Thành phố nào bốn mặt giáp sông, sông lớn nhất diễn ra trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam?
Thành phố nào của nước ta bốn mặt giáp sông, sông lớn nhất là nơi diễn ra trận thủy chiến lớn nhất lịch sử?
Lê Tất (Cổng TTĐT TP Hải Phòng)
Thứ sáu, ngày 11/10/2024 10:16 AM (GMT+7)
Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc bao quanh, xen lẫn khắp các khu vực từ nội thành đến ngoại thành. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa-lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cửa biển.
Nằm ở khu vực hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình đổ ra biển, từ xa xưa, Hải Phòng đã là một vùng đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào cho cư dân sinh sống.
Tính trên toàn khu vực, thành phố có đến hơn 50 con sông lớn nhỏ trong đó có 16 con sông chính với tổng độ dài trên 300km với những cái nổi tiếng như: Sông Đá Bạc-Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình…
Nhìn xuyên suốt lại quá khứ, những dòng sông ở Hải Phòng đều là “chứng nhân” chứa đựng nhiều ý nghĩa vô cùng to lớn về lịch sử, văn hóa và kinh tế của thành phố.
Khi xưa, nữ tướng Lê Chân đã lựa chọn vùng đất bồi màu mỡ ven bờ sông để khai hoang lập ấp, tiền thân hình thành nên thành phố Hải Phòng.
Đến năm 938, dòng sông Bạch Đằng cùng trận cọc gỗ lưu danh muôn thuở với chiến thắng của vua Ngô Quyền kết thúc sự đô hộ của phương Bắc.
Cũng trên dòng sông ấy, một lần nữa năm 1288, vua tôi nhà Trần đã tiến hành trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử đánh đuổi quân Nguyên Mông.
Còn như dòng sông Cấm, khởi đầu từ bến Ninh Hải đơn sơ nhưng tấp nập trên bến dưới thuyền đến nay đã trở thành dòng chảy dọc theo hệ thống cảng biển quy mô và hiện đại.
Cửa sông Bạch Đằng, TP Hải Phòng. Sông Bạch Đằng là một con sông lớn vốn là nhánh của sông Kinh Môn đổ ra biển ở cửa Nam Triệu, là ranh giới giữa Hải Phòng với Quảng Ninh.
Có thể nói, hàng bao thế kỷ qua, thành phố và người dân Hải Phòng đã rất quen thuộc với những con sông uôn lượn, cùng sinh sống và đổi thay từng ngày bên những dòng sông.
Ngày nay, thành phố liên tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế từ những dòng sông trên địa bàn, lấy đó làm nền tảng để phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Đáng nói, hệ thống sông ở Hải Phòng có nhiều thuận lợi về phát triển dịch vụ logistics liên quan đến đường thủy nội địa.
Thành phố là địa phương duy nhất ở miền Bắc có sự kết nối giữa đủ các loại hình vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Ít có nơi nào như Hải Phòng, khi hàng hóa có thể dễ dàng luân chuyển giữa các phương thức vận tải từ đường thủy lên đường bộ, đường sắt và ngươc lại một cách nhanh chóng. Hiện, Hải Phòng có 16 cảng thủy nội địa và 215 bến thủy nội địa.
Theo quy hoạch của UBND thành phố Hải Phòng về phát triển hệ thống bến cảng thủy nội địa trên địa bàn, các cụm bến thủy nội địa được quy hoạch xây dựng và phát triển theo các tuyến sông quan trọng gồm: Sông Cấm, sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng… với mục tiêu đạt khoảng hơn 400 bến vào năm 2030.
Đồng thời đến năm 2030, sản lượng hàng hóa qua các bến cảng thủy nội địa có thể đạt tới gần 44 triệu tấn/năm.
Riêng về vận chuyển container qua đường thủy nội địa tại Hải Phòng, sản lượng năm 2021 đạt hơn 83 nghìn TEU.
Với lợi thế có các dòng sông nằm trong thành phô, gần với các khu công nghiệp và các khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất, các doanh nghiệp của Hải Phòng có thể tích cực sử dụng loại hình vận chuyển qua đường thủy nội địa để giảm mạnh chi phí logistics và đồng thơi giảm áp lực cho các tuyến vận tải đường bộ.
Bên cạnh các lĩnh vực về kinh tế, thành phố Hải Phòng đang khai thác mạnh mẽ tiềm năng của những dòng sông trong xây dựng và phát triển đô thị.
Khi những cây cầu nối hai bờ sông liên tiếp được khánh thành như cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Võ Nguyên Giáp… đô thị Hải Phòng nhanh chóng được mở rộng.
Tiêu biểu như bên kia cầu Hoàng Văn Thụ, một khu đô thị Bắc Sông Cấm mới với nhiều công trình chính trị, xã hội quan trọng của thành phố đã được lên kế hoạch triển khai, kéo theo đó chắc chắn sẽ là những thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân trong khu vực.
Rồi nữa, những dòng sông trong nội thành như sông Tam Bạc đã được thành phố quan tâm chỉnh trang, xây dựng các công trình, khu vực ven sông để tạo điểm nhấn về cảnh quan, hướng tới trở thành địa điểm công cộng, phố đi bộ… phục vụ dân cư và khách du lịch.
Cùng với những công trình của thành phố, các doanh nghiệp lớn liên tục đầu tư, phát triển các khu đô thị cao cấp, hiện đại sát bên những dòng sông của thành phố như khu đô thị Vinhomes Imperia, Hoàng Huy Riverside, Waterfront, Vinhomes Marina…
Mỗi dự án đều có thiết kế kiến trúc đồng bộ, độc đáo, tận dụng tối đa địa thế của những dòng sông góp phần tạo nên cảnh quan hết sức ấn tượng.
Thật khó có thể nhận ra những khu vực bãi bồi ven sông khi xưa vốn chỉ có những căn nhà lụp xụp hoặc bến tàu, nhà máy… nay đã trở thành những căn hộ, biệt thự đáng mơ ước của người dân.
Trên thế giới, có rất nhiều thành phố lớn với đô thị hiện đại, nhưng những thành phố ghi dấu ấn say mê lòng người thì luôn có những dòng sông thơ mộng có thể kể đến như sông Vience (Ý), St. Petersburg (Nga), Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan) hay như ở Việt Nam có sông Hương ở Huế hay sông Hàn ở Đà Nẵng.
“Hải Phòng bốn phía những dòng sông”, câu thơ câu hát in đậm trong lòng mỗi người dân Hải Phòng như một niềm tự hào và yêu thương dành cho những con sông chảy quanh thành phố.
Trong tương lai, chắc chắn những dòng sông sẽ tiếp tục là nguồn động lực và điểm tựa vưng chắc cho thành phố tiếp tục phát triển cả về kinh tế-xã hội và cảnh quan đô thị.
Người Hải Phòng sẽ tiếp tục sống bên những dòng sông bến nước như hàng trăm năm qua nhưng là những dòng sông mang hình ảnh hiện đại, lộng lẫy, đổi thay từng ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.