|
Những ngày qua, người dân vùng lũ miền Trung luôn sống trong cảnh thừa nước bẩn, thiếu nước sạch. |
Xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) nằm dọc tuyến đường 12/9 và quốc lộ 46 nhưng đến nay vẫn còn hơn 70% hộ dân bị ngập nước. Kéo theo đó nhiều hộ dân bị thiếu nước uống và nước sinh hoạt trầm trọng. Bà Lê thị Minh ở xóm 6 cho hay: "Mấy hôm nay bà con ở đây nấu ăn được là do có bể nước mưa nhưng nhiều bể cũng bị lũ làm cho hư hại. Nước ăn uống, sinh hoạt đều dùng nước mưa nên bể ở nhiều hộ đã cạn kiệt. Nhà tui chỉ dùng 4 ngày là hết phải đi xa hàng km để xin nước về."
Không riêng gì xã Hưng Thông, xã Long Thạnh mà toàn bộ giếng nước ở các vùng ngập lụt của Nghệ An đều bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Đề - Phó Chủ tịch xã Long Thành, vùng ngập lụt nặng nề nhất của huyện Yên Thành, nói: "Toàn xã có 70 giếng nước công cộng và hơn 1.000 giếng nước của dân. Tất cả đều bị ngập, bị ô nhiễm. Nước sạch cho dân là vấn đề bức bách. Chúng tôi lập tờ trình xin Trung tâm y tế dự phòng huyện hoá chất xử lý nhưng mới được cấp 25kg Cloramin B; 10kg phèn dùng cho 17 xóm. Như vậy thì như muối bỏ biển".
Trước thực trạng nêu trên, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn Nghệ An tiến hành các biện pháp xử lý nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vùng lũ, phân bổ hoá chất phèn chua, Cloramin B; Hướng dẫn người dân quy trình xử lý nguồn nước uống và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
Theo khảo sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, tính đến thời điểm này, tại Quảng Bình có khoảng 108.000 giếng nước, Thừa Thiên - Huế có hơn 400 giếng nước của nhân dân bị ngập, cần tẩy rửa bằng hoá chất. Gần 70.000 người dân của Hà Tĩnh cũng đang thiếu nước sạch... Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế và Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cấp 4.000 gói Oresol, 80.000 viên Aquatab, 105.000 viên kháng sinh Hazipo, 40.000 viên Cloramin B và 210 kg Cloramin B bột... để xử lý nước sinh hoạt. T.L
Ông Lê Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An cho biết: "Trên địa bàn Nghệ An, nhiều vùng còn bị ngập nên triển khai công việc xử lý nguồn nước và môi trường sau lũ rất khó khăn. Mặc dầu vậy thời gian qua chúng tôi đã cố gắng tiếp cận phân phát hoá chất đến tận tay người dân.
Cử các đoàn y tế về vùng lũ giúp dân xử lý nguồn nước và môi trường!". Một khó khăn lớn khác là hiện nay là lượng hoá chất chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu của người dân. Vì vậy, tạm thời hoá chất chỉ được cung ứng để xử lý nước uống và nấu ăn cho nhân dân vùng lũ là chính...
Môi trường sau lũ là điều kiện cho một số dịch bệnh phát triển, nhất là đau mắt đỏ, tiêu chảy, bệnh ngoài da. Hiện nay, những dịch bệnh này đã xuất hiện hầu khắp ở các huyện, thành, thị trên địa bàn Nghệ An.
Cùng với xử lý nguồn nước sinh hoạt, ngành y tế cũng khuyến cáo chính quyền, người dân nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
Tiến Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.