Nuôi cá diêu hồng dày đặc mặt sông, một ông nông dân Quảng Nam giàu hẳn lên
Nuôi loài cá toàn thân màu hồng, tung thức ăn cá quẫy ầm ầm, một ông nông dân Quảng Nam có của ăn của để
Trần Hậu - Đình Thiên
Thứ ba, ngày 01/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tấn Báu (59 tuổi) ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã có cuộc sống thong thả, có của ăn của để nhờ mô hình nuôi cá diêu hồng.
Trò chuyện cùng với PV. Dân Việt, ông Nguyễn Tấn Báu cho biết: Vợ chồng ông sinh sống bằng nghề cào hến trên sông Trường Giang thấm thoát đã hơn 30 năm nay, ngoài ra ai thuê gì làm đó. Mặc dù không dư giả nhưng vẫn đủ nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học nên người.
Nhận thấy tuổi hai vợ chồng ngày càng cao, sức khỏe thì không đảm bảo hơn nữa sản lượng hến ngày càng ít đi, để có thu nhập cao thì phải chọn hướng đi riêng để phát triển kinh tế cho gia đình.
Ông Báu chia sẻ, sông Trường Giang đã nuôi sống gia đình ông, nên ông đã tìm tòi, nghiên cứu tìm con vật nuôi nào dễ nuôi mà gắn bó được với con sông tuổi thơ này. Sau một lần tình cờ xem ti vi thấy mô hình nuôi cá diêu hồng cho lãi cao thế là ông bắt đầu nghiên cứu về loài cá này.
Ông Báu không lạ lẫm gì với con vật nuôi này vì trước đó ông đã có thời gian làm bán thời gian cho các hộ nuôi cá. Sau khi tìm hiểu trên sách báo, tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi cá ở địa phương, khi đã nắm vững kỹ thuật ông bắt đầu xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng trên sông Trường Giang.
Năm 2019 từ nguồn vốn tích góp được ông bắt đầu triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng. Ban đầu do vốn ít nên quy mô chỉ khoảng 200m2, sau hơn 5 tháng nuôi ông đã xuất lứa cá đầu tiên và đã cho lãi 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Mô hình nuôi cá phát huy hiệu quả, đầu năm 2020 ông đã vay vốn của Ngân hàng Agribank để tiếp tục đầu tư mở rộng, đến nay quy mô trang trại nuôi cá có diện tích hơn 1.000m2, với 65 lồng nuôi, trong đó chủ yếu là cá diêu hồng.
Ông Báu cho hay, mô hình nuôi cá diêu hồng khá đơn giản, ngày cho cá ăn 1-2 lần (tùy vào độ tuổi của cá) nên không mất nhiều thời gian, tương đối nhàn, không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao.
Nguồn vốn chi phí lớn nhất là thức ăn cho cá, chủ yếu bột nuôi cá, được công ty cung ứng thức ăn cho mua nợ trả trước 50%, sau khi xuất bán sẽ trả tiếp phần còn lại.
"Nuôi cá diêu hồng trong lồng rất hiệu quả bởi đây là loài cá dễ nuôi, mau lớn, thời gian nuôi ngắn (5 tháng có thể xuất bán) và cá ít bị dịch bệnh. Đồng thời, nuôi trong lồng nên việc chăm sóc cá, vệ sinh lồng cũng khá dễ dàng.
Tuy nhiên, loài cá này rất nhạy cảm với thời tiết khi chuyển mùa, mưa giông tảo phát triển, cá ăn vào thường mắc bệnh đường ruột. Song, việc xử lý cũng đơn giản chỉ cần dùng vôi bột treo 4 góc lồng nuôi và dùng thuốc cho cá ăn để trị đường ruột…", ông Báu bật mí kinh nghiệm.
Lãi hơn 500 triệu đồng/năm nhờ bán cá diêu hồng
Theo ông Báu, để nuôi cá diêu hồng ít dịch bệnh, đạt hiệu quả thì cần phải làm tốt khâu chọn giống; chú ý chọn con giống khỏe, cá đồng cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, không bị dị hình, trầy da, lở mình.... Bên cạnh đó, cần chú ý mật độ nuôi thoáng, khẩu phần ăn thích hợp cho từng giai đoạn.
Được biết, mô hình nuôi cá diêu hồng của ông Báu có nhiều lợi thế là tận dụng được bề mặt nước sạch từ sông Trường Giang đã giúp ông thuận lợi trong việc nuôi cá, cá nhanh lớn, 5 tháng là có thể xuất bán.
Trong quá trình nuôi, phải chú ý phân loại cỡ cá, hạn chế sự cạnh tranh thức ăn và hao hụt, không để thức ăn dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước.
Ông Báu cho biết thêm, mô hình nuôi cá diêu hồng cho hiệu quả kinh tế cao, sau khoảng hơn 5 tháng nuôi, bình quân ở mỗi lồng nuôi, người dân có thể thu lãi 10 - 15 triệu đồng. Giá bán cá diêu hồng trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tùy theo kích cỡ của cá diêu hồng khi thu hoạch, giá bán ra có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu đạt trọng lượng hơn 1kg/con.
"Hiện nay, mô hình nuôi cá diêu hồng của gia đình tôi cho doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Nhờ cơ duyên biết đến với loài cá này mà gia đình tôi có của ăn của để, cuộc sống khá giả hơn trước rất nhiều…", ông Báu phấn khởi nói.
Trong 5 năm trở lại đây, mô hình nuôi cá trên sông Trường Giang phát triển rất mạnh tại vùng giáp ranh giữa xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), hiện ông Báu cũng đang tập trung đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá của gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.