Nghề nuôi gà mang về cho Thái Nguyên 4.600 tỷ đồng, nhiều kỹ thuật, công nghệ mới đang áp dụng hiệu quả

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 12/10/2024 05:36 AM (GMT+7)
Nhờ tích cực ứng dụng, đưa tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào chăn nuôi gia cầm, những năm qua đàn gà tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh, tăng nhanh về số lượng, chất lượng với tổng đàn 14 triệu con; sản lượng thịt gà ước đạt 98.000 tấn; giá trị sản phẩm chăn nuôi gà toàn tỉnh đạt 4.600 tỷ đồng.
Bình luận 0

Sáng 11/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo "Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà". Hội thảo nhằm giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà, đồng thời trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học mới trong phát triển chăn nuôi.

Chăn nuôi gà mang về cho tỉnh Thái Nguyên 4.600 tỷ đồng

Chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo "Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà" diễn ra tại Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Đức Hảo – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà" có ý nghĩa hết sức thiết thực và quan trọng. Thông qua hội thảo sẽ tạo điều kiện để các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, cộng tác viên khuyến nông, các chủ trang trại và người chăn nuôi có cơ hội tiếp cận và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà. Đồng thời, đây cũng là dịp để cùng thảo luận, giải đáp những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phát triển chăn nuôi nói chung và kỹ thuật chăn nuôi nói riêng.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng là dịp để tỉnh Thái Nguyên giới thiệu về tiềm năng và lợi thế, định hướng phát triển của ngành chăn nuôi Thái Nguyên; là cơ hội để học hỏi quý về phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng giữa các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi lớn mạnh, bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề liên quan như: Công tác chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà tại huyện Phú Bình; hiệu quả trong việc thực hiện mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học theo chuỗi; những thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà; kết quả chuyển giao giống gà 18M1 tại Thái Nguyên; những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi gà...

Chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà - Ảnh 2.

Ông Vũ Đức Hảo – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hà Thanh

Theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, tăng nhanh về số lượng, chất lượng. Các giống gà lông màu thả vườn, gà bản địa có chất lượng, giá trị kinh tế cao chiếm 87% tổng đàn, tăng 45% so năm 2015.

Thái Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Tính đến nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt 16,1 triệu con, trong đó riêng đàn gà 14 triệu con, chiếm 86,9%. Sản lượng thịt gà ước đạt 98.000 tấn, chiếm 89,5% tổng sản lượng thịt gia cầm; sản lượng trứng gà 465 triệu quả; giá trị sản phẩm gà toàn tỉnh đạt 4.600 tỷ đồng.

Chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. 

Thái Nguyên cũng luôn khuyến khích người chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, phát triển mô hình liên kết chuỗi gắn với giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các mô hình sản xuất chuỗi từ chăn nuôi – giết mổ - chế biến – tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi gà

Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, trong những năm qua, đơn vị đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà như: Sử dụng men cao tỏi; xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất lúa thành chất độn chuồng trại chăn nuôi trong chăn nuôi gà. Các tiến bộ kĩ thuật mới này sẽ góp phần giúp người chăn nuôi giảm chi phí sản xuất trong nông nghiệp, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà - Ảnh 3.

Đại biểu xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTDVNN huyện Phú Bình

Bên cạnh đó, mỗi năm Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn tổ chức 10 lớp tập huấn, mỗi lớp có từ 80 – 100 người chăn nuôi tham gia, trọng tâm các lớp này là hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. 

Theo đó, các cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con áp dụng quy trình sử dụng chế phẩm sinh học phối trộn với trấu tạo thành đệm lót sinh học có tác dụng làm khô phân và tác động chuyển hóa phân gà sống thành nguồn phân hữu cơ có thể sử dụng làm chất dinh dưỡng bón ngay cho cây trồng. 

"Đây là giải pháp rất hữu hiệu và chủ động trong phòng trừ dịch bệnh, xử lý mùi hôi chất thải trong chăn nuôi, đáp ứng được yêu cầu an toàn sinh học và bảo vệ môi trường" - đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đánh giá. 

Chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà - Ảnh 4.

Đại diện phòng khuyến nông chăn nuôi và thú y - Trung tâm Khuyến nông quốc gia trình bày báo cáo đề dẫn và báo cáo kết quả chuyển giao gà lai 18M1 tại một số địa phương. Ảnh: Hà Thanh

Cũng tại hội thảo, đại diện Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh như Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình đã báo cáo kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà thông qua hoạt động khuyến nông.

Phát biểu tổng kết và chỉ đạo hội thảo, ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các chia sẻ của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Bộ NNPTNT, các cơ quan tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học mới trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng và đề ra những định hướng hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thực tiễn sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà - Ảnh 5.

Ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tổng kết và chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến từ hội thảo, báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT để có những chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở NNPTNT các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp, phát triển chăn nuôi phù hợp tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, Hiệp hội dựa trên thông tin và kết quả của hội thảo để đề xuất đặt hàng các nội dung về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gà với hệ thống khuyến nông, HTX, nông dân trong việc cung ứng, đầu tư trang thiết bị, trình diễn mô hình.

Các HTX, Tổ hợp tác, Tổ dịch vụ, người sản xuất căn cứ vào thông tin, kết quả tại hội thảo để tổ chức sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới một cách có hiệu quả. Đồng thời đề ra những phương án, giải pháp triển khai cụ thể nhằm phát huy đối ta nguồn lực sẵn có trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học mới trong sản xuất.

Trong khuôn khổ chương trình, trước đó ngày 10/10, các đại biểu đã tham quan mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà tại HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem