Loài động vật hoang dã ưa bóng tối được một nông dân Nam Định nuôi thành công, "nhận lương" gần 1 tỷ/năm

Lãng Hồng Thứ tư, ngày 17/07/2024 18:53 PM (GMT+7)
Với ý chí và quyết tâm cao, anh Nguyễn Văn Thắng (xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã thuần hóa thành công loài chồn hương là động vật hoang dã. Nhờ chăn nuôi loài đặc sản này, mấy năm trở lại đây, gia đình anh đều “đút túi” gần 1 tỷ đồng.
Bình luận 0

Nuôi con đặc sản, nuôi động vật hoang dã-Thất bại nhưng không nản

Anh Nguyễn Văn Thắng tâm sự, năm 2011, sau chuyến đi dài ngày tham quan mô hình nuôi chồn hương ở Nghệ An, anh quyết định đầu tư, mua 8 cặp chồn hương với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng để về nuôi thử nghiệm tại quê nhà.

Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi loài động vật hoang dã này nên đàn chồn hương bị mắc bệnh, lười ăn và chết dần, chết mòn. Chuồng nuôi dần vắng bóng chồn hương.

Nuôi chồn hương là động vật hoang dã, một nông dân Nam Định nhận lương cao gần 1 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Thắng (xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) thuần hóa và nuôi thành công con chồn hương vốn là động vật hoang dã. Ảnh: Lãng Hồng.

Không nản chí, anh Thắng tiếp tục bỏ ra 1 số vốn không hề nhỏ để mua chồn hương về nuôi. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, lần này anh Thắng tiếp tục thất bại. Cả đàn hàng chục con, song sau một thời gian ngắn chỉ vài con sống sót.

"Cứ mỗi lứa chồn hương chết là gia đình tôi lại mất đi số tiền không hề nhỏ. Chăn nuôi thất bại liên tiếp, khiến vợ con tôi phản đối kịch liệt về mô hình", anh Nguyễn Văn Thắng tâm sự.

Bỏ qua lời những lời phân tích, chia sẻ tận đáy lòng của vợ, con, anh Thắng quyết liều thêm 1 lần nữa. Bởi, trong suy nghĩ của anh, chồn hương là loài động vật tuy khó tính, khó nuôi, nhưng đem lại kinh tế cao hơn nhiều so với những con vật khác.

Áp dụng phương châm "chậm mà chắc", lần này anh Thắng không vào đàn cùng lúc với số lượng lớn mà chỉ mua số lượng ít để kết hợp vừa nuôi, vừa tìm hiểu tập tính, cách sinh hoạt, bệnh thường gặp của loài động vật hoang dã này. Từ đó đúc rút kinh nghiệm, nâng cao tay nghề chăn nuôi.

Có trong tay cuốn sổ kinh nghiệm chăn nuôi chồn hương được đúc rút sau thời gian dài ghi chép cẩn thận, anh Thắng bắt đầu nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi. Nhờ vậy, số lượng đàn chồn hương tăng dần theo thời gian.

"Từ năm 2019, đàn chồn hương của gia đình tôi bắt đầu phát triển tốt, không bị bệnh như trước, tỷ lệ chồn sinh sản và nuôi con thành công ngày càng cao", anh Thắng nhớ lại.

Nuôi chồn hương là động vật hoang dã, một nông dân Nam Định nhận lương cao gần 1 tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

Mỗi năm, mô hình nuôi chồn hương, loài động vật hoang dã đem lại thu nhập cho gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) gần 1 tỷ đồng. Ảnh: Lãng Hồng.

Hiện tại, gia trại nuôi chồn hương của gia đình anh Thắng có quy mô lớn nhất nhì tỉnh Nam Định, với tổng đàn hơn 300 con. Trong đó, khoảng 200 con mẹ, hơn 50 con thương phẩm, còn lại là con giống.

Thu nhập cao từ nghề nuôi chồn hương

Giới thiệu về chồn hương, anh Thắng thổ lộ, chồn hương là động vật hoang dã, ban ngày thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm. Mỗi ngày, chồn hương ăn 1 bữa vào buổi chiều. Thức ăn chủ yếu là chuối chín, cháo cá hoặc cháo gà.

Chồn hương được nuôi nhốt trong lồng sắt, đảm bảo chắc chắn, thoáng mát và cao ráo. Kích thước lồng nuôi tùy theo vào số lượng nuôi nhốt. Đặc biệt, chuồng nuôi được thiết kế cách mặt nền trên 1m, mục đích tạo độ thoáng và dễ dàng vệ sinh.

"Trung bình, mỗi ngày phải dọn chuồng 1 lần để chuồng nuôi luôn sạch sẽ, khô thoáng, không bị ẩm thấp. Có như vậy, chồn mới không bị mắc các bệnh tiêu chảy, bệnh cầu trùng, thương hàn…", anh Thắng cho hay.

Theo anh Thắng, trường hợp chồn hương mắc phải cách bệnh nêu trên thì cần phải xử lý nhanh, kịp thời để bệnh không lây lan ra cả đàn. Bởi vậy, khâu phòng và trị bệnh được anh Thắng rất coi trọng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, anh Thắng nói, chồn mẹ mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Nếu nuôi thương phẩm, thì nuôi khoảng 10 - 12 tháng là có thể xuất bán ra thị trường.

Với quy mô 200 con chồn mẹ, năm nay gia đình anh dự kiến sẽ bán ra thị trường khoảng 500 con giống. Được biết, chồn giống 3 tháng tuổi có giá bán dao động từ 5 - 6 triệu đồng/con, chồn thương phẩm có giá bán từ 1,8 - 2,3 triệu/kg, tùy vào từng thời điểm.

Anh Nguyễn Văn Thắng nhẩm tính, 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, gia đình anh "đút túi" gần 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi chồn hương.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ chồn hương của gia đình anh Thắng rất lớn, các thương lái thường liên hệ qua điện thoại đặt mua trước nhưng cung không đủ cầu. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Thắng đang xin cấp phép mở rộng quy mô gia trại.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi chồn hương, thời gian qua có rất nhiều người dân trong và ngoài xã đến thăm quan mô hình và mua chồn giống về nuôi.

"Những người đến mua chồn giống đều được tôi hướng dẫn tận tình về cách chăm sóc, công tác phòng trị bệnh…, nhờ đó người nuôi yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình", anh Thắng tâm sự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem