Nước sạch về xã nghèo

Thứ hai, ngày 11/07/2011 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công trình nước sinh hoạt tập trung xây dựng ở bản Minh Long, xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đang là niềm vui lớn của đồng bào người Mông được hưởng lợi từ Chương trình 135.
Bình luận 0

Bản Minh Long có 15 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, người Mông ở Minh Long sinh sống trên bản Lũng Nặm, đời sống gặp nhiều khó khăn, quanh năm phải đối mặt với thiếu ăn, nghèo đói và thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

img
Em Ngô Văn Sơn, 11 tuổi, bên bể nước tập trung của bản.

Ưu tiên bản mới định cư

Nguồn nước ăn uống hàng ngày của người dân bản Minh Long chủ yếu được lấy từ các khe suối, vì thế bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh của đồng bào. Năm 2005, được sự vận động của chính quyền địa phương, các hộ đồng ý "hạ sơn" để đảm bảo cuộc sống tốt hơn, nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói.

Từ bản Lũng Nặm, người Mông xuống núi lập bản mới Minh Long. Dù được đầu tư khá toàn diện từ nhà ở, đất sản xuất, điện, nhưng lại không có công trình nước sinh hoạt tập trung. Anh Ngô Văn Lý - người dân trong bản, cho biết: Những ngày đầu tiên lập bản, bà con vẫn phải ra suối cõng nước về dùng. Đi bộ cả tiếng đồng hồ mới lấy được 2 can nước suối.

Năm 2010, được sự giúp đỡ của Chương trình Cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn (PSARD) và các cấp chính quyền, công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư xây dựng tại bản Minh Long với số vốn hơn 60 triệu đồng.

Em Ngô Văn Sơn, 11 tuổi, vui vẻ: "Từ ngày có bể nước, em không phải đi ra suối cõng nước và tắm giặt nữa". Bà Nông Thị Vơn - Chủ tịch UBND xã Bắc Hợp cho biết: Minh Long là bản mới, lại nằm trong diện thụ hưởng Chương trình 135 nên luôn được chính quyền quan tâm và ưu tiên đầu tư các công trình phúc lợi xã hội.

Chính quyền quan tâm, dân đồng thuận

Hiện nay, xã Bắc Hợp có tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 34%, nhưng tỷ lệ người dân dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh của xã lại đạt tới 80%.

"Có được kết quả đột phá trong cấp nước sinh hoạt cho người dân một phần do chính quyền quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đồng bào dân tộc cũng đã dần nhận thức được vai trò của nước sạch trong đời sống hàng ngày nên góp sức cùng làm"- bà Vơn nhấn mạnh.

Đơn cử như công trình xây dựng hệ thống cấp nước ở bản Minh Long. Để hiện thực hóa nguyện vọng, người dân bước đầu lập kế hoạch xây dựng (có sự giúp đỡ của cán bộ xã), góp công và một số vật liệu sẵn có.

img Có được kết quả đột phá trong cấp nước sinh hoạt cho người dân một phần do chính quyền quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đồng bào cũng đã dần nhận thức được vai trò của nước sạch trong đời sống hàng ngày. img

Bà Nông Thị Vơn - Chủ tịch UBND xã Bắc Hợp

"Dù không phải là xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng trong những năm vừa qua, bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất cho bà con, chúng tôi luôn chú trọng đến xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có đường giao thông nội đồng, đường thôn bản và các công trình nước sạch"- ông Mã Quang Tuyến - Bí thư Đảng ủy xã Bắc Hợp cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tuyến, vì tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao nên việc đầu tư toàn diện từ hạ tầng đến sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để có thể xóa nghèo bền vững hướng tới làm giàu bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền huyện, tỉnh và của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem