Nuôi bò sinh sản, nuôi gà đông đúc, nông dân Quảng Trị thoát nghèo bằng vốn vay Ngân hàng CSXH
“Tiền đi bằng 2 chân, đi bằng 4 chân” giúp nông dân Quảng Trị bước ra khỏi cảnh nghèo, vươn lên khấm khá
Ngọc Vũ
Thứ năm, ngày 08/09/2022 12:16 PM (GMT+7)
Sau một tia sét, đôi vợ chồng trẻ đành ngậm ngùi rời TP Hồ Chí Minh trở về quê với hai bàn tay trắng, nghèo rớt mồng tơi. Giờ đây, cuộc sống của họ đã khá hơn, thoát nghèo nhờ những đồng vốn quý giá, đầu tiên từ ngân hàng chính sách xã hội.
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuý Ngân (SN 1985, thôn Trường Thọ, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), nằm bên đường mòn Hồ Chí Minh.
Tuy vẫn là nhà cấp bốn, đơn sơ nhưng niềm vui hiện rõ trên gương mặt của chị Ngân. Bởi lẽ, 14 năm trở về trước, dù tên Ngân (tiền) nhưng hầu như chẳng lúc nào chị có tiền. Sau này, nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho vay vốn chăn nuôi, trồng trọt, chị mới thoát nghèo, tuy chưa nhiều nhưng vẫn có tiền trong tay.
Ngồi trên bộ sofa cũ ở phòng khách, chị Ngân kể, quê ở tỉnh Nghệ An, 17 tuổi chị vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân giày da. Sau thời gian yêu nhau, 18 tuổi chị lấy chồng.
Sau khi sinh con đầu lòng, vợ chồng chị Ngân dành hết vốn liếng, vay mượn thêm bạn bè, người thân thuê kiot, mua sắm máy móc mở quán internet. Quán mới hoạt động chưa được 2 năm thì tai hoạ ập đến. Trong cơn mưa dông, một tia sét đánh ngang trời, toàn bộ máy tính quán chị Ngân cháy khét. Đôi vợ chồng trẻ trắng tay, còn phải nuôi con nhỏ.
"Nhớ lại giai đoạn đó cứ cảm thấy rùng mình, không nghĩ có thể vượt qua" – chị Ngân kể.
Năm 2005, vợ chồng chị Ngân cùng chiếc xe máy cũ dắt dìu nhau trở về quê Quảng Trị, cám cảnh chẳng khác nào cảnh người dân từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch Covid-19 trong năm 2021.
Bóc vỏ tràm, bốc vác gỗ, mót mủ cao su, đốn củi bán, đi rà tìm phế liệu chiến tranh…, hầu như nghề nào vợ chồng chị Ngân cũng làm, miễn có tiền, có gạo nuôi con. Nhà thì ở nhờ bố mẹ chồng. Quần áo đôi lúc phải đi xin mới có mặc.
Thấy chị Ngân khó khăn nhưng chịu thương chịu khó, năm 2008, bà Đào Thị Thuỷ (SN 1964) – chi hội trưởng phụ nữ thôn Trường Thọ vận động chị vào hội phụ nữ. Đây là nơi chị Ngân có thể tâm sự, chia sẻ nhiều hơn để có động lực, tiềm tin vào cuộc sống.
Qua theo dõi, thấy chị Ngân có ý chí làm ăn, bà Thuỷ đã vận động chị Ngân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh để có tiền chăn nuôi, trồng trọt.
Năm 2010, chị Ngân được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho vay 30 triệu đồng để mua 4 con bò giống. Năm 2014 và 2018 chị Ngân được cho vay 170 triệu đồng trồng cao su, rừng tràm.
Nhờ chăm chỉ làm việc, vợ chồng chị Ngân phát huy hiệu quả vốn vay, tạo ra thu nhập khá. Từ tiền bán bò, rừng và cao su, đôi vợ chồng trẻ đã làm được nhà riêng, mua xe ô tô chạy dịch vụ, chuyên chở khách, thu nhập ổn định.
Không chỉ thoát được đói nghèo, chị Ngân còn có tiền nuôi con ăn học. Con gái đầu – gắn với kỷ niệm sét đánh tiệm nét nay đã vào năm 2, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.
Chị Ngân chia sẻ, hành trình từ bàn tay trắng vượt khó thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định của vợ chồng chị luôn có sự đồng hành, sẻ chia của người thân, bè bạn, bà con xóm giềng, chị em phụ nữ và đặc biệt là vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn tuy chưa lớn nhưng đó là những đồng tiền đầu tiên, quan trọng giúp người dân khởi nghiệp.
"Nguồn vốn ấy như cha mẹ dìu dắt, tập cho con cái những bước đi đầu đời để vững bước tương lai" – chị Ngân nói.
Nụ cười người chăn bò
Ở thôn Trường Thọ, câu chuyện vượt khó của vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh (SN 1978) là tấm gương sáng để mọi người học tập.
Hẹn chị Minh từ sáng nhưng đến 16h chúng tôi mới thấy chị lùa đàn bò 14 con về chuồng. Trên khuôn mặt gầy gò, mặn mòi cái nắng của miền "đất lửa", chị Minh vẫn nở nụ cười tươi, thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao khi được cán bộ Ngân hành Chính sách huyện Gio Linh ghé thăm.
Ngồi trong căn nhà mới vẫn còn lắm bộn bề, chị Minh cho biết, thôn Trường Thọ thuộc miền trung du, cuộc sống người dân gắn với rừng, mỗi nhà vài sào ruộng. Nhà chị lại có đến 5 người con và bố chồng già yếu nên cuộc sống khó khăn cứ đeo bám.
Không cam phận nghèo, năm 2012, được sự vận động của chính quyền, đoàn thể địa phương, chị Minh quyết định "chơi lớn", vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh. Sau vài thủ tục đơn giản bằng hình thức vay tín dụng thông qua hội phụ nữ, chị Minh đã mang tiền về nhà mua 3 con bò giống.
Từ đó, cuộc đời của chị gắn với việc sáng mở chuồng lùa đàn bò đi ăn, chập tối lùa về. Sau nhiều năm, đàn bò của chị Minh đã nhân đàn, có thời điểm lên tới 20 con trong chuồng.
"Từ trước tới nay tôi đã bán vài chục con bò, nhờ đó có tiền làm nhà, nuôi con ăn học. Mới đây tôi còn được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho vay 80 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt" – chị Minh cho biết.
Ông Dương Đức Hạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, vốn vay ngân hàng chính sách đã giúp hàng ngàn người dân, học sinh, sinh viên có tiền ăn học, có vốn sản xuất, khởi tạo cuộc sống tốt đẹp hơn. Thời gian tới, huyện mong muốn ngân hàng tiếp tục quan tâm cho người dân vay vốn nhiều hơn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, chung tay xây dựng nông thôn mới.
"Vốn vay ngân hàng chính sách chạm tay đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội để vực họ đứng lên, đó là nhiệm vụ khó khăn mà không phải đơn vị, tổ chức nào cũng có thể làm được" – ông Hạnh chia sẻ.
Ông Hoàng Đình Mẫn – Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gio Linh cho biết, từ năm 2019 đến 31/7/2022, ngân hàng đã cho 14.131 khách hàng vay hơn 550,856 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.