Nuôi heo thậm chí không lời đồng nào, xuất khẩu thịt heo nhìn vào trong nước vô vàn khó khăn

Phan Anh (Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai) Chủ nhật, ngày 25/12/2022 15:20 PM (GMT+7)
Suốt nhiều tháng qua, nguồn cung sản phẩm thịt heo tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước lại giảm sút đã gây nên tình trạng mất cân đối cung cầu, dẫn đến giá giảm. Có nhiều thời điểm, giá heo hơi dao động ở mức trên dưới 50 ngàn đồng/kg.
Bình luận 0

Vài tháng trở lại đây, giá heo hơi liên tục ổn định ở mức người chăn nuôi có lợi nhuận thấp, thậm chí không lợi nhuận do nguồn cung dồi dào, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 7785/VPCP-NN gửi Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phối hợp nghiên cứu vấn đề xuất khẩu thịt heo. Nguyên nhân do nguồn cung thịt heo trong nước đang dư thừa và có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để được bán heo qua biên giới.

Tạo thuận lợi xuất khẩu thịt heo

Suốt nhiều tháng qua, nguồn cung sản phẩm thịt heo tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước lại giảm sút đã gây nên tình trạng mất cân đối cung cầu, dẫn đến giá giảm. Có nhiều thời điểm, giá heo hơi dao động ở mức trên dưới 50 ngàn đồng/kg. 

Mức giá này thấp hơn từ vài ngàn đến cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm mạnh đã gây nhiều khó khăn, áp lực lớn cho người chăn nuôi. 

Nguyên nhân do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, thu nhập của người lao động giảm sút, đa số người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng nên sức mua thịt heo trên thị trường càng ngày càng yếu, dẫn đến giá heo hơi giảm mạnh.

Theo công văn của Văn phòng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung liên quan đến việc gỡ rào cản xuất khẩu thịt heo. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, Việt Nam không giới hạn định mức (Quota) xuất khẩu heo và sản phẩm thịt heo. Tuy nhiên, để xuất khẩu được heo và các sản phẩm thịt heo thì cá nhân, doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu chưa làm được.

Nuôi heo thậm chí không lời đồng nào, xuất khẩu thịt heo nhìn vào trong nước vô vàn khó khăn? - Ảnh 2.

Trại chăn nuôi heo tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Xuất khẩu thịt heo hiện gặp khó với rào cản thương mại từ các nước. Cụ thể, ngoài tiêu chí quan trọng là chứng minh được chất lượng thịt, đảm bảo có thể truy xuất được nguồn gốc và làm tốt các khâu liên quan đến phòng chữa bệnh, thì việc tuân thủ theo quy định bảo hộ thương mại của nước nhập khẩu là một rào cản lớn. Trong đó, mỗi nước nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam như Myanmar, Indonesia, Châu Phi… đều có quy định riêng.

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cũng là rào cản

Theo phản ánh của Hiệp hội Chăn nuôi và Doanh nghiệp, hạn chế ở khâu giết mổ trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ cũng đang là rào cản trong việc đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng thịt heo ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, điều bất hợp lý hiện nay là thương lái phải đưa heo sống từ Đồng Nai về Long An giết mổ rồi đưa ngược trở về TP.HCM tiêu thụ. Trong khi đó, trên địa bàn Đồng Nai không thiếu doanh nghiệp quan tâm và mong được tạo điều kiện về chính sách, môi trường đầu tư hệ thống giết mổ hiện đại, đáp ứng nhu cầu giết mổ heo có công suất lớn. 

Sau đợt dịch Covid-19, nhiều cơ sở giết mổ, doanh nghiệp tư nhân trong ngành chăn nuôi từng hoạt động rất tốt hiện gặp khó khăn mong được tạo điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ chia sẻ, ở các nước, chăn nuôi đều gắn liền với giết mổ theo chuỗi thì mới kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, giết mổ đến phân phối. 

Trong khi đó, tại Việt Nam quy trình này bị chia nhiều phân khúc dịch vụ, đẩy giá sản phẩm lên cao, góp phần ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm. 

Các vùng quy hoạch đất cho chăn nuôi, giết mổ hiện đang gặp thực trạng quỹ đất chủ yếu trong tay người đầu cơ khiến giá đất bị đẩy lên cao; nhà đầu tư chăn nuôi thật sự khó hoặc không tiếp cận được. Mong các địa phương quy hoạch vùng đầu tư giết mổ, chăn nuôi nên tổ chức đấu thầu giá đất cho các nhà đầu tư có nhu cầu.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có 72 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép hoạt động, kinh doanh. 

Đối với cơ sở giết mổ gà, cơ sở có mức công suất cao nhất là khoảng 30 ngàn con/ngày; còn lại trung bình khoảng 3 ngàn con/ngày. Đối với giết mổ heo, cơ sở có công suất lớn là khoảng 400 con/ngày, còn lại chủ yếu đạt mức trung bình từ 50-100 con/ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem