Nuôi cá dĩa bán cho thiên hạ làm kiểng, ông nông dân Tây Ninh kiếm bộn tiền

Thứ bảy, ngày 27/08/2022 19:01 PM (GMT+7)
Ông Phạm Văn Đức (sinh năm 1964), ngụ khu phố 2, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành (tỉnh Tây Ninh) nuôi cá dĩa từ nhiều năm nay. Khi còn trẻ ông Đức đã nuôi cá dĩa nhưng chủ yếu là vì đam mê, đến năm 2017, ông bắt đầu nuôi cá kinh doanh.
Bình luận 0

Hiện nay, cá cảnh không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Phong trào nhân giống nuôi cá cảnh ngày càng phát triển, nhất là ở khu vực đô thị với diện tích đất nhỏ nhưng tạo ra giá trị sản phẩm lớn. 

Nuôi cá dĩa bán cho thiên họa làm kiểng, ông nông dân Tây Ninh kiếm bộn tiền - Ảnh 1.

Ông Đức bên bể nuôi cá dĩa của gia đình tại khu phố 2, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành (tỉnh Tây Ninh).

Ông Phạm Văn Đức (sinh năm 1964), ngụ khu phố 2, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành (tỉnh Tây Ninh) nuôi cá dĩa từ nhiều năm nay. Khi còn trẻ ông Đức đã nuôi cá dĩa nhưng chủ yếu là vì đam mê, đến năm 2017, ông bắt đầu nuôi cá kinh doanh. 

Năm 2020, ông được Hội Nông dân phường Long Hoa hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng, lãi suất ưu đãi, hình thức trả lãi linh hoạt.

Ông Đức cho biết, qua nhiều năm nuôi cá, ông nghiên cứu và tìm hiểu thấy cá dĩa rất thích hợp phát triển ở Tây Ninh và một số nơi, tiềm năng xuất khẩu của loại cá này rất lớn. Tuy nhiên, quá trình nuôi cần phải đúng kỹ thuật, bảo đảm yêu cầu về chất lượng con giống, an toàn dịch bệnh...

Theo truyền thống, việc nuôi cá dĩa thường với mật độ thưa, chiếm nhiều diện tích, chi phí cao. Ông Đức tham quan nhiều trang trại nuôi cá dĩa qua đó đúc kết kinh nghiệm, ông mạnh dạn đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi cá dĩa đa dạng về giống như: cá dĩa bông xanh, cá dĩa lam, cá dĩa da rắn, cá dĩa bồ câu, cá dĩa đỏ, cá dĩa trắng, cá dĩa albino...

Theo ông Đức, cá dĩa có khoảng 35 màu thuần chủng xuất khẩu được. Nguồn giống được ông lấy từ các trại cá lớn và tự nhân giống. Thức ăn của cá dĩa trong môi trường nuôi nhân tạo thường là trùn đỏ, trùn chỉ, bo bo, lăng quăng hay tim, gan bò băm nhuyễn.

Thời gian nuôi từ khi cá còn nhỏ đến trưởng thành xuất bán khoảng 90 - 100 ngày. Từ 1 hồ với 6 cặp cá bố mẹ ban đầu, đến nay, ông có 10 hồ với khoảng 1.500 con (chưa tính cá bột) và 40 cặp cá bố mẹ.

Chi phí đầu tư cho nuôi cá dĩa không lớn. Ông Đức ước tính: với diện tích đất nhỏ, 100m2 đặt 3 hồ kính có kích thước 120cm x 50 cm x 50 cm, mỗi hồ nuôi 350 con. Chi phí thức ăn trong 100 ngày đến khi xuất bán khoảng 10 triệu đồng; con giống cá dĩa bột tự tạo; thêm các chi phí khác như điện nước, hồ kính... tổng cộng khoảng 20 triệu đồng. Giá xuất bán cho công ty khoảng 15.000 đồng/cm/con, size 6-7cm, một năm xuất bán 3 đợt, như vậy, lợi nhuận thu được khoảng 250 triệu đồng/năm.

Lúc mới nuôi ông gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, phải tự mày mò học hỏi, cộng với niềm đam mê. “Nếu mới nắm một số kiến thức cơ bản thì chưa đủ, để bước vào kinh doanh tôi mất khoảng 1 năm vừa học vừa làm, sau khi nắm vững kiến thức mới phát triển từng bước. Cùng một hồ kính 120cm x 50cm x 50cm, những trại cá lớn ở Củ Chi và công ty xuất nhập khẩu cá cảnh ở TP. Hồ Chí Minh nuôi 70 con, size 5 - 6cm

Với kinh nghiệm của tôi, một hồ như vậy nuôi được 350 con cùng kích thước. Đến nay, tôi đã thành công nuôi cá dĩa sinh sản và thương phẩm, xuất bán nhiều lứa cá, giảm được chi phí, chỉ bằng 1/5 so mô hình ở các tỉnh khác”- ông Đức chia sẻ.

Hiện nay ông đang mở rộng quy mô lên 40 hồ với khoảng 10.000 con.

Ông Lê Tùng Chinh- Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hoa cho biết, đây là mô hình thiết thực, có thể phát triển ở khu vực đô thị vì không cần diện tích đất nhiều, mang lại giá trị kinh tế cao, có thể nhân rộng và phát triển.

Trúc Ly (Báo Tây Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem