Nuôi loài được ví như 'lộc trời' kết hợp trồng lúa ST25, nông dân một xã của tỉnh Hải Dương thu lãi 618 triệu đồng/ha

Thứ sáu, ngày 17/11/2023 06:04 AM (GMT+7)
Nuôi rươi kết hợp cấy lúa ST25, người dân xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) thu lãi trên 618 triệu đồng/ha, cao hơn 89 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng.
Bình luận 0

Đó là nhận định của Trung tâm Khuyến nông Hải Dương sau khi tổ chức tham quan, hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" sáng 16/11 tại xã An Thanh (Tứ Kỳ).

Mô hình còn mang lại những lợi ích về môi trường, góp phần bảo tồn nguồn gen rươi giống, tạo đa dạng sinh học, tăng hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước cửa sông, từ đó tăng hiệu quả kinh tế...

Năm nay, trung tâm thực hiện mô hình trên diện tích 10 ha với 3 hộ dân tại xã An Thanh. Các hộ được cung cấp 10 triệu con rươi giống, 330 kg thóc giống ST25. 

Nuôi loài được ví như 'lộc trời' kết hợp trồng lúa ST25, nông dân một xã của tỉnh Hải Dương thu lãi 618 triệu đồng/ha - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân kiểm tra khai thác rươi trong đồng của người dân xã An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương).

Rươi giống được thả làm nhiều đợt để bảo đảm đủ mật độ (kết thúc thả bổ sung rươi giống vào ngày 31/7). Ngày cấy lúa từ 6/1, sử dụng mạ sân trên nền đất cứng, mật độ 18-20 khóm/m2. Trong quá trình nuôi thả rươi và cấy lúa, nông dân được sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy đầm, ruộng rươi.

Kết quả, năng suất lúa mô hình đạt 49,9 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5,6 tạ/ha; năng suất rươi đạt 9,3 kg/sào, cao hơn đối chứng 1,7 kg/sào. Dự án thực hiện trong 3 năm từ 2023-2025.

Kiểm tra vùng khai thác rươi trong đồng ở xã An Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự chủ động của người dân trong việc quy hoạch, xây dựng vùng khai thác rươi trong đồng. 

Đồng chí đề nghị UBND huyện Tứ Kỳ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình sản xuất lúa hữu cơ đồng bộ, hiệu quả hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, tạo điều kiện cho con rươi phát triển thuận lợi ở khu vực trong đồng.

UBND huyện đánh giá hiệu quả việc xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy để có định hướng phát triển phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản xuất.

Xã An Thanh đã có 150 ha khai thác rươi cáy kết hợp trồng lúa hữu cơ ở 2 thôn An Định và Thanh Kỳ. UBND huyện Tứ Kỳ cũng đã phê duyệt Đề án Mở rộng vùng sản xuất lúa khai thác rươi, cáy 214 ha phía trong đê thuộc xã An Thanh vào năm 2025.

T.N (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem