất thường nhất.

Dân mình quan tâm tình hình bầu cử Tổng thống Mỹ dữ quá, cứ như mê phim Hollywood vậy. Mà cũng chẳng riêng dân nước mình quan tâm, chưa bao giờ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lại thu hút được sự chú ý của dư luận thế giới như lần này, vì nó quy tụ được quá nhiều yếu tố đặc biệt.

Đầu tiên chúng ta cần có cái nhìn tổng thể cục diện thế giới - khi mà thế giới cũng đang bước vào một giai đoạn bất ổn với những vấn đề vượt ngoài tầm của bất cứ quốc gia nào, ảnh hưởng đến toàn khu vực và thậm chí toàn cầu. Môi trường sống ô nhiễm; kinh tế thế giới có nhúc nhích sau một chu kỳ đi xuống, nhưng vẫn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng; hố ngăn cách giàu nghèo ở tất cả các châu lục tiếp tục trở nên sâu sắc hơn… Đặc biệt là sự chia rẽ của các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn như Châu Âu hay chính nước Mỹ, cũng đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển tiến bộ của thế giới.

Một nền kinh tế hàng đầu, thị trường khổng lồ và vốn lâu nay là siêu cường duy nhất trên thế giới bộc lộ những bất ổn, “họ” chỉ cần hắt hơi sổ mũi là toàn cầu ốm nặng… Do đó ai sẽ là tổng thống mới của nước Mỹ, có khi đến 3/4 dân số thế giới quan tâm. Với những người không phải là công dân Hoa Kỳ, ai sẽ là tổng thống nước này nhiệm kỳ mới sẽ quyết định bộ mặt của thế giới tương lai.

Cực Châu Âu đang chia rẽ, không rõ có hình thành được “cực Nga - Trung” hay không, và “cực Hoa Kỳ cùng các vệ tinh” sẽ như thế nào, đó chính là diện mạo khó đoán của thế giới ngày mai.

Khi bước vào cuộc tranh cử, người ta đồn đoán nếu bà Hillary Clinton làm tổng thống, quan hệ của Hoa Kỳ với nước Nga sẽ xấu đi, xuất phát từ quan hệ của bà với chính giới và chính sách của nước này từ thời bà còn làm ngoại trưởng. Tương ứng, người ta đoán tiếp nếu ông Donald Trump làm tổng thống thì quan hệ của Hoa Kỳ và Nga sẽ nồng ấm hơn, dựa trên thái độ của ông này và Tổng thống Liên bang Nga Putin dành cho nhau…

Quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ xuống thấp đến mức như hiện nay, do đó đây là điều được chú ý vì dù sao, nước Nga vẫn là một siêu cường ít nhất là về quân sự và nắm trong tay vũ khí hạt nhân, lại là 1 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Để dẫn đến tình hình xấu đến cỡ đó một phần cũng là do thái độ không thân thiện của phương Tây dành cho Liên Xô (cũ), nay nước Nga “được thừa hưởng” và nay thậm chí dẫn đến tình trạng đối đầu.

Putin và Trump có thể sẽ tìm thấy ở nhau một điểm chung nào đó của hai người cùng là “người đặc biệt”, nhưng xa hơn thì không thấy có gì đáng chia sẻ hơn nữa. Và những điểm đặc biệt đó có thể dẫn tới mối quan hệ nồng ấm, như kiểu Putin - Erdogan (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) hay không, chưa ai có thể đoán định được. Nhưng nếu quan hệ Nga - Hoa Kỳ tiến triển tốt đẹp, thế giới có thể ổn định hơn.

Cả hai ứng cử viên đều không mặn mà với TPP (Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương) nên với các nước liên quan, chưa trông chờ gì được ở kết quả của cuộc bầu cử này. Tuy nhiên với Việt Nam thì có thể có khác, thái độ của họ đối với chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ ra sao, còn có như thời ông Obama nữa hay không, nước Mỹ còn muốn có chỗ đứng vững chắc ở Biển Đông nữa không khi mà quan hệ của nước này với Philippines từ khi ông Duterte lên ngồi ghế tổng thống đột ngột lao dốc?

Chưa có cuộc tranh cử tổng thống nào “chán” như lần này, khi mà hai ứng viên công kích nhau bằng những đòn vụn vặt, tủn mủn của đời thường; mạt sát nhau bằng những lời lẽ rất thô lỗ. Bà Hillary Clinton vốn là chính trị gia chuyên nghiệp đương nhiên cũng có thể đưa ra được những dự kiến chính sách chuyên nghiệp hơn một chút.  Đáng ngại hơn, ông Trump lại có quan điểm rất cực đoan như vấn đề người nhập cư Mexico hay cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ… Đây là những quan điểm đi ngược lại giá trị của Hoa Kỳ, một đất nước của tự do và thu hút nhân tài xây dựng nên nước Mỹ ngày hôm nay.

Dư luận toàn cầu lại càng hoang mang vì quá khó để hình dung bộ mặt của thế giới ngày mai sẽ như thế nào…

Thôi cứ coi như xem games show, cái gì hay mình coi. Có người nói Trump lên thì nước mình khổ.  Ừ thì có thể. Nhưng làm như Hillary lên là nước mình sướng vậy. Sướng khổ do mình, chứ sao giao vào cuộc bầu cử cách mình cả đại dương. Mình có nhiều cái lo lắng, vui buồn và hy vọng hơn việc ai trúng cử mà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem