Nước sạch ở Bình Thuận: Cán đích mục tiêu quốc gia

Thứ tư, ngày 17/11/2010 18:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là một tỉnh có địa chất phức tạp, trữ lượng nguồn nước kém, nhưng đến cuối năm nay, Bình Thuận vẫn đạt mục tiêu 85% dân số nông thôn được cấp nước sạch trong năm 2010.
Bình luận 0
img
Nhiều địa phương đã đạt được nhiều thành tựu trong mục tiêu cấp nước nông thôn.

Ưu tiên cấp nước cho đồng bào DTTS

Theo báo cáo của Trung tâm NS&VSMTNT Bình Thuận, trong những năm gần đây, đời sống đồng bào DTTS ở Bình Thuận đã được cải thiện đáng kể, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng nước sinh hoạt. Hiện nay, điều trăn trở đối với ngành cấp nước là nguồn nước sinh hoạt của đồng bào ở vùng cao bị nhiễm vôi rất nặng.

Ông Lý Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Bình Thuận cho biết: Tỉnh được tiếp nhận Chương trình nước sinh hoạt nông thôn do UNICEF tài trợ từ năm 1987. Đến cuối năm 2010, Bình Thuận sẽ hoàn thành mục tiêu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 85% dân số nông thôn. Đặc biệt, theo ông Phước, riêng khu vực đồng bào DTTS sẽ có trên 90% số hộ được tiếp cận và sử dụng nước sạch từ các hệ thống nước (HTN), trong đó gần 65% số hộ lắp thuỷ kế vào nhà.

Được biết, để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu nước sinh hoạt của bà con vùng cao, Trung tâm đã thiết lập thư mục theo dõi kết quả xét nghiệm và sự biến động của chất lượng nước. Đồng thời, thành lập đội thi công trực thuộc Trung tâm, chủ động trong công tác sửa chữa, khắc phục sự cố ở các HTN.

Đặc biệt, hàng tháng Trung tâm phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện kiểm tra chất lượng nước. “Hiện nay, có trên 90% HTN do chúng tôi quản lý và số mẫu nước được kiểm tra thường xuyên đạt chất lượng nước theo QCVN 02 và QCVN 01, nhiều HTN có chỉ tiêu độ đục dưới 1. Chỉ còn lại 3 HNT sử dụng nước giếng đào dưới chân đồi cát chưa được đầu tư nâng cấp có chỉ tiêu độ đục cao hơn QCVN 02”- ông Phước thẳng thắn.

Chất lượng nước quyết định sự “sống còn”

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nước ngầm, nước mặt nhưng tính đến nay, ngành nước Bình Thận thực sự đã mang đến niềm tin cho người dân trong tỉnh. Ông Phước chia sẻ: “Công tác quản lý chất lượng nước là một quá trình từ khâu đầu tư ban đầu đến khâu vận hành nhà máy nước và ý thức bảo vệ, gìn giữ nguồn nước ở cộng đồng. Việc cải thiện, nâng cao chất lượng nước quyết định sự sống còn của một tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này”.

Bình Thuận đã xây dựng và áp dụng “Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO- 9001:2008”. “Hiện nay, nhận thức của bà con về chất lượng nước được nâng cao rất nhiều. Sắp tới, việc triển khai Đề án quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2010-2020 sẽ giúp chúng tôi quản lý chất lượng nước tốt hơn rất nhiều”- ông Lý Hữu Phước cho biết.

Xử lý ngộ độc trong giếng nước

Giếng nước là nguồn nước mà đại đa số hộ dân nông thôn sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu hiện nay. Tuy nhiên, đã có nhiều vụ tai nạn tử vong thương tâm vì ngộ độc khi xuống giếng để rửa, vét, làm vệ sinh hoặc xuống lấy những đồ vật rơi nơi đáy giếng... Thủ phạm của những vụ chết người này chính là khí Cacbonic dioxyt (CO2), khí này nặng hơn không khí nên thường đọng lại ở những chỗ thấp. Những giếng khơi sâu cũng dễ là nơi tích tụ nhiều khí CO2, hoặc những khí độc như H2S (Sunfua Hydro), CH4 (Metan)… Hãy giảm thiểu những tai nạn này bằng cách:

Trước khi xuống giếng cần phải thăm dò xem không khí dưới đáy giếng có thở được không. Có thể dùng cách thử đơn giản sau đây:

- Thắp một ngọn nến, hay ngọn đèn, thòng dây thả dần xuống sát mặt nước dưới đáy giếng trước. Nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới đáy giếng vẫn đủ oxy để thở, người có thể xuống được. Trái lại, nếu ngọn nến chỉ cháy leo loét rồi tắt thì không nên xuống vì không khí dưới đáy giếng thiếu oxy, và có nhiều khí CO2, người xuống sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.

- Cũng có thể nhốt một con gà hay một con chim vào trong lồng, buộc dây thả dần xuống gần sát mặt nước giếng, nếu con vật bị chết ngạt là dưới giếng có nhiều khí CO2, không cho người xuống được.

Nếu có hiện tượng khí độc cần phải bơm sục khí nhiều lần để tạo sự thông thoáng vào trao đổi oxy khí trời trước khi xuống giếng.

Phải phân tích, kiểm nghiệm mẫu nước trước khi xử dụng nhất là những giếng nước nằm gần các cơ sở sản xuất - kinh doanh có nước thải ô nhiễm ngấm vào tầng nước ngầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem